leftcenterrightdel
 Qatar gây nhiều lo ngại về nhân quyền khi đăng cai World Cup 2022. Ảnh:Marca.

Việc Qatar làm chủ nhà World Cup 2022 đã gây tranh cãi kể từ khi quốc gia này được FIFA trao quyền đăng cai 12 năm trước.

Phe phản đối đã nêu lên các vấn đề vi phạm nhân quyền ở Qatar, bao gồm việc coi đồng tính là bất hợp pháp, cùng cái chết của hàng nghìn công nhân nhập cư.

Đặc biệt, các nhóm nhân quyền bày tỏ quan ngại với The Athletic về việc tố cáo bạo lực tình dục do một số tiền lệ trong luật pháp Qatar.

Nạn nhân phải chịu phạt

FIFA và chính phủ Qatar phản hồi rằng họ hài lòng với những biện pháp hiện tại. Phía chính quyền cũng cho biết họ “bảo vệ và thúc đẩy quyền lợi của phụ nữ”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nạn nhân của những vụ tấn công tình dục ở Qatar có thể bị khép tội quan hệ ngoài hôn nhân thay vì nhận được sự hỗ trợ về thể chất và tinh thần.

Nếu mắc tội này, nạn nhân có thể phải vào tù. Nếu theo đạo Hồi, họ sẽ bị đánh bằng roi. Hình phạt này đã bị cấm bởi luật nhân quyền quốc tế và được coi là vi phạm Công ước Liên Hợp quốc về việc chống tra tấn.

leftcenterrightdel
 Nếu tố cáo, nạn nhân bị quấy rối có thể bị khép tội quan hệ ngoài hôn nhân. Ảnh:Newsweek.

Rothna Begum, nhà nghiên cứu quyền phụ nữ tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói với The Athletic: “Tại bất kỳ sự kiện thể thao lớn nào, nguy cơ bạo lực tình dục đều tăng cao. Tại Qatar, nếu phụ nữ bị tấn công tình dục bởi bạn đời, đồng nghiệp, bạn bè hoặc người lạ, họ đều có thể bị buộc tội quan hệ ngoài hôn nhân”.

May Romanos, nhà nghiên cứu tại Tổ chức Ân xá Quốc tế, nói thêm: “Nếu báo cảnh sát, bạn có thể từ nạn nhân trở thành người bị buộc tội”.

Nạn nhân bạo lực tình dục cũng không thể tiếp cận những dịch vụ sức khỏe cơ bản như tránh thai khẩn cấp hoặc thuốc kháng sinh nếu thiếu giấy đăng ký kết hôn.

Ủy ban giám sát World Cup 2022 tại Qatar lập luận rằng: “Qatar bảo vệ và thúc đẩy quyền phụ nữ, bao gồm những người đến xem World Cup”.

FIFA cũng khẳng định: “Những ai báo cáo bị tấn công tình dục sẽ được tiếp cận hệ thống chăm sóc sức khỏe cao cấp của Qatar, bất kể tình trạng hôn nhân”.

leftcenterrightdel
 Nạn nhân bạo lực tình dục có thể không được sự hỗ trợ nếu chưa có giấy chứng nhận kết hôn. Ảnh:Getty.

Bộ luật hình sự của Qatar bao gồm những điều luật liên quan đến quan hệ tình dục, được gọi chung bằng thuật ngữ pháp lý Hồi giáo “zina”.

Quan hệ tình dục giữa các đôi chưa kết hôn là bất hợp pháp ở Qatar, được quy định bởi Điều 281 của bộ luật hình sự: “Ai có quan hệ không cưỡng ép với phụ nữ trên 16 tuổi sẽ chịu án tù lên đến 7 năm. Hình phạt tương tự được áp dụng đối với phụ nữ nếu cô ấy đồng thuận".

Trong các vụ việc liên quan đến luật zina, nếu bị cáo theo đạo Hồi, bản án cũng sẽ khác. Một người có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân có thể chịu hình phạt đánh bằng roi, thường ở mức 100 gậy.

Phụ nữ chịu thiệt thòi

Nhiều vấn đề đã được đặt ra với luật zina, trong đó có tuyên bố rằng đây là bộ luật bất công với phụ nữ.

Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, điều này xảy ra vì hai lý do. “Thứ nhất, phụ nữ có thể mang thai do quan hệ tình dục hoặc cưỡng hiếp. Đây có thể coi là bằng chứng buộc tội họ, trong khi đàn ông không chịu hậu quả tương tự", nhà nghiên cứu Begum nói với The Athletic.

“Thứ hai, phụ nữ dễ trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục. Khi trình báo vụ việc, họ có thể bị coi như nhận tội vi phạm luật zina. Nếu kẻ quấy rối khẳng định rằng có sự đồng thuận, nạn nhân sẽ bị truy tố về tội quan hệ tình dục ngoài hôn nhân“.

Một số vụ việc đã diễn ra theo chiều hướng này. Luật về cưỡng hiếp của Qatar thường dẫn tới án tù chung thân cho kẻ có tội, thậm chí là tử hình trong một số trường hợp. Nhiều bị cáo thường yêu cầu giảm nhẹ bằng cách tuyên bố việc quan hệ tình dục là có đồng thuận.

leftcenterrightdel
 Phụ nữ chịu thiệt bởi luật zina. Ảnh:Reuters.

Hơn nữa, nạn nhân rất dễ bị kết luận là phạm luật zina. Những bức ảnh chụp đàn ông và phụ nữ chưa kết hôn đứng trong cùng không gian công cộng, không che mặt, đã được sử dụng làm bằng chứng cho các vụ án này. Việc có số điện thoại của kẻ tấn công hay đi cùng xe với họ cũng có thể được coi là chứng cứ cho sự đồng thuận.

Ngoài ra, nạn nhân bạo lực tình dục, khi tố cáo, phải đưa ra bằng chứng về sự ngược đãi thể chất như vết cắt hoặc bầm tím. Nếu không có những dấu hiệu trên, họ sẽ không đủ điều kiện để thoát khỏi tội quan hệ ngoài hôn nhân.

Bên cạnh rủi ro pháp lý, việc báo cáo bạo lực tình dục tại Qatar còn ẩn chứa những mối lo ngại khác.

"Những thứ như thuốc tránh thai khẩn cấp, thuốc kháng sinh để giảm nguy cơ nhiễm HIV/AIDS, xét nghiệm STIs (bệnh lây truyền qua đường tình dục) đều không thể tiếp cận nếu chưa có giấy đăng ký kết hôn”, Begum cho biết.

Trả lời The Atheletic, chính phủ Qatar tuyên bố rằng thuốc kháng sinh và "phương pháp điều trị cần thiết" khác sẽ được cung cấp mà không cần giấy đăng ký kết hôn.

FIFA nói thêm với The Athletic rằng “các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ được áp dụng cho mọi người, không phân biệt tình trạng hôn nhân” nhưng một số nguồn cho biết thực tế không phải như vậy.

Theo zingnews