leftcenterrightdel
 Anna Sebastian Perayil qua đời ở tuổi 26. 

Anna Sebastian Perayil (26 tuổi) làm kế toán viên công chứng tại SR Batliboi - công ty thành viên của EY Global, ở Pune - thành phố thuộc tiểu bang phía tây Maharashtra, Ấn Độ. 4 tháng sau khi làm việc, Perayil đã qua đời. Nguyên nhân được cha cô mô tả với The News Minute là sự kết hợp của "nhiều vấn đề bao gồm trào ngược dạ dày, căng thẳng và áp lực công việc".

Theo lá thư mà mẹ cô, bà Anita Augustine, gửi cho người đứng đầu EY Ấn Độ, Perayil bắt đầu làm việc tại EY Pune vào tháng 3, nhưng "khối lượng công việc, môi trường mới và giờ làm việc dài đã ảnh hưởng đến cô về mặt thể chất, cảm xúc và tinh thần".

Bà Augustine kể rằng mình đã đưa con gái đi khám bác sĩ vào tháng 7, sau khi Perayil nói mình bị "co thắt ngực" trong khoảng một tuần. Bác sĩ kê đơn thuốc kháng acid dạ dày và kết luận rằng Perayil "không ngủ đủ giấc, ăn rất muộn".

Mặc dù vậy, bà Augustine viết rằng con gái bà vẫn tiếp tục làm việc "đến tận khuya, thậm chí vào cuối tuần, mà không có thời gian để thở".

"Câu chuyện của Anna đã làm sáng tỏ văn hóa làm việc dường như tôn vinh việc làm quá sức, trong khi bỏ bê chính những con người đằng sau các vị trí. Đây không chỉ là về con gái tôi, mà còn là về mọi nhân viên trẻ tuổi gia nhập EY với đầy hy vọng và ước mơ, chỉ để bị nghiền nát dưới sức nặng của những kỳ vọng không thực tế", bà Augustine viết.

"Cái chết của Anna có thể là lời cảnh tỉnh cho EY", người mẹ nhấn mạnh.

Không đồng nghiệp nào đến dự đám tang

Bà Augustine cho biết không có nhân viên nào của EY đến dự đám tang của Anna và bà đã liên lạc với ban quản lý sau đó nhưng không nhận được phản hồi.

EY cho biết "áp lực công việc" không phải là lý do khiến Perayil tử vong.

"Chúng tôi có khoảng 100.000 nhân viên. Không còn nghi ngờ gì nữa, mỗi người đều phải làm việc chăm chỉ. Anna chỉ làm việc với chúng tôi trong 4 tháng. Cô ấy được phân công công việc như bất kỳ nhân viên nào khác", Rajiv Memani, Giám đốc EY Ấn Độ, nói với The Indian Express. "Chúng tôi không tin rằng áp lực công việc có thể cướp đi mạng sống của cô ấy".

leftcenterrightdel
 Mẹ của Perayil cho biết con gái 26 tuổi rất căng thẳng trong 4 tháng làm việc ở EY. 

Trong tuyên bố chia sẻ với The Independent, EY Ấn Độ cho biết: "Chúng tôi vô cùng đau buồn trước sự ra đi đột ngột và bi thảm của Anna Sebastian vào tháng 7/2024 và chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia quyến. Anna là một phần của nhóm kiểm toán tại SR Batliboi - công ty thành viên của EY Global, tại Pune trong một thời gian ngắn 4 tháng, gia nhập công ty vào ngày 18/3/2024. Sự việc là mất mát không thể bù đắp được đối với tất cả chúng tôi. Mặc dù không có biện pháp nào có thể bù đắp được mất mát mà gia đình phải trải qua, chúng tôi đã cung cấp mọi sự hỗ trợ như chúng tôi vẫn luôn làm trong những thời điểm khó khăn như vậy và sẽ tiếp tục làm thế".

EY Ấn Độ cho biết "đang xem xét thư từ của gia đình với sự nghiêm túc tối đa". "Chúng tôi coi trọng nhất sức khỏe của tất cả nhân viên và sẽ tiếp tục tìm cách cải thiện, cung cấp nơi làm việc lành mạnh cho 100.000 nhân viên của mình trên khắp các công ty thành viên của EY tại Ấn Độ".

Văn hóa làm việc độc hại

Cái chết của Perayil và bức thư của mẹ cô đã gây ra làn sóng đau buồn và tức giận trên mạng xã hội. Nhiều chuyên gia trong ngành, bao gồm một số người từ EY, chia sẻ trải nghiệm của họ về môi trường làm việc độc hại và khối lượng công việc quá lớn.

Một đồng nghiệp khẳng định trên Reddit rằng họ được thông báo về cái chết của Perayil qua "thư điện tử chung, trong đó công ty đính kèm ảnh LinkedIn của cô ấy với một tin nhắn ngắn tiêu chuẩn" và rằng "tin tức được lan truyền rằng cô ấy đã mắc một tình trạng bệnh ngày càng tồi tệ hơn".

Nhân viên này nhắc lại bức thư của bà Augustine, viết rằng: "Chúng tôi làm việc trung bình 16 giờ/ngày trong mùa bận rộn và 12 giờ/ngày ở thời điểm không bận rộn. Không có ngày cuối tuần hoặc ngày lễ nào được nghỉ. Hàng năm, EY tự nguyện thông báo một ngày nghỉ để trẻ hóa nhân viên của họ. Và đúng vậy, bạn đoán đúng rồi! Ngay cả ngày đó cũng không được nghỉ. Làm việc quá sức là cách duy nhất để được thăng chức".

Một chuyên gia khác cho biết họ đã làm việc tại KPMG trong 4 năm và nói rằng phải làm việc cả khi bị nhiễm Covid-19 "cho đến khi tôi không thể ngồi thẳng vì bị sốt và quá yếu".

Người này cho biết quản lý "đã nhấn mạnh với các quản lý khác rằng tôi đã không hoàn thành nhiệm vụ trong lần giao việc cụ thể đó mặc dù tôi đã nộp báo cáo xét nghiệm dương tính với Covid-19".

leftcenterrightdel
 EY bị chỉ trích sau cái chết của nhân viên 26 tuổi. 

Một số nhân viên khác của "Big 4" kiểm toán - Deloitte, PwC, KPMG và EY - đã đăng những câu chuyện tương tự trên mạng xã hội, nêu chi tiết về ngày làm việc kéo dài 14-18 giờ và nhận được rất ít hoặc không có sự hỗ trợ từ các nhà quản lý về cách xử lý khối lượng công việc cũng như căng thẳng.

Phản ứng của ông Memani trước cái chết của Perayil cũng bị chỉ trích, khi nhiều người chỉ ra thái độ và phát biểu trước đây của các nhà lãnh đạo ngành đã góp phần vào thái độ hời hợt đối với phúc lợi của nhân viên.

Nhiều người nhắc lại tuyên bố của Narayana Murthy, người đồng sáng lập Infosys, vào tháng 10/2023 rằng năng suất lao động của Ấn Độ nằm trong số những quốc gia thấp nhất trên toàn cầu và người Ấn Độ phải "làm việc 70 giờ/tuần" để phát triển đất nước.

Việc thiếu bảo vệ lao động và căng thẳng tại nơi làm việc từ lâu đã là vấn đề đáng lo ngại ở Ấn Độ. Theo dữ liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế, 51% lực lượng lao động của Ấn Độ làm việc hơn 49 giờ/tuần. Điều này khiến Ấn Độ chỉ đứng thứ hai sau Bhutan về số lượng nhân viên làm việc ngoài giờ.

Một báo cáo của Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ và nền tảng chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số MediBuddy, được công bố vào tháng 7, cho thấy gần 62% nhân viên Ấn Độ bị căng thẳng và kiệt sức vì công việc.

Fidel Sebastian, luật sư lao động tại tổ chức phi lợi nhuận Nyay Neeti Foundation, nói với The Independent: "Điều quan trọng nhất cần nhớ ở đây là hầu hết nhân viên mới vào nghề đều được bảo vệ theo Đạo luật Tranh chấp Công nghiệp. Do đó, hầu như bất kỳ ai không giữ vai trò giám sát đều được phân loại là 'người lao động' và sẽ phải chịu khái niệm làm thêm giờ. Nếu không được trả tiền làm thêm giờ, về cơ bản đó là hành vi trộm cắp".

Theo Đạo luật Nhà máy năm 1948 và Đạo luật Tiền lương Tối thiểu năm 1948, các luật liên quan đến giờ làm việc của người lao động và quy định về giờ làm thêm tại Ấn Độ, nếu ai đó làm việc hơn 8-9 giờ/ngày hoặc hơn 48 giờ/tuần, họ có quyền nhận gấp đôi tiền lương cho những giờ làm thêm.

Đối với những nhân viên cảm thấy bị bóc lột, ông Sebastian cho biết họ có thể liên hệ nội bộ với ban quản lý của mình để thương lượng về tiền làm thêm giờ. Nếu không thành hoặc sợ bị trả thù, nhân viên vẫn được bảo vệ. Nhân viên có thể khiếu nại với ủy viên lao động, người có thể quyết định số tiền lương làm thêm giờ mà nhân viên nhận được, cũng như số tiền phạt mà công ty phải trả.

Ông Sebastian nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thành lập công đoàn. Đối với những nhân viên cảm thấy mình đang bị bóc lột, ông cho biết cách hành động tốt nhất là cố gắng đăng ký thành lập công đoàn để thương lượng tập thể hoặc chính thức đưa ra yêu cầu.

Ông cho biết trong trường hợp không có công đoàn, nhân viên nên liên hệ nội bộ với ban quản lý để thương lượng về tiền lương làm thêm giờ bằng văn bản.

Tuy nhiên, những khiếu nại như vậy thường dẫn đến sự trả thù và trong nhiều trường hợp là chấm dứt hợp đồng. "Một công đoàn đã đăng ký tham gia vào quá trình kiện tụng hoặc hòa giải với công ty sẽ tự động bảo vệ nhân viên khỏi việc bị chấm dứt hợp đồng", ông Sebastian cho biết.

Bộ trưởng Lao động Ấn Độ, Shobha Karandlaje, cho biết trong một bài đăng trên X, trước đây là Twitter, rằng bộ này sẽ tiến hành "một cuộc điều tra kỹ lưỡng về các cáo buộc về môi trường làm việc không an toàn và bóc lột".

Theo lifestyle.znews