Ngày 5/2, một người thân của YouTuber, streamer Jo Jang Mi (hay BJ Jammi, 27 tuổi) thông báo cô đã tự kết liễu đời mình vì những tin đồn và bình luận ác ý trên mạng.
Thông tin này đã dấy lên làn sóng phẫn nộ khắp Hàn Quốc về nạn bạo lực mạng và một hiện tượng mới liên quan được gọi là "cyber wreckers" (tạm dịch: những kẻ phá hoại trên mạng) - từ dùng để chỉ những "nhà bình luận xã hội" tự phong sử dụng nền tảng mạng xã hội để thu lợi từ bất hạnh của người khác, theo Korea Herald.
Mọi thứ trở nên tồi tệ với Jo từ giữa năm 2019, khi cô sử dụng một số cụm từ và cử chỉ gây tranh cãi liên quan đến một diễn đàn nữ quyền cực đoan trong một video. Những tin đồn Jo là kẻ ghét đàn ông cứ thế lan rộng, khiến cô phải hứng chịu nhiều bình luận tấn công trên mạng.
|
Nữ streamer Jo Jang Mi tự sát sau khi là nạn nhân của bắt nạt trên mạng. Ảnh:@jamminim.
|
Dù đã giải thích rằng chỉ bắt chước các meme trên Internet và không nhận thức được bản chất xúc phạm của những lời nói và cử chỉ đã dùng, Jo vẫn tiếp tục bị nhiều người lăng mạ, thậm chí làm rò rỉ các tài khoản mạng xã hội riêng tư và tên thật.
Tháng 2/2020, Jo một lần nữa nói mình không phải thành viên của các cộng đồng gây tranh cãi, cũng không phải nhà nữ quyền. Đến tháng 5/2020, cô tuyên bố sẽ dừng làm streamer, một lần nữa phủ nhận các cáo buộc và cho biết mẹ cô đã tự sát vào một năm trước đó, có thể do đọc được những bình luận ác ý nhắm vào con gái.
Giữa lúc đó, những kẻ "cyber wreckers" xuất hiện, một trong số này là YouTuber PPKKa. Người này lần lượt đăng 2 video đặt câu hỏi về tính hợp lý trong những lời giải thích của Jo vào 10/7/2019 và 12/7/2019. Sau đó, PPKKa tiếp tục đăng thêm 2 video nữa.
Bốn video cáo buộc Jo là nhà nữ quyền cực đoan với gần 3 triệu lượt xem hiện đã được đặt ở chế độ riêng tư. Tính đến 9/2, kênh YouTube của PPKKa có 1,2 triệu người đăng ký.
Khi đã có được mục tiêu, những kẻ bắt nạt điên cuồng tấn công Jo bằng lời nói. Sự căm thù của họ không có điểm dừng cho đến khi Jo chết tức tưởi.
Nguyên nhân
Những kẻ "cyber wreckers" tạo ra các nội dung thù địch vì nó hút view. Nhưng tại sao người xem lại xem những video như vậy và thậm chí tham gia vào việc tấn công nạn nhân?
Theo Lim Myung-ho, giáo sư tâm lý học và tâm lý trị liệu tại Đại học Dankuk, từ góc độ tâm lý, ý thức muốn cảm thấy mình vượt trội có thể là yếu tố dẫn đến các cuộc tấn công mạng nhắm vào Jo.
"Nạn nhân là một phụ nữ trẻ đẹp, có lượng người hâm mộ. Bằng cách tấn công một người đại diện cho một nhóm và gây tổn hại quyền lực của cô ấy có thể đem lại cảm giác vượt trội hơn khi so sánh", giáo sư Lim nói.
Ông cho biết thêm rằng việc Jo trông yếu thế hơn sau các cuộc tấn công, xuất hiện với vẻ ngoài bị tổn thương trong các video và nói rằng bản thân cân nhắc việc tự sát có thể đã kích động thêm những kẻ tấn công và cảm giác vượt trội của họ.
|
YouTuber "PPKKa" bị nhiều người xem là một trong những nguyên nhân khiến Jo trở thành mục tiêu bị tấn công.
|
Trong những năm qua, đã có nhiều trường hợp người nổi tiếng tự tử sau khi bị bắt nạt trên mạng. Ngày 4/2, cầu thủ bóng chuyền Kim In-hyeok được tìm thấy đã tự sát tại nhà riêng. Thông qua bài đăng trên trang cá nhân, anh từng cầu xin mọi người dừng bình luận ác ý, phủ nhận tin đồn bản thân đồng tính.
Một nghiên cứu cho thấy nạn bắt nạt trên mạng - được định nghĩa là liên tục gửi các tin nhắn ác ý với ý định gây tổn hại - phổ biến hơn ở người trưởng thành so với thanh thiếu niên.
Theo báo cáo năm 2019 của Cơ quan Xã hội Thông tin Quốc gia Hàn Quốc, trong một cuộc khảo sát, 54,7% người trưởng thành ở Hàn Quốc từng là nạn nhân hoặc thủ phạm của bắt nạt trên mạng, cao hơn nhiều so với 26,9% đối với thanh thiếu niên.
Dù vậy, phần lớn nghiên cứu ở xứ củ sâm liên quan đến bắt nạt trên mạng vẫn tập trung vào trẻ vị thành niên. Có 30 báo cáo nghiên cứu tập trung vào học sinh, chỉ có 2 báo cáo về người trưởng thành.
Nói tóm lại, hầu như bất kỳ ai cũng có thể trở thành một kẻ bắt nạt trên mạng, đặc biệt nếu có một đám đông đang làm điều tương tự. Trong trường hợp của Jo, những phần bình luận của các "cyber wreckers" đã trở thành một nơi tụ tập hoàn hảo cho những kẻ bắt nạt.
Chỉ vài giờ sau khi tin tức về cái chết của Jo được lan truyền, PPKKa đã đăng tải một video nói rằng mình không “kích động” bất kỳ sự thù hận nào nhắm vào nữ streamer và cũng không khơi mào tin đồn rằng cô là nhà nữ quyền cực đoan.
Dù vậy, YouTuber này phải hứng nhiều chỉ trích nặng nề, cũng như khi cộng đồng trực tuyến tấn công Jo vì những điều mà về bản chất còn chưa rõ ràng.
Theo Zing