Phía sau mỗi chiếc nắp cống là một câu chuyện thú vị

Thay vì những chiếc nắp cống đơn điệu không mấy sạch sẽ, ngành cấp thoát nước Nhật Bản đã xóa bỏ định kiến trước đây khiến du khách bất ngờ khi lần đầu chiêm ngưỡng. 12.000 chiếc nắp cống trên khắp Nhật Bản được thay màu áo mới, biến thành những tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa, phù hợp với văn hóa vùng miền.

Nền văn hóa truyền thống Nhật Bản đậm chất mỹ học. Điều này thể hiện rõ qua những bộ môn nghệ thuật cổ như cây cảnh bonsai, trà đạo, thư pháp, gấp giấy origami…

Sự sáng tạo không ngừng khiến người Nhật biến những thứ tưởng chừng không mấy quen thuộc, thậm chí kém sạch sẽ trở thành tác phẩm đường phố thú vị. Đó là những chiếc nắp cống. Đặc biệt hơn, tùy từng thành phố, vùng miền, nắp cống được trang trí theo phong cách khác nhau, đậm tính biểu tượng quê hương.



Suốt 40 năm qua, những chiếc nắp cống được tô vẽ tỉ mỉ, trở thành một phần trong nền văn hóa Nhật Bản, tô điểm cảnh quan của hơn 1700 thành phố, thị trấn và làng mạc. Họa tiết trên nắp cống được biến hình đa dạng, khiến mỗi bước chân đi khám phá là sự trải nghiệm mới. Du khách còn nói rằng, chỉ cần nhìn họa tiết trên nắp cống, họ biết đang dừng ở đâu.
Với thành phố Tama nằm phía tây Tokyo, người dân địa phương đang hi vọng sẽ có những chiếc nắp cống mang họa tiết hiện đại hơn – Hello Kitty để hấp dẫn du khách. “Chúng tôi rất vui nếu du khách tới tham quan Tama và dành nhiều thời gian tìm hiểu những chiếc nắp cống có hình chú mèo đáng yêu này”, ông Mikio Narashima phụ trách hệ thống nước thải của thành phố cho hay


Những chiếc nắp cống in đậm văn hóa Nhật Bản thậm chí nổi tiếng đến nỗi vào tháng 11/2017, một buổi triển lãm về chúng được tổ chức tại một tỉnh thuộc khu vực phía tây với sự tham gia của hơn 3000 người.

Mới đây, mạng lưới GKP được thiết lập nhằm nâng cao nhận thức con người về tầm quan trọng việc cấp thoát nước. Người ta đã phát hành 1.4 triệu tấm thẻ với 293 thiết kế nắp cống ở khắp các thành phố, phát miễn phí nhằm thu hút sự chú ý của du khách.

Chúng được đánh số theo trình tự thời gian, đi kèm với thông tin GPS chính xác. “Chúng tôi tin rằng những chiếc nắp cống là sản phẩm văn hóa để người Nhật chia sẻ với thế giới”, ông Hideto Yamada, một quan chức trong chương trình GKP nói.

Theo Dân trí