Sử sách truyền rằng, vào năm 1040, vua Lý Thái tông sai đón thợ vào hoàng thành dạy cung nữ dệt gấm vóc và xuống chiếu phát hết gấm vóc mua của nhà Tống ở trong kho cho quần thần, để tỏ ý hoàng tộc sẽ dùng hàng quốc nội, không dùng gấm vóc của Trung Quốc nữa, mục đích đề cao nền tự chủ của Đại Việt. Từ đó người trong kinh đua nhau dùng vải lụa trong nước khiến nghề dệt ở kinh đô phát triển mạnh.

Từ Hoa công chúa từ nhỏ đã hay lui tới tham gia làm việc trong các nhà tằm của cung nữ. Thấy con say mê với nghề tằm tang, năm 1138, vua Thần tông xây dựng cung riêng cho nàng ở ven hồ Dâm Đàm (Hồ Tây, Hà Nội) cho đưa theo các cung nữ ra lập một khu trại gọi là trại Tàm Tang. Tại đây cô công chúa nhỏ thỏa thích sống cùng những bãi dâu, nong tằm và tiếng thoi đưa lách cách suốt đêm ngày. Vì vậy đến khi trưởng thành, công chúa đặc biệt giỏi nghề nuôi tằm dệt lụa, bà đem nghề truyền dạy và khuyến khích dân trong vùng phát triển nghề, tạo nên một vùng đất nổi tiếng của kinh thành Thăng Long về nghề tơ tằm.

Sau khi công chúa qua đời, dân trong vùng lập đền thờ, tôn bà làm bà chúa nghề tằm tang. Từ trại Tàm Tang thời Lý, một ngôi làng chuyên nghề trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa ra đời. Thời Lê, làng này được đổi gọi là làng Nghi Tàm – một ngôi làng nổi tiếng ở kinh đô (nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội). Cung Từ Hoa, nơi công chúa sống, đến thời Trần được xây thành chùa Kim Liên – một danh lam nổi tiếng ven Hồ Tây.

(Phụ nữ Việt Nam trong lịch sử - NXB Phụ nữ)