leftcenterrightdel
 Quang cảnh quần áo đã qua sử dụng bị vứt bỏ trên sa mạc Atacama, ở Alto Hospicio, Iquique, Chile - Ảnh: Tamara Merino

Sa mạc Atacama ở miền bắc Chile trải dài từ Thái Bình Dương đến dãy Andes băng qua một vùng đất cằn cỗi với các hẻm núi và đỉnh núi đá màu đỏ cam. Đây là điểm đến hàng đầu của những du khách yêu thích ngắm sao.
Atacama cũng là một trong những bãi rác thải chứa quần áo bỏ đi đang phát triển nhanh chóng trên thế giới, do việc sản xuất hàng loạt trang phục rẻ tiền được gọi là thời trang nhanh hay thời trang ăn liền. Hiện tượng này đã tạo ra lượng rác thải nhiều đến mức Liên hiệp quốc gọi đây là “tình trạng khẩn cấp về môi trường và xã hội”.

Bãi rác khổng lồ của thế giới

Từ năm 2000 đến 2014, sản lượng quần áo tăng gấp đôi. Người tiêu dùng bắt đầu mua quần áo nhiều hơn 60% và mặc chúng với thời gian chỉ bằng một nửa so với trước đây. Ước tính 3/5 tổng số quần áo được đưa vào các bãi chôn lấp hoặc lò đốt trong vòng 1 năm kể từ khi sản xuất.

Hầu hết các cơ sở tiếp nhận lượng quần áo này đều ở Nam Á hoặc châu Phi, đa số đều không thể xử lý được. Một bãi rác gần Accra (thủ đô Ghana), nơi chứa 60% quần áo và cao gần 20m, nổi tiếng quốc tế như một biểu tượng của cuộc khủng hoảng môi trường từ thời trang nhanh. Những đống khổng lồ quần áo bỏ đi, với nhãn hiệu từ khắp nơi trên thế giới, trải dài ngút tầm mắt ở ngoại ô Alto Hospicio, một thành phố nghèo với 120.000 cư dân. Trong một khe núi, một đống quần jeans và áo vest bạc màu bởi ánh nắng gắt nổi lên trên một đống áo khoác và áo sơ mi giả lông thú, một số trong đó vẫn còn ghi giá bán. Chai lọ, túi xách và các loại rác khác được trộn lẫn vào nhau.

Khi hình ảnh những núi rác quần áo được lan truyền trên mạng, nhiều người dân Chile bày tỏ sự ngạc nhiên. Franklin Zepeda - giám đốc một công ty tập trung vào các hoạt động kinh tế tuần hoàn - cho biết: “Tôi bị sốc khi nghĩ rằng đất nước chúng tôi đang trở thành bãi rác hàng dệt may của các nước phát triển”. Câu chuyện về việc quốc gia Nam Mỹ này trở thành nơi lưu trữ phế liệu may mặc của thế giới có liên quan nhiều đến quá trình toàn cầu hóa và thương mại cũng như với các xu hướng phong cách thoáng qua.

leftcenterrightdel
 Người dân kiếm sống bằng cách lùng sục các đống quần áo ở sa mạc Atacama để tìm những món đồ có thể bán được. Mỗi tuần, nhiều lô hàng quần áo đã qua sử dụng sẽ cập cảng tại Iquique - Ảnh: Tamara Merino

Chile là nơi có một trong những cảng miễn thuế lớn nhất Nam Mỹ - nằm ở thành phố ven biển Iquique, phía tây của sa mạc Atacama. Hằng năm, khu vực này tiếp nhận hàng triệu tấn quần áo từ châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Theo thống kê của hải quan Chile, năm 2023, tổng số lượng là 46 triệu tấn.

Vòng đời của quần áo kết thúc tại sa mạc?

Cảng miễn thuế được thành lập ở Iquique vào năm 1975 đã giúp tạo việc làm và cải thiện nền kinh tế địa phương đang suy yếu. Khi thời trang nhanh bùng nổ, Chile trở thành một trong những nước nhập khẩu quần áo cũ lớn nhất thế giới, điều này đã làm thay đổi Iquique.

Bernardo Guerrero - nhà xã hội học tại Fundación Crear, một tổ chức nghiên cứu lịch sử và văn hóa của Iquique - cho biết: “Zona franca (khu vực tự do) là một cuộc cách mạng thực sự đối với cư dân thành phố. Họ đột nhiên có được những thứ mà họ không bao giờ có thể tưởng tượng được, chẳng hạn như những chiếc ô tô”. Quần áo bắt đầu tràn vào Iquique như những làn sóng khi thời trang toàn cầu thay đổi. Guerrero nhớ lại thời điểm những năm 1990 hầu hết mọi người trong thành phố đều mặc cùng một kiểu áo khoác phao sau khi những chuyến hàng cập cảng.

Hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong khu miễn thuế; hơn một nửa là doanh nghiệp nước ngoài. Khu vực tự do cũng đã phát triển thành kho phân loại rác thải dệt may.

leftcenterrightdel
 Quần áo cũ được bày bán ở La Quebradilla - Ảnh: Tamara Merino

Mehmet Yildiz - đang điều hành một doanh nghiệp nhập khẩu quần áo có tên Dilara - cho hay: “Về bản chất, chúng tôi chỉ đang tái chế quần áo của thế giới”. Yildiz nhập quần áo ở Mỹ và châu Âu, hầu hết từ các cửa hàng tiết kiệm như Goodwill. Sau khi hàng được chuyển đến Iquique, công nhân chia chúng thành 4 loại, từ chất lượng cao đến chất lượng thấp. Sau đó, Yildiz xuất khẩu những sản phẩm tốt nhất sang Cộng hòa Dominica, Panama, châu Á, châu Phi, thậm chí quay trở lại Mỹ để bán.

Bên cạnh đó, những sản phẩm không thể xuất khẩu được vận chuyển tới bãi rác bên ngoài Alto Hospicio, nơi nó tiếp tục trải qua một quá trình phân loại và bán ở các cửa hàng nhỏ, chợ đường phố hoặc ở La Quebradilla - một chợ trời rộng lớn. Ở đó, hoạt động buôn bán quần áo cũ vẫn diễn ra sôi nổi trên một dải đất dài nửa dặm với khoảng 7.000 quầy hàng. Những quần áo không thể bán tại chợ sẽ ở lại sa mạc và phần lớn chúng được làm từ vật liệu tổng hợp không bị phân hủy sinh học. Người dân địa phương thường nhặt mọi món đồ họ có thể sử dụng hoặc bán. Vào một buổi chiều, sau khi lục lọi trong núi quần áo, một phụ nữ tên Génesis đã tìm được những món quần áo ấm và chăn cho gia đình cô trong những đêm lạnh giá còn những bộ quần áo đẹp hơn, sau khi tuyển chọn kỹ càng sẽ được cô đem bán tại La Quebradilla.

“Mọi thứ đều hữu ích với tôi. Chúng tôi thật may mắn khi tìm thấy những thứ này” - cô rạng rỡ nói và cười khi hình dung mình thật xinh trong chiếc đầm mùa hè mới toanh in họa tiết dâu tây.

Mặc dù thị trường bán lại có thể hữu ích ở thời kỳ trước nhưng đã bị choáng ngợp bởi quy mô khổng lồ của lượng rác thải ngày càng tăng. Nhiều nỗ lực đang được tiến hành để giải quyết vấn đề rác thải quần áo và tình trạng lộn xộn trên sa mạc.

leftcenterrightdel
 2 đứa trẻ đang xem một chiếc váy được bán ở La Quebradilla - Ảnh: Tamara Merino

Khi nào bãi phế liệu thành trung tâm tái chế?

Năm 2018, Franklin Zepeda thành lập một công ty sản xuất tấm cách nhiệt xây dựng từ phế thải dệt may. Ông nói: “Tôi bị thúc đẩy bởi ý tưởng rằng có một lượng lớn rác thải có thể tái chế thành nguyên liệu thô để tạo ra sản phẩm mới, giúp giảm lượng quần áo trên sa mạc của chúng ta”.

Rosario Hevia - chủ sở hữu của Ecocitex, một công ty có trụ sở tại Santiago chuyên sản xuất sợi từ quần áo bỏ đi - cho biết: “Nhiệm vụ của chúng tôi là loại bỏ rác thải dệt may ở Chile”. Trong khi đó, ở Iquique, nhà nhập khẩu quần áo Dilara có kế hoạch mở một nhà máy tái chế trong năm nay để sản xuất vật liệu độn cho đệm ghế từ quần áo đã qua sử dụng.

Khi lượng rác ngày càng chồng chất, nhiều quốc gia đang yêu cầu các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình sau quá trình sử dụng. Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đã được áp dụng ở Ấn Độ, Úc, Nhật Bản, Canada và một số bang của Mỹ.

Vào năm 2016, Chile đã thông qua Trách nhiệm pháp lý mở rộng của nhà sản xuất, gọi tắt là Ley REP. Ley REP quy định các nhà sản xuất và nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về 6 loại chất thải, bao gồm dầu bôi trơn, đồ điện tử, pin, pin nhỏ, hộp đựng và bao bì, vỏ xe.

Tomás Saieg - người đứng đầu Văn phòng Kinh tế tuần hoàn của Bộ Môi trường Chile - cho biết một nhóm đang nỗ lực bổ sung thêm 3 loại hàng nữa vào Ley REP, bao gồm cả hàng dệt may. “Có thể nói, điều quan trọng nhất là “tắt vòi nước” để những bộ quần áo này không thể tiếp tục “chảy” vào sa mạc, đồng thời nỗ lực chuyển đổi Chile từ một bãi phế liệu thành một trung tâm tái chế” - ông nói.

Trong khi chờ đợi, các xu hướng thời trang vẫn liên tục thay đổi, doanh số bán hàng trực tuyến tiếp tục tăng và hàng núi quần áo bị lãng quên tiếp tục mọc lên giữa bãi cát đỏ của sa mạc Atacama.

Theo phụ nữ TPHCM