Luật sư Khanh, đang sống tại Mỹ, chia sẻ bài viết về việc Mỹ nới quy định đeo khẩu trang với người tiêm vaccine nhằm khuyến khích tiêm chủng:
Cũng như nhiều người dân Mỹ khác, những người trưởng thành trong đại gia đình và bạn bè của tôi đều đã tiêm chủng xong. Sau hai tuần kiên nhẫn chờ đợi cho kháng thể sinh ra đầy đủ, tôi đã nhanh chóng qua chơi với mẹ mà không phải cách ly hai tuần. Sau đó tôi đi cắt tóc ở tiệm và đi ra một khu mua sắm (mall) chỉ để ngắm người đi qua lại.
Ngoại trừ chuyến đi thăm mẹ, còn lại tôi đều đeo khẩu trang. Thật ra quy định của tiểu bang California bắt buộc người dân đi tới những nơi công cộng đeo khẩu trang nên tôi cũng phải tuân theo. Trong tiệm hớt tóc, thợ và khách đều đeo khẩu trang. Ở các lối đi ngoài trời trong khu mua sắm, các nhân viên an ninh nhắc nhở những ai không đeo khẩu trang phải đeo vào.
Vì thế khi CDC ra hướng dẫn cho phép người đã tiêm ngừa bỏ khẩu trang trong hầu hết mọi tình huống, rất nhiều người cảm thấy sốc. Thật ra, CDC đã hơi bị mất uy tín từ những ngày đầu dịch, khi mà mãi mới thấy họ đưa ra khuyến cáo là nên đeo khẩu trang. Nhiều tiểu bang đã ra lệnh đeo khẩu trang nơi công cộng từ trước, còn tôi đã đi trước CDC đến hàng tháng.
Ở vào thời điểm này, hai loại vaccine phổ biến nhất ở Mỹ là Pfizer và Moderna được cho là có công hiệu rất cao và người đã tiêm ngừa có nguy cơ bị bệnh rất thấp. Vì thế CDC cho rằng những người này không cần phải đeo khẩu trang nữa. Nhưng trên thực tế không thể phân biệt ai đã tiêm ngừa, ai chưa khi ra ngoài.
Trong siêu thị bao người mua sắm. Giờ bắt các nhân viên kiểm tra thẻ tiêm vaccine của khách hàng, yêu cầu những người chưa tiêm đeo khẩu trang thì mệt quá, bởi vì việc này sẽ tốn nhân công. Các địa điểm công cộng khác cũng vậy. Đó là chưa kể tới những thành phần quá khích, nhất định không chịu tiêm chủng và cũng chẳng muốn đeo khẩu trang thì phải đối phó với họ thế nào. Mà ở Mỹ những người thuộc loại này hình như khá nhiều. Chỉ vài trường hợp mỗi ngày là một siêu thị sẽ mệt vì phải đối phó với những chuyện hỡi ơi.
Nói cách khác, hướng dẫn của CDC sẽ chỉ dẫn tới việc những người không tin là có dịch bệnh và không tiêm ngừa sẽ cởi bỏ khẩu trang và đi lang thang. Người đã tiêm ngừa thì có thể không sao, nhưng những người như trên thì sẽ vẫn có thể nhiễm bệnh. Mà người bệnh thì tất nhiên sẽ phải được chữa, làm ảnh hưởng tới hệ thống y tế cùng đủ thứ hệ lụy khác.
Các tiểu bang đang làm đủ cách để tăng tỷ lệ tiêm ngừa. Chính phủ các tiểu bang rất sáng tạo với đủ kiểu khuyến khích khác nhau, từ tặng quà tới xổ số. Có lẽ CDC cũng muốn tham gia vào trò chơi này để ghi điểm nên họ đưa ra cái khuyến nghị này nhằm tạo ra một "củ cà rốt" mới để dụ dỗ những người chưa chịu tiêm ngừa.
Cho tới giờ, có vẻ như số người chịu tiêm ngừa cũng chưa chịu tăng, chính phủ đã phải dựng lên những địa điểm tiêm ngừa dã chiến ở khắp nơi, bất kỳ ai tới cũng đều được tiêm mà không phải hỏi han gì cả. Thậm chí các tình nguyện viên biết các loại ngôn ngữ không phải tiếng Anh giờ đã bắt đầu gõ cửa từng nhà để hỏi xem có ai cần tiêm hay không.
Củ cà rốt của CDC vì vậy chỉ khiến mọi thứ rối tung lên thêm. Người không tiêm chủng nhưng vẫn không đeo khẩu trang có thể sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho các biến thể Covid-19 sinh sôi nảy nở. Còn việc vaccine có chống đỡ được các biến thể mới hay không thì cũng chưa ai rõ.
Ở thời điểm này, các khuyến nghị của CDC vẫn chỉ là khuyến nghị. Việc người dân đeo khẩu trang ở đâu vẫn còn nằm trong tay của từng tiểu bang và vì vậy ở California người dân vẫn đeo khẩu trang khi ra ngoài mua sắm, trừ khi ngồi ăn ở nhà hàng.
Nhiều người lưu luyến khẩu trang vì những lý do không liên quan tới dịch bệnh. Không phải trang điểm, yên tâm với khuôn mặt ủ dột và không phải trị mụn là một vài ưu điểm của khẩu trang. Các thành phố lớn ở Mỹ ít có bụi bặm và người dân đa phần ngồi trong xe hơi, cái khẩu trang ngày trước quả thật rất không cần.
Có lẽ CDC muốn hướng người dân về những ngày tươi đẹp cũ. Những ngày tươi đẹp đó chỉ có thật khi Covid-19 không tồn tại. Ở thời điểm này, bệnh tật vẫn đang hoành hoành, kể cả trên nước Mỹ với khoảng 300 người chết mỗi ngày.
Vội vã chia tay bức tường thành quan trọng là cái khẩu trang có thể khiến người Mỹ trả giá đắt thêm một lần nữa.
Theo vnexpress