Người Nga giàu chiếm tỷ lệ lớn trong danh sách công dân mới tại Malta.


Malta là một quốc đảo xinh đẹp nằm ở Địa Trung Hải, nổi tiếng với những bãi biển tuyệt vời, thời tiết dễ chịu và các di tích lịch sử độc đáo. Nhưng quốc gia nhỏ bé ở phía nam Sicily (Italy) này lại sở hữu một thứ quan trọng hơn nhiều, khiến ngay cả những người giàu có nhất thế giới quan tâm. Đó chính cuốn hộ chiếu với nhiều ưu đãi đặc biệt.

Theo chỉ số xếp hạng hộ chiếu Henley Passport Index, Malta - quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), có hộ chiếu được miễn visa tới 182 điểm đến và người nước ngoài có thể mua hộ chiếu mà không cần định cư.

Theo Bloomberg, ngày càng nhiều người giàu tìm kiếm quốc tịch thứ hai cho tương lai ổn định, an toàn và họ quan tâm đến Malta. Đây là quốc gia không không áp đặt thuế thu nhập và tài sản trên toàn thế giới của công dân, chỉ áp dụng mức thuế 15% với số tiền được đưa vào trong nước.

Hộ chiếu của Malta.

Christian Kalin, Chủ tịch Henley & Partners, nói với Bloomberg: "Nếu bạn có một du thuyền và hai chiếc máy bay, thứ tiếp theo bạn phải có là hộ chiếu của Malta. Đó là biểu tượng mới nhất thể hiện đẳng cấp của giới siêu giàu. Chúng tôi có những khách hàng chỉ đơn giản là muốn sưu tập vài cuốn hộ chiếu".

Malta là một trong 10 quốc gia trên thế giới cho phép người nước ngoài mua quốc tịch trong chương trình “đổi tiền mặt lấy hộ chiếu”. Chương trình này có tên gọi chính thức là Nhà đầu tư Cá nhân, được thiết kế để thu hút các nhà đầu tư giàu có và làm dồi dào ngân quỹ quốc gia.

Theo kế hoạch này, các cá nhân phải mua hoặc cho thuê tài sản trên ba hòn đảo của Malta, đầu tư và đóng góp vào quỹ phát triển. Như vậy, họ đổi lấy hộ chiếu mà không cần phải định cư hay thường xuyên ghé thăm quốc gia này.

Theo The Times, một cuốn hộ chiếu Malta có giá 2 triệu USD (47 tỉ đồng). Chi phí mua hộ chiếu Malta khá cao nhưng vẫn rẻ hơn hộ chiếu của các nước châu Âu khác như Áo (33,4 triệu USD) và Cypus (3,3 triệu USD).

Chính sách cấp hộ chiếu này đã mang lại 960 triệu USD cho Malta, qua hơn 700 nhà đầu tư kể từ khi chương trình ra mắt vào năm 2014, Malta Today đưa tin.

Một lượng lớn các nhà đầu tư là những người Nga giàu có. Trong danh sách các công dân mới do chính phủ Malta công bố vào tháng 12/2017,  gần một nửa là các ông trùm, vua bất động sản và những người đứng đầu các công ty tư nhân lớn nhất của Nga.

Trong đó có Alexey Marey, cựu giám đốc điều hành của Ngân hàng tư nhân Alfa Nga; Arkady Volozh - người đồng sáng lập công ty bảo mật Alexey De-Monderik; Arkady Volozh, người sở hữu Yandex, công ty tìm kiếm lớn thứ 4 thế giới; Alexander Mechetin, người đứng đầu tập đoàn Beluga.

Ngoài ra, danh sách còn gồm triệu phú truyền thông Dmitri Semenikhin, ông trùm dầu mỏ và khí đốt Roman Trushev, ông trùm vận tải Andrey Gomon, nhà môi giới đầu tư Alexey Kirienko và ông trùm xăng Dmitry Lipyavko.

Sự gia tăng các ứng viên Nga cho quốc tịch Malta dường như xuất phát từ các hình phạt kinh tế đối với Nga do EU và Mỹ đặt ra, để đối phó với những vấn đề liên quan tới Ukraine.

Ilya Shumanov, người đứng đầu cơ quan đại diện của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại Nga, cho biết nhiều quan chức cao cấp đang đổ xô đến Malta để tìm cách phòng tránh rủi ro.

Ông nói với CBC: “Họ muốn tìm một nơi yên bình cho gia đình và người thân và mua hộ chiếu thứ hai như một cơ hội để phòng tránh rủi ro”.

Tuy nhiên, chương trình này đã bị chỉ trích vì tạo cơ hội cho các giao dịch mờ ám. Báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế tháng 12-2017 cảnh báo rằng chính sách cấp hộ chiếu của Malta “hấp dẫn vì nó vừa tạo điều kiện cho hoạt động rửa tiền số lượng lớn vừa cho phép nhà đầu tư tự do xuất nhập cảnh các nước EU”.

Báo cáo nhận định: “Hộ chiếu công dân EU tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển tiền, vì các ngân hàng châu Âu coi chủ sở hữu của những cuốn hộ chiếu đó là cư dân chính thức, chứ không phải là người ngoại quốc đáng ngờ. Thực tế, đây còn là vấn đề rửa danh tiếng”.

Do vậy, không phải ngẫu nhiên cuốn hộ chiếu "vàng" lại trở nên phổ biến trong giới đầu tư từ các quốc gia tỷ lệ tham nhũng cao, nền kinh tế ngầm hoạt động mạnh mẽ và hệ thống chính trị bất ổn. Kết quả là, những người có nghĩa vụ phải đầu tư vào nền kinh tế và tài sản của nhà nước Malta, lại biến thành các “bóng ma” trong các căn hộ giá rẻ, theo báo cáo của TI.

Vào tháng 8, EU cảnh báo họ sẽ mạnh tay với các chính phủ EU bao gồm cả Malta và Cyprus trong các chính sách về hộ chiếu do lo ngại việc rửa tiền.

Vera Jourova, ủy viên công lý của EU, nói với Financial Times rằng các nhà chức trách cũng lo ngại về lý lịch của các ứng viên giàu có người Nga muốn nhập quốc tịch Malta.

Bà Jourova nói rằng: “Trong bất kỳ trường hợp đáng nghi nào, người đó không nên được hưởng đặc quyền công dân. Chúng tôi không có quyền cấm chính sách cấp quốc tịch của bất kỳ quốc gia nào, nhưng chúng tôi có nghĩa vụ đưa ra yêu cầu khắt khe với các quốc gia thành viên bởi họ đang cấp quốc tịch cho toàn bộ châu Âu”.

Theo Người Lao động