leftcenterrightdel
 

Tờ New York Times đưa tin, từ năm sau, người Hàn Quốc sẽ đồng loạt trẻ lại 1-2 tuổi, dù chỉ là trên giấy tờ.

Các nhà lập pháp Hàn Quốc đã bỏ phiếu hôm thứ Năm (8/12) để tiêu chuẩn hóa cách chính phủ tính tuổi của một người, trong nỗ lực loại bỏ cách sử dụng một số phương pháp truyền thống - chẳng hạn như tính tuổi mụ và thêm 1 tuổi mới cho mọi người vào ngày đầu năm mới.

Theo cách tính tuổi truyền thống ở quốc gia này, một em bé sinh ngày 31/12 năm 2022 sẽ được coi là 2 tuổi vào ngày 1/1/2023, dù mới chỉ 1 ngày tuổi.

leftcenterrightdel
Ngay từ khi sinh ra, trẻ em Hàn đã được 1 tuổi. 

 

Việc tính tuổi có ý nghĩa quan trọng trong xã hội nước này, từ những việc đơn giản như điền giấy tờ, sơ yếu lý lịch, quyền bầu cử...

Tuy nhiên, truyền thống có sức sống rất lâu dài và chưa chắc cách tính tuổi được chuẩn hóa có thể được áp dụng trong thường nhật. Trong xã hội có thứ bậc của Hàn Quốc, tuổi tác quyết định cách một người nói chuyện với người khác và luật pháp không thể buộc mọi người tuân theo một hệ thống duy nhất trong những tình huống đó.

"Cả nước Hàn sắp trẻ lại!", Bộ Tư pháp cho biết trong một tuyên bố yêu cầu mọi người "đoàn kết" giúp đưa đất nước thống nhất với tiêu chuẩn quốc tế.

Hiện dự luật thống nhất cách tính tuổi đã được quốc hội bỏ phiếu gần như thống nhất hoàn toàn. Dự luật sau đó được gửi tới nội các chờ thông qua trước khi trình ký Tổng thống Yoon Suk Yeol. Ông dự kiến sẽ ký dự luật, dọn đường cho nó có hiệu lực sau 6 tháng.

Dự luật cho là nó sẽ "giảm tối đa các mâu thuẫn không cần thiết liên quan đến tuổi tác và thiết lập các thực hành xã hội tuân theo tiêu chuẩn quốc tế".

Người Hàn có 3 cách tính tuổi được sử dụng đồng thời trong cuộc sống. Cách thứ nhất là cách truyền thống khi họ sử dụng tuổi mụ và thêm 1 tuổi cho tất cả mọi người vào ngày đầu năm mới, dùng phổ biến trong giao tiếp.

Cách thứ hai, áp dụng khi xác định tuổi được sử dụng đồ uống có cồn, hút thuốc hay gia nhập quân ngũ... Bằng cách lấy năm hiện tại trừ đi năm sinh.

leftcenterrightdel
 

Cách thứ ba là tiêu chuẩn quốc tế, khi tuổi một người được xác định bằng cách thêm 1 vào mỗi ngày sinh nhật.

Một khi dự luật chính thức được áp dụng, chính phủ sẽ sử dụng tiêu chuẩn quốc tế. Những em bé chưa qua sinh nhật đầu tiên sẽ được tính tuổi theo tháng.

Việc chưa thống nhất hệ thống tính tuổi ở Hàn cũng tạo ra nhiều rắc rối trong xã hội, chẳng hạn như vấn đề chi trả bảo hiểm tai nạn. Một ví dụ khác là danh sách thuốc cho trẻ em, mặc dù có ghi rõ độ tuổi được sử dụng cho các loại thuốc nhưng không nói rõ theo cách tính nào.

Một tranh chấp về thỏa thuận thương lượng tập thể của công ty nọ đã nổ ra trước Tòa án tối cao Hàn Quốc vào đầu năm nay, vì thỏa thuận không chỉ rõ khung lương dựa trên độ tuổi của công ty tuân theo hệ thống nào. (Cuối cùng, Tòa án đã sử dụng tiêu chuẩn thế giới). 

Trong trường hợp khác, sự thiếu rõ ràng về độ tuổi tiêm vắc xin và đủ điều kiện xét nghiệm Covid đã dẫn đến sự hỗn loạn tại các phòng khám y tế hoặc địa điểm xét nghiệm.

Phương pháp đếm tuổi truyền thống đã ăn sâu vào văn hóa Hàn Quốc. Ví dụ, năm sinh chứ không phải ngày sinh là cơ sở cho hệ thống con giáp của Hàn Quốc. Việc sử dụng các thuật ngữ như "oppa" hoặc "hyung" (cách xưng hô như "anh" trong tiếng Việt), hay "unnie" và "noona" (có nghĩa là "chị") phụ thuộc vào độ tuổi của những người tham gia cuộc trò chuyện và điều đó cũng phụ thuộc vào năm sinh.

leftcenterrightdel
Tuổi tác có vai trò quan trọng trong thiết lập hệ thống bề trên - bề dưới ở Hàn. 

 

Nhưng dự luật đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ công chúng Hàn Quốc. Hơn 80% công dân được chính phủ khảo sát vào tháng 9 cho biết họ ủng hộ dự luật, đưa ra nhiều lý do: Nó sẽ giải quyết sự nhầm lẫn và bất tiện do các phương pháp tính tuổi khác nhau gây ra; phá vỡ văn hóa thứ bậc được duy trì bởi phương pháp đếm tuổi của Hàn Quốc; và "tuổi được công nhận của mọi người sẽ thấp đi" - ai mà chẳng muốn mình trẻ hơn cơ chứ.

Hơn 85% số người được hỏi trong cùng một cuộc khảo sát cho biết họ cũng sẽ chuyển sang phương pháp tiêu chuẩn trong cuộc sống hàng ngày nếu dự luật được thông qua.

Liệu mọi người có thực sự từ bỏ hệ thống truyền thống hay không vẫn còn phải xem xét. Điều đó, các chuyên gia cho biết, sẽ mất một thời gian.

Shin Jiyoung, giáo sư ngôn ngữ và văn học Hàn Quốc tại Đại học Hàn Quốc, cho biết: "Cách tính tuổi truyền thống rất khó bỏ. Nó rất gắn bó với tiếng Hàn.

Điều quan trọng là phải thừa nhận lý do tại sao chúng ta tiếp tục sử dụng nó mặc dù nó khó hiểu như thế nào".

Thạch Anh