Một đám cưới của đôi trẻ Hàn Quốc. Ảnh: Charactermedia.

Ngày 29/4, Jin Filin, 35 tuổi, nhân viên văn phòng ở Seoul được một đồng nghiệp mời cưới song cô không đi. Trong 10 năm qua, Jin được mời cưới nhiều lần, nhưng tính đến nay chỉ tham dự có 2 lần.

Jin Yilin nói: "Từ khi còn nhỏ, mỗi lần tham dự đám cưới họ hàng, tôi đều phải nói xin chào với những người không quen biết, điều này thực sự nhàm chán. Sau 20 tuổi, tôi bắt đầu nghĩ 'mình đi đến những nơi này để làm gì?', mang theo những tiếng vỗ tay không lời chúc phúc, ăn bữa ăn do chính mình bỏ ra, ngồi 30 phút để nghe những thứ rập khuôn, thật chẳng có ý nghĩa gì".

Trong những đám cưới đến dự, Jin thường mừng phong bì 200.000 won (gần 4 triệu đồng) và quà 100.000 won (gần 2 triệu đồng). "Những mối quan hệ này thực sự gần gũi", cô nói.

Năm ngoái, Park Mou, 37 tuổi, cũng là một nhân viên văn phòng, đã có một đám cưới đơn giản chỉ có cha mẹ hai bên và vài người bạn thân nhất, không nhận quà tặng.

Park Mou gần như không bao giờ đi đám cưới hay đám tang trong 10 năm qua và cũng không tặng quà. "Tham gia quá nhiều vào đám cưới hoặc đám tang là lãng phí thời gian và tiền bạc. Tôi muốn đơn giản một chút trong thế giới phức tạp này", anh nói.

Central daily news đã phỏng vấn 36 người qua đường tuổi từ 20 đến 30 ở gần Tòa thị chính Seoul, câu trả lời của hầu hết là không đi dự đám cưới, đám tang nếu không thích và không bị ám ảnh bởi các món quà.

Nhà thiết kế Kim, 28 tuổi thường không đi dự đám cưới. Năm nay cô chỉ đi đám tang 2 lần và viếng phong bì 30.000 won (hơn 500 nghìn đồng). "Về cơ bản tôi không đi dự đám cưới. Trước hết do tôi không có kế hoạch kết hôn. Thứ hai, không có ý tưởng chúc mừng mà đưa phong bì khiến tôi thấy kỳ lạ".

Cô Quan Xiaoying (26 tuổi) cũng cho biết: "Rất nhiều người mới quen biết đã gửi lời mời cho tôi, không chỉ để nhận được chúc phúc, mà quan trọng hơn vẫn là món quà. Nếu như mối quan hệ không quá gần, chỉ liên lạc vài lần, mà nhận được lời mời thì thực sự rất khó xử", cô cho biết.

Theo Jin Wenchao, giáo sư xã hội học tại Đại học Hàn Quốc thì 'những người sinh ra trong thập niên 80 và 90 xác định sinh kế là mục tiêu đầu tiên của họ chứ không phải là tạo dựng mối quan hệ thân thiết. Việc hiếu hỉ có đặc điểm xác nhận mối quan hệ vốn có, nhưng bây giờ đặc điểm đó dường như đã biến mất".

Giáo sư Jin Genhong (Khoa phúc lợi xã hội, Đại học Giang Nam) phân tích: "Hiện tượng này có phần liên quan đến kết hôn muộn hoặc xu hướng không kết hôn".

Theo vnexpress