Nam sinh 18 tuổi nói trên được yêu cầu ngồi một mình ở cuối hội trường trong buổi lễ tốt nghiệp tại trường học ở Himeji, miền tây Nhật Bản, đồng thời cũng được yêu cầu không đứng dậy và trả lời khi tên của cậu được xướng lên, theo báo The Guardian.
Chàng trai có cha là người Mỹ gốc Phi và mẹ là người Nhật Bản, cho biết cậu đã tết tóc theo kiểu "hàng ngô" (cornrows) cho mái tóc xoăn tự nhiên của mình để trông gọn gàng hơn trong buổi lễ. Cậu nói cậu đã tìm hiểu ý nghĩa văn hóa của kiểu tóc "hàng ngô" trên mạng và từ cha mình.
"Tôi đã không thể có được những kỷ niệm vui để đánh dấu ba năm ở trường cùng bạn bè... Tôi đã thất vọng vì tôi cảm thấy như mình đang bị nói, 'Đây không phải là ngày đặc biệt của bạn'. Kiểu tóc thể hiện nguồn gốc và văn hóa của cha tôi trong cộng đồng người da đen", học sinh này nói với báo Mainichi Shimbun.
Phó hiệu trưởng của trường nói với tờ báo rằng học sinh này đã bị cách ly chỉ vì không tuân thủ các quy định về kiểu tóc.
Chàng trai được cho là đã rời khỏi buổi lễ giữa chừng nhưng sau đó quay lại để lấy bằng tốt nghiệp. Tuy nhiên, cậu phải đợi trong một căn phòng trống, và một giáo viên đã đi theo khi cậu vào nhà vệ sinh. Giáo viên này sau đó bảo cậu rời khỏi khuôn viên trường để đợi bạn bè của mình.
Nội quy của trường quy định rằng kiểu tóc không được “thời thượng” mà phải “sạch sẽ và phù hợp với học sinh trung học”. Học sinh không được phép nhuộm hoặc tẩy tóc, hoặc tạo kiểu tóc bằng máy sấy tóc, nhưng các quy định không đề cập đến việc tết tóc.
Vụ việc xảy ra giữa lúc các luật sư cảnh báo rằng các giáo viên tại một trường nam sinh ưu tú ở Osaka đã vi phạm nhân quyền khi thường xuyên kiểm tra và thậm chí cắt tóc của học sinh, dù không khẳng định hành động này là vi hiến.
Lá thư của Hiệp hội Luật sư Osaka, được công bố trong tuần này, ra đời sau những lời phàn nàn liên quan đến việc chấp hành quy định về kiểu tóc tại ngôi trường trên. Theo đó, nhà trường yêu cầu toàn bộ 1.780 học sinh phải cắt tóc ngắn đến ngang tai và viền trên cổ áo, đồng thời không được để tóc mái dài đến lông mày.
Theo báo Yomiuri Shimbun, các quy định này, dường như được truyền cảm hứng từ một giáo lý Phật giáo rằng mọi người "thấy những gì họ nên thấy" và "nghe những gì họ nên nghe", đã được áp dụng trong khoảng nửa thế kỷ. Hình ảnh về kiểu tóc nhà trường mong được in trong sổ tay học sinh và các giáo viên tiến hành kiểm tra hàng tháng, tờ báo cho hay.
Hiệp hội luật sư đã hành động sau khi một số học sinh của trường liên lạc với họ vào năm ngoái để phàn nàn về cách giáo viên thực hiện quy định, bao gồm việc dùng kéo để cắt tóc của học sinh. Theo hiệp hội, hành động của giáo viên “vi phạm quyền tự do để kiểu tóc bằng cách vượt quá phạm vi hướng dẫn được xã hội chấp nhận và không dựa trên lý do chính đáng”.
Nhiều trường học Nhật Bản đã xem xét lại các quy định của họ về đồng phục và kiểu tóc sau khi một nữ sinh khởi kiện vào năm 2017, cho biết trường học đã yêu cầu cô nhuộm đen mái tóc nâu tự nhiên của mình, nếu không sẽ bị đuổi học.
Một số trường học yêu cầu học sinh mặc đồ lót màu trắng, và trong một số trường hợp, giáo viên đã kéo dây áo ngực của nữ sinh hoặc cố tình đi vào khi học sinh thay đồ chuẩn bị cho tiết thể dục.
Trước những tranh cãi, Bộ Giáo dục Nhật Bản năm 2021 đã yêu cầu các cơ quan giáo dục địa phương phải thường xuyên xem xét lại các quy định và áp dụng cách tiếp cận "lẽ thường" trong bối cảnh "thời thế thay đổi".
Năm ngoái, gần 200 trường trung học công lập và các tổ chức giáo dục khác ở Tokyo cho biết họ sẽ xóa bỏ 5 quy định, trong đó có một quy định yêu cầu học sinh để tóc đen, mặc dù một số cho biết họ sẽ tiếp tục yêu cầu học sinh đưa ra bằng chứng rằng tóc của họ tự nhiên đã xoăn hoặc có màu không phải màu đen.
Năm nay, một trường trung học công lập ở miền tây Nhật Bản cho biết họ sẽ giới thiệu bộ nội quy "trường học không phân biệt giới tính" từ tháng 4, bao gồm việc cho phép nam sinh để tóc đuôi ngựa. Các cơ quan giáo dục ở Fukuoka phía tây nam đất nước cho biết họ sẽ chấm dứt yêu cầu để kiểu tóc theo giới tính tại hàng chục trường trung học cơ sở trong tỉnh.
Theo Thanh niên