leftcenterrightdel
 Thế hệ đi trước đừng quên công nhận tài năng và thành công của Gen Z. Ảnh minh họa:Polina Tankilevitch/Pexels.

"Một đội quân hùng mạnh" đang đến tuổi trưởng thành. Khoảng 2 tỷ người trên thế giới sinh ra từ năm 1997-2012 đã trở thành một phần của thế hệ Z. Ở Mỹ và Anh, nhóm này chiếm 1/5 dân số, cạnh tranh với tỷ lệ người thuộc thế hệ Baby Boomers (sinh năm 1946-1964). Ở Ấn Độ và Nigeria, người trẻ đông hơn người già.

Mỗi thế hệ gắn liền với một sự kiện/câu chuyện đặc biệt. Chẳng hạn, Baby Boomers được định hình bởi sự dư dả thời hậu chiến hay Millennials sinh ra trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2009. Với Gen Z, quan điểm phổ biến là điện thoại thông minh khiến họ khổ sở; cuộc sống của họ sẽ tồi tệ hơn so với thế hệ trước.

Ngày càng nhiều người phương Tây nói rằng trẻ em ngày nay kém hơn cha mẹ họ. Bản thân người trẻ lo lắng đủ thứ, từ khó khăn trong việc mua nhà cho đến những mối nguy hiểm rình rập do biến đổi khí hậu.

Các nhà xã hội học lo ngại rằng Gen Z, thế hệ trải qua năm tháng đầu đời với doomscrolling (xu hướng lướt mạng xem tin tức liên tục dù những tin tức đó khiến bạn buồn bã, thất vọng hoặc chán nản - PV) và mắc chứng FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ - PV), giờ đây đối mặt với "đại dịch" lo lắng và trầm cảm.

Đó là lý do mà các chính trị gia ở Mỹ, Anh đang cân nhắc cấm điện thoại thông minh và hạn chế sử dụng mạng xã hội đối với thanh thiếu niên dưới 16 tuổi. Phụ huynh và giáo viên ở khắp mọi nơi cũng cố gắng kiểm soát thời gian nhìn màn hình của con em mình.

Tất cả điều trên có thể khiến chúng ta thấy bi quan về Gen Z, song sự thật là họ đang làm khá tốt vai trò của mình và "còn lâu mới bị diệt vong", theo Economist. 

Thu nhập vượt trội

Đầu tiên, những câu chuyện phổ biến về Gen Z đã bỏ sót điều quan trọng: khoảng 4/5 thanh niên từ 12-27 tuổi trên thế giới sống ở các nền kinh tế mới nổi.

Nhờ sự tăng trưởng và phổ biến của công nghệ, người trẻ ở những nơi như Jakarta, Mumbai hoặc Nairobi có cuộc sống tốt hơn cha mẹ họ. Những người trẻ ấy giàu có, khỏe mạnh và có học thức cao - ai có điện thoại thông minh sẽ nắm bắt thông tin và kết nối tốt hơn. Một cuộc khảo sát của Liên Hợp Quốc năm 2021 cho thấy giới trẻ ở các nền kinh tế mới nổi lạc quan hơn giới trẻ ở các nước giàu.

Tuy nhiên, một số nơi lo ngại rằng tiến bộ nhanh chóng trong những thập kỷ gần đây có thể không lặp lại. Mối lo ấy thể hiện rõ nhất ở Trung Quốc. Do kinh tế bất ổn và tư tưởng trọng số lượng hơn chất lượng trong giáo dục đại học, hơn 1/3 sinh viên ra trường ở nước này có thể thất nghiệp.

leftcenterrightdel
 Những người trẻ tuổi trên khắp thế giới là “nhân tố rất mạnh cho sự phát triển hàng xa xỉ trong thập kỷ qua". Ảnh:SCMP. 

Bức tranh ở những nền kinh tế giàu có thì "màu hồng" hơn mọi người nghĩ.

Số lượng Gen Z đi làm ở Mỹ hiện nay gần bằng thế hệ Boomers - và họ đang làm rất tốt tại nơi làm việc. Nhu cầu lao động đóng góp một phần, nhưng thực tế là Gen Z đang tiếp thu các kỹ năng thị trường đòi hỏi một cách khôn ngoan, nhạy bén. Nhiều người trong số đó theo đuổi ngành khoa học, kỹ thuật và y tế; ngành nhân văn không còn được ưa chuộng.

Thu nhập của Gen Z đang tăng nhanh hơn nhiều so với mức lương của người lao động lớn tuổi. Tỷ lệ người trẻ thất nghiệp theo đó mà giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thế kỷ.

Ở Mỹ, thu nhập trung bình của Gen Z, sau khi trừ thuế và chuyển khoản, vượt xa thu nhập thực tế của thế hệ Millennials hoặc Gen X ở cùng độ tuổi.

Quả thực, khả năng chi trả nhà ở đã suy giảm kể từ những năm 1980, song nhờ mức lương tăng mạnh của Gen Z, giá nhà tính theo bội số thu nhập chỉ gần bằng mức của Millennials một thập kỷ trước. Nhờ vậy, người trẻ ngày nay có thể gửi tiết kiệm nhiều hơn.

Thế hệ không ngại lên tiếng

Gen Z đang thay đổi thế giới việc làm khi họ biết mình có khả năng thương lượng. Điều này khác hoàn toàn so với thế hệ Millennials - những người trưởng thành từ "cái bóng" của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu; họ cảm thấy chênh vênh đến mức ngại yêu cầu tăng lương.

Gen Z dường như ít lo lắng về việc từ bỏ để có cơ hội tốt hơn hoặc làm mọi việc một cách chậm rãi để tận hưởng cuộc sống. Những người sếp không quen bị tụt hậu chắc chắn sẽ phàn nàn về Gen Z.

Thế hệ này cũng định hình xã hội theo những cách rất khác. Ví dụ, khi đến tuổi bầu cử, Gen Z Mỹ sẽ thúc đẩy các bang hành động để thể hiện sự quan tâm đến biến đổi khí hậu. Nói rộng ra, Gen Z muốn chính phủ trở nên "rộng mở" hơn.

leftcenterrightdel
 Gen Z không ngại ngần lên tiếng yêu cầu sự công nhận xứng đáng cho những đóng góp của mình. Ảnh minh họa:Charlotte May/Pexels. 

Trong cuộc sống hàng ngày, Gen Z là người nghiêm túc, ít thức khuya, không say lướt khướt hay lăng nhăng. Mặt trái của điều này là họ có thể ít giao tiếp xã hội, quan hệ tình dục và dễ cảm thấy cô đơn. Vì vậy, tỷ lệ lo lắng và trầm cảm của người trẻ đang gia tăng ở hầu hết nước phương Tây mà "thủ phạm" gây tranh cãi chính là mạng xã hội.

Rõ ràng là thế hệ Z đang ở giai đoạn "mũi nhọn" của cuộc cách mạng công nghệ với tốc độ sử dụng điện thoại thông minh và các ứng dụng truyền thông xã hội tăng chóng mặt trên khắp thế giới.

Điều đáng khích lệ là có những dấu hiệu cho thấy thói quen sử dụng công nghệ của người trẻ đã thay đổi theo hướng tích cực hơn. Đây là cơ sở để các thế hệ đi trước tin rằng Gen Z có khả năng thích ứng với hoàn cảnh và tự tạo dựng cuộc sống tốt đẹp.

Theo lifestyle.znews