leftcenterrightdel
 Việc nhường ghế cho phụ nữ mang thai là điều được khuyến khích nên làm khi dùng phương tiện công cộng.
 

Nina Eleana (sống tại Singapore) bày tỏ sự phẫn nộ trên mạng sau khi không được nhường chỗ ngồi trên xe buýt. Trong đoạn video dài 18 giây, người phụ nữ mang thai 37 tuổi chia sẻ cô bị va đập, xô đẩy trên chiếc xe đông đúc, chật hẹp, Asia One đưa tin.

Theo Nina mô tả, các ghế ưu tiên trong cabin đều chật kín người. Không ai trong số các hành khách đang ngồi đứng lên nhường lại ghế cho cô.

"Tôi đoán do bụng tôi chưa to lắm nên không được ưu tiên trên các phương tiện giao thông công cộng", cô nói.

Đoạn clip của Nina thu hút hơn 20.000 lượt xem và tạo ra hai luồng tranh cãi trái chiều.

Trong phần bình luận, một số dân mạng đã chỉ trích bà mẹ này vì cho rằng yêu cầu của cô là quá đáng.

"Tất cả đều là khách hàng và trả tiền ngang nhau. Cô ấy đang làm xấu mặt giới văn phòng bằng video đó", một người dùng chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Nina phàn nàn trên mạng vì không được nhường chỗ ngồi trên xe buýt. Ảnh:Asian One.
 

Một tài khoản cho hay vấn đề là do Nina không mở lời nhờ hành khách trên xe nhường chỗ.

"Đôi khi tôi quá mệt mỏi sau một ngày dài làm việc và cần thư giãn nên không để ý xung quanh. Nếu cần chỗ ngồi thì chỉ cần hỏi, có thể họ không biết tình trạng của bạn lúc đó như thế nào. Nhiều người còn quá dán mắt vào điện thoại và không quan sát trên xe", người này nói.

Các bà mẹ khác cũng chia sẻ kinh nghiệm của bản thân về việc không được nhường ghế khi dùng phương tiện công cộng trong thời gian mang thai.

“Ở Singapore, việc mọi người ngủ gục và chỉ thức dậy khi đến điểm dừng là điều bình thường. Nhưng những trường hợp cố tình không giúp đỡ người già, trẻ em và phụ nữ mang thai thì thật không lịch sự, thiếu đồng cảm”, một phụ nữ bày tỏ.

Gần đây, những cuộc xung đột của hành khách trên các hệ thống giao thông ở đảo quốc sư tử xảy ra ngày càng nhiều.

Vào tháng 3, người dân Singapore từng tranh cãi nảy lửa về vụ mâu thuẫn giữa một ông cụ và thanh niên nhập cư trên tuyến North-East.

Cả hai cãi nhau về chỗ ngồi ưu tiên và nói những lời lẽ thô tục, xúc phạm đối phương.

“Tôi không biết ai đúng ai sai. Nhưng hai người này đều có lỗi. Việc đánh nhau trên tàu là điều hoàn toàn không cần thiết”, một nhân chứng cho biết.

Theo Direct Asia, hầu hết phương tiện giao thông công cộng ở nhiều quốc gia đều có chỗ ngồi ưu tiên được dán nhãn rõ ràng. Người dân được khuyến khích nhường ghế cho người khuyết tật, người già, phụ nữ mang thai hoặc những ai cần hơn.

Ở đảo quốc sư tử, cho đến nay vẫn chưa có luật nào cấm người bình thường ngồi vào những chỗ này, bất kỳ ai đều có thể sử dụng chúng.

leftcenterrightdel
 Nhiều người cho rằng chỗ ưu tiên nên được bỏ trống nhưng một số khác lại nghĩ điều này không cần thiết. Ảnh:Mothership.
 

Ghế ưu tiên được áp dụng lần đầu ở Bắc Âu với mục đích mang đến một môi trường công bằng cho mọi hành khách. Sau đó, ý tưởng này lan tỏa đến các quốc gia khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, Singapore…

Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, việc tránh ngồi ở hàng ghế ưu tiên đã trở thành một chuẩn mực văn hóa, xã hội. Người dân xứ củ sâm hạn chế ngồi vào đó ngay cả khi tàu đã đầy vì họ tin rằng sẽ để lại nó cho những người cần hơn.

Còn tại Đài Loan và Hong Kong (Trung Quốc), đa số giới trẻ sẽ không muốn ngồi vào chúng vì sợ bị đánh giá về mặt đạo đức.

Theo zingnews