Anh Hristo Ganev, người Bulgaria, chụp ảnh mâm cơm ngày tết tại Lễ hội Tết Việt tối 3-1 - Ảnh: PHAN BẢO
"Một người bạn Việt Nam của tôi nói rằng gần nơi làm việc của cô ấy có lễ hội hay lắm, và dẫn tôi đến đây", anh Hristo Ganev, 39 tuổi, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online khi tham quan Lễ hội Tết Việt - Tet Festival đang diễn ra tại công viên Lê Văn Tám, quận 1, TP.HCM.
Lễ Hội Tết Việt - Tet Festival 2020 từ ngày 3 đến ngày 5-1 do Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam tổ chức lần đầu tiên, nhằm tôn vinh giá trị văn hóa và ẩm thực, tạo cơ hội cho khách tham quan trải nghiệm tết cổ truyền, hiểu thêm về ý nghĩa của ngày Tết và các nghi thức truyền thống của dân tộc trong những ngày lễ tết.
Không chỉ hấp dẫn người dân thành phố, lễ hội còn thu hút nhiều người bạn quốc tế, những người nói rằng lần đầu tiên họ mới biết tết Việt là như thế nào.
Cách quảng bá rất hay
Đi cùng hai người bạn Việt Nam, anh Hristo Ganev dành nhiều thời gian tham quan, chụp ảnh rồi nói chuyện với bạn mình về khu vực không gian gia đình ngày Tết của ba miền Bắc - Trung - Nam, được tái hiện trong các ngôi nhà cổ tại lễ hội.
"Tôi thấy những bữa ăn được bày biện rất đẹp mắt, có vẻ được chuẩn bị rất công phu, tôi nhận ra được sự khác nhau giữa bữa cơm ngày Tết ở ba miền", anh hào hứng chia sẻ.
Nghệ nhân bày mâm cỗ tại Lễ hội Tết Việt ngày 3-1 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Trước đó, dù chưa được "ăn Tết" lần nào nhưng anh cũng có nghe về Tết, và bây giờ lại càng hiểu hơn về lễ hội quan trọng nhất của người Việt.
Anh cho biết mình đặc biệt ấn tượng với hình tượng công, phượng làm từ rau củ đặc sắc được trưng bày tại lễ hội.
Chị Diễm Thúy, 35 tuổi, người bạn đã "lôi" anh Hristo Ganev đến lễ hội, muốn bạn mình có thể hiểu về Tết nhanh nhất, cũng như trải nghiệm trực tiếp không khí Tết là như thế nào.
Anh Hristo Ganev, người Bulgaria, đi cùng bạn bè người Việt đến Lễ hội Tết Việt tối 3-1 - Ảnh: PHAN BẢO
Cùng suy nghĩ đó, chị Hoàng Thu Nga, 41 tuổi, cũng dẫn một người bạn Mỹ đến Lễ hội Tết Việt sau khi đọc được thông tin trên báo.
"Tôi muốn bạn mình biết được tết Việt Nam là như thế nào", chị chia sẻ, cho rằng đây là cách quảng bá rất hiệu quả bởi người nước ngoài có thể cảm nhận được không khí Tết rộn ràng ra sao.
Cô Patricia Alford, 73 tuổi, phải thốt lên "Tôi thật sự ngạc nhiên!" khi được chị Nga dẫn đi tham quan và giải thích về lễ hội, nghe nhạc truyền thống, giới thiệu bánh chưng, chỉ cho cách phân biệt hoa mai với hoa đào ngày Tết.
"Tôi đã ở TP.HCM 3 tuần rồi, và cũng bắt đầu thấy người ta trang trí hoa mai, hoa đào trên đường phố. Với tôi, đó như một tín hiệu báo mùa xuân đang về vậy", cô Patricia vui vẻ nói.
Du khách này cũng bày tỏ sự thích thú khi được nếm thử những món ăn Việt Nam lần đầu tiên trong đời, đặc biệt là những món chỉ Tết mới có như bánh chưng, tại Lễ hội Tết Việt.
"Tôi thấy mọi người phục vụ lễ hội với tinh thần rất tự hào, ai ai cũng vui vẻ chia sẻ thông tin", cô nhận xét.
Có một điều mà Patricia thấy tiếc khi đến với lễ hội, là không mặc áo dài.
"Tôi rất thích áo dài, tôi thấy người ta mặc khắp nơi, bộ trang phục mới đẹp, duyên dáng và nữ tính làm sao. Tôi cũng có một bộ nhờ bạn mua dùm, lẽ ra hôm nay tôi nên mặc đến đây mới phải", cô Patricia tiếc nuối.
Khách tham quan người nước ngoài tại Lễ hội Tết Việt ngày 3-1 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Hấp dẫn du khách
Nhiều du khách không biết thông tin về sự kiện, nhưng khi đi ngang qua công viên Lê Văn Tám cũng bị không khí náo nhiệt của Lễ hội Tết Việt níu chân.
Chị Hanna Tomaszewska, 30 tuổi, cùng bạn đến từ Ba Lan cũng nằm trong số đó. Cả hai đang có chuyến du lịch 17 ngày ở Việt Nam và nán lại TP.HCM 2 ngày.
"Chúng tôi đi ngang đây thì thấy sự kiện này nên ghé vào. Tôi rất thích cách người ta trang trí lễ hội với nhiều loại hoa vàng và đỏ, vì tôi cũng có nghe nói rằng đây là hai màu may mắn trong dịp tết đối với người Việt. Mọi người ở đây ai cũng thân thiện hết", chị Hanna vui vẻ nói, khoe rằng mình vừa được nếm thử mật ong Việt Nam tại một quầy hàng trong lễ hội.
Một du khách nước ngoài thích thú chụp ảnh món ăn từ côn trùng tại một quầy hàng ở Lễ hội Tết Việt ngày 3-1 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Chàng trai 23 tuổi người Anh Daniel Matthews thì bị những món ăn đường phố tại lễ hội hấp dẫn.
"Tôi ở khách sạn đối diện bên kia đường và sang đây vì muốn thử các món ăn Việt Nam. Tôi rất thích thức ăn đường phố ở đây", anh chàng chia sẻ sau khi thưởng thức món bánh tráng nướng.
Khi biết được lễ hội diễn ra đến 3 ngày, mắt anh chàng sáng lên nói rằng mình sẽ quay trở lại để ăn tiếp.
Lễ hội Tết Việt cũng là nơi mà vợ chồng ông Joachim Feiden và bà Petra Kessler, 63 tuổi, người Đức, ngồi xuống nhấp ngụm bia cùng nhau, chia nhau xiên thịt nướng và kể về chuyến đi đầu tiên của họ đến Việt Nam.
"Trước đây mỗi kỳ nghĩ chúng tôi đều đi loanh quanh châu Âu, chưa bao giờ đi châu Á cả. Trước khi đến đây chúng tôi hầu như cũng không biết gì về Việt Nam, chỉ thông tin lịch sử từ báo đài, và rồi khi đã hơn 60 tuổi, chúng tôi nói với nhau ‘mình đi Việt Nam thôi’. Giờ thì đầu tôi có quá nhiều ấn tượng về Việt Nam rồi", ông Joachim Feiden cười tươi chia sẻ.
Vợ chồng ông Joachim Feiden và bà Petra Kessler, 63 tuổi, người Đức, vừa kể về chuyến thăm Việt Nam vừa thưởng thức món ăn tại Lễ hội Tết Việt tối ngày 3-1 - Ảnh: PHAN BẢO
Vợ chồng ông Joachim Feiden và bà Petra Kessler, 63 tuổi, người Đức, thưởng thức món ăn tại Lễ hội Tết Việt tối ngày 3-1 - Ảnh: PHAN BẢO
Vừa mới đến TP.HCM một ngày trước lễ hội, vợ chồng ông cũng không cưỡng lại được sức hấp dẫn từ những màu sắc rộn ràng của sự kiện mà rẽ bước vào.
"Tôi khá thích đồ ăn ở đây", bà Petra Kessler gật gù. Hai vợ chồng nói với nhau sẽ dành khoảng hai tiếng đi tham quan cho bằng hết lễ hội, để biết được những gian hàng trang trí rực rỡ đó là gì.
Vợ chồng ông Joachim không giấu vẻ tiếc nuối khi mình phải về nước trước Tết, tuy nhiên cho biết mình đã có kế hoạch quay lại Việt Nam lần sau.
Khách tham quan người nước ngoài thưởng thức món ăn tại Lễ hội Tết Việt tối ngày 3-1 - Ảnh: PHAN BẢO
Theo dulich.tuoitre