Lối rẽ bất ngờ 

Ngày chị Nga (45 tuổi, trưởng phòng ở một cơ quan hành chính sự nghiệp có thu) đưa đơn nghỉ việc, đồng nghiệp đã hụt hẫng. Ai cũng nghĩ chị có góc khuất nào khó nói nên mới quyết định vội vàng như vậy bởi chị không chỉ trong diện quy hoạch vị trí phó giám đốc phụ trách kinh doanh, mà theo quy định tuổi hưu mới, 15 năm nữa chị mới… có chế độ, sao lại buông gánh giữa đường, phí quá!

Bất chấp sự can ngăn của anh em, sự thiết tha giữ lại của sếp cùng lời hứa thăng chức, tăng lương, chị Nga kiên quyết “bỏ tất cả ta về hưu”. Chị hào hứng: “Con trai duy nhất vừa học xong, bây giờ là lúc tôi sống cho mình. Tôi cần học bơi, học vẽ, tập yoga, làm việc hữu ích cho cộng đồng. Tôi quá chán cảnh làm robot công sở…”.

 
“Mình làm công việc 13 năm không phát triển, thể chất ngày một kém, bị động, luôn không cảm thấy ý nghĩa cuộc sống; mỗi ngày mình gắng gượng vì trách nhiệm nuôi gia đình, mình thèm về hưu sớm…”.

“Tôi để dành được 12 tỉ đồng, tôi có nhà riêng và lo xong tiền cho con học đại học. Tôi ước mơ được đi du lịch thật nhiều. Tôi e là cứ ráng cày thêm thì sau này có tiền cũng không đủ sức khỏe để đi chơi”… 

Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều nỗi niềm chia sẻ tại nhóm Facebook mang tên Cộng đồng độc lập tài chính, về hưu sớm - FIRE. Nỗi mong mỏi về hưu sớm hình như có trong bất cứ người trung niên nào, trừ những người còn quá yêu công việc. 

Chị Nga cho biết, ý định nghỉ việc xuất hiện trong chuyến leo núi cùng nhóm bạn. Về thành phố đi làm, khát khao sống tự do như ý muốn trong chị ngày một cồn cào. Lục giấy tờ sổ sách cộng trừ tính toán, chị thấy có thể sống ổn từ một khoản tiết kiệm đang cho lãi suất khá tốt. Chị cũng cho thuê một nửa ngôi nhà đã trở nên rộng rãi sau khi con đi học. 

Tìm được lối ra tài chính, chị Nga bắt đầu dọ ý chồng con. Thật mừng vì số phiếu thống nhất 4/4 từ các thành viên gia đình. Người mừng nhất có lẽ là bà ngoại ở quê. Lâu nay bà chỉ mong con gái bớt việc, bởi lần nào bà gọi, chị cũng mau chóng cúp máy với lý do “Con bận quá!”.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

 Chuẩn bị trước ít nhất 5-10 năm 

Những người nghỉ hưu sớm thình lình như chị Nga không nhiều. Nghỉ hưu nghĩa là không làm việc, không thu nhập (nếu đủ điều kiện nhận lương hưu sớm theo quy định thì cũng rất thấp, không đủ sinh sống khi chúng ta chưa già và nhiều ước mơ). Vậy nên, việc lên kế hoạch về hưu sớm phải có từ rất xa, ít nhất là 5 tới 10 năm.

Không nên nhầm về hưu sớm với từ bỏ sự nghiệp để chuyển sang làm việc khác nhẹ nhàng hơn, tự do hơn như những người bỏ phố về rừng, những người khởi nghiệp hay những người nghỉ việc tập trung bán hàng online, chơi chứng khoán, đầu tư đất đai, kiếm tiền từ Facebook, YouTube, các nền tảng xã hội…

Chị Thu Hạnh - đồng nghiệp cũ của tôi - là một trường hợp khá may mắn. Từ một thủ quỹ 8 tiếng ở văn phòng, bây giờ chị là… chủ nhà trọ. Trước kia, do nhà xa, mỗi ngày, chị mất hơn 1 tiếng để đến chỗ làm. Chồng chị rất bận nên việc con cái một mình chị “ôm”. Từ năm 42 tuổi, chị đã không muốn đi làm. Chị ước mong nghỉ việc để tập trung đưa đón con, có thời gian qua lại với cha mẹ già. 

Mãi đến 48 tuổi, chị mới thực hiện được mong ước ấy nhờ xây được dãy 10 phòng trọ cho thuê. Mỗi tháng, chị đi gom 17 triệu đồng xem như lương. Lộ trình 6 năm từ không có gì tới có nhà trọ cho thuê của chị là nhờ công chồng chị. Là bác sĩ phẫu thuật ngoại khoa, anh có khoản thu không nhỏ ngoài lương nhờ chạy sô. 

Những năm qua, anh chị sống rất cần kiệm. Họ gần như không đi du lịch, không đi ăn nhà hàng cuối tuần; chị không dùng son phấn hay mua sắm quần áo. Anh và 2 cậu con trai luôn giản dị với số áo sơ mi mặc đến sờn cổ, đôi giày anh đi gần 10 năm chưa thay…

Từng bước tằn tiện, họ mua mảnh đất ở ngoại thành khi giá đất còn rẻ, rồi vay mượn nội ngoại xây nhà trọ, sau đó từng bước trả nợ. Khi đạt mục tiêu, chị viết đơn xin nghỉ việc. 

Nghỉ hưu sớm kiểu... nhà nghèo 

Muốn không làm gì hoặc chỉ làm chơi chơi (mà vẫn có ăn, có tiền du lịch hoặc làm điều mình thích), ở tuổi nào cũng vậy, bắt buộc bạn phải đạt tới ngưỡng tự do tài chính. 

Tự do tài chính có nhiều dạng nhưng từ số người quen đã nghỉ hưu sớm ở độ tuổi 40-50 như chị Nga, chị Hạnh, tôi thấy họ thường thủ sẵn một hoặc vài căn nhà hay mảnh đất cho thuê, có hoa lợi từ các khoản đầu tư vững chắc. Một số rất ít gửi tiền mặt trong ngân hàng để hưởng lãi suất. 

Việc tính toán số tiền thế nào thì đủ để nghỉ hưu sớm và làm sao để có được khoản tiền đó đã trở thành một lĩnh vực riêng có tên ERE (Early Retirement Extreme - nghỉ hưu siêu sớm) hay FIRE (Financial Independence, Retire Early - độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm). Tùy thuộc hoàn cảnh, mức sống và yêu cầu của mỗi người…, rất khó có công thức chung cho FIRE. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là người trong cuộc phải mường tượng ra quãng thời gian sống tiếp theo cho mình.

Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory
Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory

 Ví dụ, nếu muốn nghỉ hưu lúc tuổi 40 thì bạn còn khoảng 40 năm phải sống (tạm tính tuổi thọ là 80). Nếu nghỉ ở tuổi 50 thì bạn còn 30 năm phải sống. Làm sao có đủ tiền cho quãng thời gian đằng đẵng này khi bạn không hề làm việc?

Một công thức đơn giản các chuyên gia tài chính hay nhắc là lấy 70 - 75% mức lương của bạn trong 5 năm gần nhất làm chuẩn. Nếu mỗi năm bạn kiếm được 150 triệu đồng thì bạn cần chuẩn bị hơn 100 triệu đồng cho mỗi năm của đời sống “cụ hưu trẻ”.

Một cách tính khác lấy mức chi tiêu thực tế của bạn làm căn cứ. Ví dụ bạn đã có nhà ở và chỉ cần 10 triệu đồng để tiêu mỗi tháng. Lấy 10 triệu x 12 tháng x 30 năm = 3,6 tỉ đồng. Tức là nếu có nhà và có số tiền 3,6 tỉ đồng, bạn có thể tạm yên tâm nghỉ việc lúc 50 tuổi bằng cách gửi tiết kiệm hoặc đầu tư bền vững để có tiền lãi rút ra mỗi tháng cho việc chi tiêu cơ bản. Nếu nghỉ hưu tuổi 40 thì nhân với 40 năm, tức khoảng 4,8 tỉ đồng. 

Tuy vậy, các chuyên gia cũng cảnh báo các bất trắc như: lạm phát, sự cố liên quan tới nơi bạn gửi tiền, nơi bạn đầu tư, các sự cố sức khỏe… Tóm lại, rủi ro luôn có và tự bạn phải quản trị hết những rủi ro này vì bạn khác những người đồng lứa có bảo hiểm xã hội, có công đoàn hay cơ quan, doanh nghiệp mà họ gắn bó…

Ở các quốc gia có chính sách tiền lương tốt, người ta có thể tiết kiệm tới 25% thu nhập, thậm chí 50%, 75% để tích lũy. Thế nhưng, nhìn vào mức thu nhập trung bình của người lao động Việt Nam (khoảng 7-10 triệu đồng với người sống ở thành thị), việc tích lũy thường bất khả. Bởi ngoài trang trải chi tiêu cho mình, đa số còn phải nuôi con, có trách nhiệm với cha mẹ, tích lũy để mua nhà, đổi xe… 

Cơ hội nghỉ hưu sớm chỉ trong tay người có thu nhập rất cao hoặc có tài sản lớn nhờ buôn bán, kinh doanh hay có nhà cửa cha mẹ để lại. Khi thu nhập “làng nhàng” mà bạn vẫn muốn nằm dài trên bãi biển tận hưởng cuộc đời hay thong thả trên những cung đường trekking, quên hẳn nỗi lo cơm áo gạo tiền thì sao? Tất nhiên bạn không thể chờ trúng giải độc đắc hay mong khoản thừa kế kếch xù rơi trúng đầu. Không còn cách nào khác, bạn phải tiết kiệm và nỗ lực như vợ chồng anh bác sĩ nọ.

Trên mạng có những ý kiến lẻ tẻ chia sẻ quanh đề tài “về hưu sớm kiểu nhà nghèo”, tôi xin gom tặng những ai có ý định nghiên cứu hướng đi này: chuẩn bị tài chính dư dả ít nhất 15 tới 20 tháng lương (tức có trong tay ít nhất 2-3 tỉ đồng); lên kế hoạch tiết kiệm, mua bảo hiểm từ rất sớm.

Đầu tư và học thêm nghề tay trái; khi đã chuẩn bị nghỉ, học và tìm thêm việc làm phụ để khi nghỉ có thể làm việc nhẹ nhàng nếu muốn; tập trung cho sức khỏe và tinh thần; luôn kết nối với bạn bè, đồng nghiệp cũ, mở rộng các mối quan hệ, giữ sự bận rộn, không để mình tụt hậu…

Và điều quan trọng nhất là đây: bạn phải sẵn sàng cho sự thất bại của bất kỳ kế hoạch nào. Rất nhiều người về hưu sớm đã quay trở lại tìm việc vì cạn tiền, vì buồn chán, vì đời không như là mơ… 

Có thể bạn không ngoại lệ. 

Theo phụ nữ TPHCM