|
Một người mẹ đang dỗ dành con trai nhỏ đang buồn ngủ. Ảnh minh họa |
Các tờ rơi do thành phố Onomichi, tỉnh Hiroshima đã gợi ý cách phụ nữ nên cư xử sau khi sinh con, trong đó bao gồm mát-xa cho chồng, chuẩn bị bữa trưa hàng ngày, chăm sóc con cái và việc nhà, chào đón chồng bằng câu “chào mừng về nhà” và luôn “có một nụ cười trên khuôn mặt”.
Theo truyền thông địa phương, từ năm 2018, phụ nữ mang thai tháng thứ 7 ở thành phố Onomichi đã nhận được tờ rơi này, nhưng sự việc chỉ khiến dư luận phẫn nộ sau khi nó được đăng tải trên mạng xã hội.
Ngày 25/7, thị trưởng thành phố Onomichi đã xin lỗi, cho rằng nội dung trong tờ rơi không phù hợp với tâm lý của phụ nữ mang thai và những người đang nuôi con nhỏ.
Nhiều người đã chỉ trích rằng họ không thể tin được là vào thời điểm khi mà những bước tiến về bình đẳng giới đã đạt được thì những niềm tin lỗi thời và quan điểm coi thường phụ nữ vẫn tồn tại.
Nội dung trong các tờ rơi được cho là dựa trên cuộc khảo sát với hàng trăm ông bố, những người được hỏi về những điều họ thích và không thích về người vợ của họ.
Một số câu trả lời phổ biến nhất mà cánh đàn ông trả lời không thích là: "Cô ấy bận chăm con và không làm việc nhà" và "Cô ấy không làm gì cho tôi cả".
Nhiều người phẫn nộ cho biết, phụ nữ mang thai và những người mới làm mẹ đã gặp đủ khó khăn - từ cân nặng, thay đổi nội tiết tố, đau lưng, hồi phục sau sinh, cho con bú và thiếu ngủ... nhưng vẫn phải nấu nướng, dọn dẹp và phục vụ chồng như các vị vua thì điều đó có quá đáng không?
Một số người có thể nói rằng điều này là do xã hội gia trưởng và bảo thủ của Nhật Bản - quốc gia đứng hạng146 quốc gia có Chỉ số Khoảng cách Giới tính Toàn cầu năm 2023 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Chỉ có 10% các vị trí trong quốc hội và 8,3% các vị trí cấp bộ do phụ nữ nắm giữ. Theo một cuộc khảo sát của Văn phòng Nội các vào tháng 3/2023 cho thấy, trong khi 54,2% phụ nữ tham gia lực lượng lao động, hơn 80% người phải chịu gánh nặng khi dành quá nhiều thời gian cho việc chăm sóc con cái và nội trợ.
Theo các chuyên gia, tại Nhật Bản những định kiến giới như vậy vẫn còn phổ biến, trong đó phụ nữ chịu trách nhiệm chính trong công việc gia đình và chăm sóc con cái.
|
Nhiều người Nhật Bản lớn lên trong cảnh mẹ chăm sóc nhà cửa và con cái, trong khi người bố chỉ tập trung vào công việc và hạn chế làm việc nhà và chăm sóc con |
Một báo cáo năm 2022 của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lưu ý rằng phụ nữ dành trung bình 4 giờ 20 phút mỗi ngày cho công việc chăm sóc và nội trợ không được trả lương, cao khoảng 3 lần so với nam giới.
Tương tự, một nghiên cứu của Ipsos & United Women Singapore 2021 cho thấy rằng mặc dù có sự thay đổi trong thái độ giữa các thế hệ về việc chia sẻ trách nhiệm gia đình, nhưng các vai trò do giới tính vẫn tồn tại. Cuộc khảo sát cho thấy phụ nữ đảm nhận nhiều trách nhiệm hàng ngày hơn như dọn dẹp và nấu nướng, trong khi nam giới đảm nhận các công việc ít thường xuyên hơn như sửa chữa và quản lý các thiết bị công nghệ.
Với nhiều trách nhiệm hơn trên vai, có 54% phụ nữ (so với nam giới là 75%) cho biết họ hài lòng về gia đình và trách nhiệm chăm sóc gia đình.
“Bằng cách kéo dài tình trạng bất bình đẳng giới và tước quyền kinh tế, công việc chăm sóc và giúp việc gia đình không được trả lương ảnh hưởng đến sức khỏe, giáo dục và cơ hội việc làm của phụ nữ, đồng thời làm tăng tính dễ bị bạo lực của họ. Nếu chúng ta tiếp tục chấp nhận những chuẩn mực này, chúng ta sẽ phải trả là bình đẳng giới, sức khỏe và tinh thần của phụ nữ" - APEC cho biết trong báo cáo năm 2022.
Một phân tích của 19 nghiên cứu bao gồm 70.310 người trên toàn cầu, do The Lancet Public Health xuất bản vào năm 2022, cũng cho thấy phụ nữ càng làm nhiều công việc không công thì sức khỏe tâm thần của họ càng kém.
Georgette Tan, Chủ tịch của United Women Singapore, cho biết trong báo cáo của Ipsos: “Chúng ta phải giáo dục và vận động để thay đổi tư duy đối với vai trò giới và 'phi nữ tính hóa' trách nhiệm chăm sóc và gia đình. Bằng cách đảm bảo chia sẻ trách nhiệm, điều này sẽ cho phép phụ nữ có nhiều thời gian hơn để chăm sóc bản thân, theo đuổi khát vọng nghề nghiệp và đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng ".
Theo phụ nữ TPHCM