Số hộ gia đình một người chiếm 33,3% trên tổng số hộ gia đình ở thành phố Seoul (Hàn Quốc), biến nó trở thành mô hình sống phổ biến nhất thủ đô xứ kim chi, theo Korea Herald.

Hôm 29/4, chính quyền thủ đô Seoul công bố kết quả Khảo sát Phúc lợi Seoul 2020 - vốn được tiến hành từ đầu tháng 11/2020 đến tháng 1/2021 với sự tham gia của 4.000 hộ gia đình.

Hộ gia đình một người chiếm phần lớn ở thủ đô Seoul, đặc biệt phổ biến với giới trẻ. Ảnh: Nina Ahn.

Xếp sau hộ gia đình độc thân là hộ gia đình 2 người - chiếm 25,8% trên tổng số. Đứng thứ 3 và thứ 4 lần lượt là hộ gia đình 3 người (20,6%) và 4 người (19,2%).

Thế hệ trẻ (19-34 tuổi) chiếm tỷ trọng cao nhất trong các hộ gia đình độc thân - tới 41,2%. Lý do chủ yếu khiến họ sống một mình là để gần nơi làm việc hoặc trường học.

Đứng sau lần lượt là nhóm những người từ 65 tuổi trở lên - chiếm 22,6% và nhóm những người trung niên (50-64 tuổi) - chỉ 16,2%. Họ chọn sống một mình bởi ly hôn, ly thân hoặc vợ/chồng qua đời.

Khảo sát cũng chỉ ra những điều khó khăn nhất mà các hộ gia đình độc thân gặp phải, bao gồm đối mặt với các tình huống khẩn cấp (32,5%), nỗi cô đơn (23,3%) và áp lực tài chính (20,3%).

“Chúng tôi sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Seoul bằng cách sử dụng kết quả của cuộc khảo sát làm dữ liệu cơ bản để thiết lập chính sách cho các hộ gia đình độc thân”, Kim Sun-soon, người đứng đầu văn phòng chính sách phúc lợi của chính quyền thủ đô Seoul, cho biết.

Trước tình trạng ngày càng nhiều người sống một mình, cuối tháng 3, ngành điện lực Hàn Quốc ra mắt dịch vụ theo dõi lượng tiêu thụ điện, dữ liệu liên lạc nhằm sớm phát hiện những "cái chết cô độc".

Dịch vụ mới này sẽ tiến hành phân tích dựa trên trí thông minh nhân tạo (AI) về các thói quen sử dụng điện và dữ liệu liên lạc của hộ gia đình chỉ có một người sinh sống. Nếu phát hiện điều bất thường, các thông tin sẽ được gửi cho chính quyền địa phương.

Giới trẻ chuộng sống độc thân, ngại kết hôn và sinh con từ lâu được xem là vấn đề nan giải đối với chính phủ Hàn Quốc.

Khi sống một mình, giới trẻ lo lắng nhất chuyện phải tự đối mặt với các tình huống khẩn cấp. Ảnh: Maika Elan.

Cũng từ tháng 11/2020 đến tháng 1/2021, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc tiến hành cuộc thăm dò trên 7.100 người trong độ tuổi 9-24 và 4.800 người đang chăm sóc cha mẹ.

Kết quả cho thấy 60,9% người trong khoảng 13-24 tuổi nói rằng cảm thấy hôn nhân là không cần thiết, tăng 11,9% so với kết quả khảo sát vào năm 2017. Trong đó, tỉ lệ ở nữ giới là hơn 65% và nam giới là trên 57%.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng người trẻ trì hoãn, từ bỏ việc kết hôn và sinh con là do xu hướng sống độc thân và kinh tế suy thoái kéo dài.

Đáng chú ý, năm 2019, xứ kim chi có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới chỉ còn 0,92 đứa bé/phụ nữ, trong khi tỷ lệ trung bình ở các nước OECD là 1,65 và con số vẫn đang tiếp tục giảm.

Theo Zing