Áp lực kinh tế đang khiến nhiều người trẻ Hàn Quốc sợ chuyện hẹn hò. (Nguồn: 90daykorean)
Anh Kim Joon-hyup (24 tuổi) vừa có cuộc hẹn hò đầu tiên sau 3 năm đơn thân. Đáng chú ý, cuộc hẹn không xuất phát từ mong muốn tìm bạn gái của Kim mà lại là một bài tập trên lớp học.
Từ việc chọn đối tác phù hợp, đối mặt và xử lý tình huống khi chia tay, khóa học độc đáo mang tên “Giới tính và Văn hóa” của Đại học Sejong (Seoul) giới thiệu đến sinh viên mọi điều liên quan đến việc hẹn hò, yêu đương và cả tình dục. Khóa học gây chú ý với bài tập hẹn hò, nơi các sinh viên được ghép đôi với một đối tác ngẫu nhiên trong cuộc hẹn kéo dài 4 giờ.
“Rất nhiều sinh viên tìm tới khóa học để tham gia hẹn hò”, Giáo sư Bae Jeong-weon – giảng viên của khóa học cho biết. “Có những sinh viên thậm chí còn chưa từng hẹn hò trước đây và có một số người tham gia khóa học để hẹn hò”, ông nói thêm.
Theo các chuyên gia xã hội học, những khóa học như vậy là rất cần thiết. Thống kê của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc (KIHSA) cho thấy, năm 2018, một lượng lớn thanh niên Hàn Quốc trong độ tuổi 20-44 sống độc thân, chỉ 26% đàn ông và 32% phụ nữ chưa cưới trong nhóm này đang trong các mối quan hệ tình cảm. Trong số những người không hẹn hò, 51% đàn ông và 64% phụ nữ cho biết họ chủ động lựa chọn cuộc sống độc thân. Rất nhiều người chần chừ không muốn bước vào một mối quan hệ nghiêm túc do lo ngại những khó khăn về kinh tế và các vấn đề xã hội.
Căng thẳng kinh tế
Tỷ lệ thất nghiệp của Hàn Quốc năm 2018 đã tăng lên mức cao nhất trong 17 năm, đạt 3,8%. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp thậm chí cao hơn nhiều, ở mức 10,8% đối với độ tuổi từ 15 đến 29. Cuộc khảo sát năm 2019 của Công ty tuyển dụng JobKorea cho thấy, chỉ 1/10 sinh viên dự kiến tốt nghiệp trong năm tìm được việc làm.
Trong khi phải vật lộn để tìm việc, nhiều người trẻ Hàn Quốc tâm sự, họ thiếu thời gian, tiền bạc và cảm xúc để hẹn hò. Theo KIHSA, tỷ lệ người muốn hẹn hò ở nam và nữ lần lượt là 31% và 34%, tỷ lệ trên ở nhóm người không có việc làm là 18% và 27%.
Sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường việc làm khiến không ít thanh niên Hàn Quốc dành phần lớn thời gian rảnh để theo học các chứng chỉ hay kỹ năng chuyên môn để nâng cao cơ hội tìm việc làm.
Kim Joon-hyup, sinh viên Đại học Sejong cũng không phải ngoại lệ. Ngoài giờ học trên lớp, Kim còn tham gia một khóa học thiết kế trò chơi điện tử vào các buổi tối trong tuần. “Tôi không có nhiều thời gian. Ngay cả khi hẹn hò với ai đó, tôi cũng sẽ cảm thấy có lỗi vì không thể dành thời gian cho họ”, Kim than thở.
Anh Lee Young-seob (26 tuổi) lo ngại, việc hẹn hò không chỉ tốn thời gian mà còn khiến anh xao nhãng mục tiêu tìm việc. “Sự nghiệp là mục tiêu quan trọng nhất lúc này. Vì vậy, nếu hẹn hò với ai đó trong lúc tìm việc, tôi sẽ lo lắng và không thể cam kết lâu dài với mối quan hệ này”, Lee chia sẻ.
Hai sinh viên đang thực hành bài tập hẹn hò trong khóa học “Giới tính và Văn hóa” tại Đại học Sejong. (Nguồn: CNN)
Không chỉ “ngốn” thời gian, chi phí cho các cuộc hẹn hò cũng khá tốn kém. Công ty mai mối Duo ước tính, chi phí trung bình cho một cuộc hẹn hò khoảng 55 USD. Người với công việc có thu nhập tối thiểu 7,22 USD/giờ sẽ phải làm việc 7,6 tiếng để chi trả cho một cuộc hẹn.
Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Embrain, 81% số người được hỏi cho biết, chi phí hẹn hò là “nguồn cơn” gây căng thẳng trong các mối quan hệ. Một nửa số người được hỏi tiết lộ, ngay cả khi gặp được người thực sự có cảm tình, họ sẽ không hẹn hò nếu tình hình tài chính cá nhân không tốt.
Nguy cơ từ các vấn đề xã hội
Theo Giáo sư Bae, tài chính không phải vấn đề duy nhất mà các sinh viên trong khóa học của bà gặp phải. Họ thường bàn luận xung quanh các vấn đề như tội phạm tình dục, vấn nạn quay trộm hay phân biệt giới tính…những vấn đề bất cập của xã hội Hàn Quốc.
Theo báo cáo của cảnh sát, năm 2017, Hàn Quốc có 32.000 trường hợp bạo lực tình dục, cao hơn nhiều so với 16.000 trường hợp năm 2008. Trong số này, bạo lực liên quan đến người yêu đang gia tăng nhanh chóng. Từ 2016 đến 2018, số vụ nạn nhân bị tấn công bởi đối tác hoặc người yêu tăng từ 9.000 lên 19.000 vụ.
Lee Ji-su (21 tuổi) cho biết, cô cảm thấy ám ảnh với việc hẹn hò sau khi một người bạn gái thân bị bạn trai hành hung vì dám nói lời chia tay. Người bạn gái của Lee đã rất hoảng sợ khi người bạn trai cũ thường xuyên lởn vởn quanh nhà cô, dù mối quan hệ của họ đã kết thúc.
“Sau khi chứng kiến việc bạn mình bị đối xử bạo lực, tôi tự nhủ mình phải hết sức cẩn thận trong việc lựa chọn bạn đời. Nhưng thật không dễ để tìm được một người bạn trai đáng tin cậy. Điều này khiến tôi băn khoăn liệu việc hẹn hò có thực sự cần thiết và quan trọng hay không khi tôi phải dành quá nhiều thời gian để tìm được người mà mình có thể tin tưởng”, Lee cho hay.
Theo baoquocte