Trong tranh, bé Thúy ngồi khép nép trên chiếc ghế mây,hai tay đặt vào nhau ở đùi,đôi vai gầy nhỏ bé, gương mặt hướng về phía trước bằng đôi mắt trong veo,ánh lên niềm tin vào cuộc sống.Trong cái se se lạnh của Hà Nội buổi chớm đông, khi mà con người, vạn vật dường như đang trôi chậm lại, ánh mắt của Em Thúy càng khiến con người ta mong muốn được yêu thương, được sống lại với tuổi thơ êm đềm…

Tôi vẫn nhớ khi cơn gió mùa đông bắc đầu tiên tràn về, cây bàng đầu xóm lại bước vào mùa trút lá. Lũ trẻ rủ nhau đi nhặt những chiếc lá bàng đỏ chơi trò thả thuyền.Sau mỗi buổi chơi đùa chán chê cùng chúng bạn, tôi lại ghé vào ô cửa nhà bác họa sĩ già cùng xóm, xem bác ấy vẽ tranh…Ký ức ấy thật giản dị, nhưng đủ gieo trong lòng một đứa trẻ như tôi những tưởng tượng, ước mơ…Ký ức ấy đã nuôi dưỡng những tâm hồn nhỏ xíu như tôi, như bạn bè tôi một thuở, cho đến lúc lớn lên thì cứ mờ dần, nhạt dần… nhường chỗ cho bao lo toan.Bất chợt một ngày, có ai đó, hay một điều gì đó, từ chính cuộc sống này lại khiến trong tôi sống dậy bao nhiêu kỷ niệm.Như khi đứng trước bức tranh Em Thúy…

Tôi hiểu vì sao nhạc sĩ người Anh Paul Zetter lại bị hút hồn đến thế trước bức tranh. Ông đã thể hiện cảm xúc của mình bằng âm nhạc và bản Khúc minuet dành cho Em Thúy đã ra đời. Bản nhạc có những cao trào như một cơn bão, là cảm nhận mãnh liệt của tác giả khi đứng trước ánh mắt nhìn trong trẻo đến diệu kỳ ấy của một cô bé Việt Nam. Ông từng chia sẻ, ánh mắt của Em Thúy đã chạm vào và tạo nên những xáo động nội tâm để mỗi người như được gặp lại tuổi thơ của mình…

Có thể nói, bằng những nét vẽ tài năng, họa sĩ Trần Văn Cẩn đã lưu giữ cho Em Thúy một khoảnh khắc vĩnh cửu. Phải chăng đó cũng chính là cách để họa sĩ tìm lại thời gian đã mất của mình? Phải chăng, dáng vẻ ngây thơ của Em Thúy đã ẩn giấu khát vọng mãnh liệt trong trái tim ông: Được quay lại những tháng ngày của hồn nhiên, thơ ấu, của ngọt ngào, sáng trong không lấm bụi?

Thực tế nhận vật “Em Thúy” trong tranh là cháu gái của họa sĩ Trân Văn Cẩn có tên là Minh Thúy.Mặc dù có nhiều tác phẩm nổi tiếng, song “Em Thúy có thể coi tác phẩm thành công nhất của họa sĩ. Không chỉ có vậy, “Em Thúy còn được coi là một trong những tác phẩm chân dung thành công nhất của Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20.

Trong chiến tranh chống Pháp, bức “Em Thúy” đã bị lấy trộm và gia đình phải bỏ tiền để chuộc lại bức tranh từ một người buôn tranh. Sau đó “Em Thúy” được họa sĩ Trần Văn Cẩn tặng lại cho Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam. Trải qua hơn 60 năm, bức tranh bắt đầu bị hư hại, xuống cấp. Đến năm 2003, Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam đề nghị đưa tuyệt tác này ra nước ngoài để phục chế, tuy nhiên không được cho phép. Một năm sau, một chuyên gia phục chế người Úc - Caroline Frry được mời về Việt nam để tiến hành việc phục chế tại Bảo tàng. Hiện nay bảo vật quốc gia - tuyệt tác “Em Thúy” đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

 

Họa sĩ Trần Văn Cẩn (1910-1994) là một trong bộ tứ danh họa hàng đầu của nền mỹ thuật, hội họa Việt Nam. Các tác phẩm nổi tiếng của ông có: “Em Thúy”, “Gội đầu”, “Nữ dân quân vùng biển”, “Chân dung bác thợ lò”, “Thiếu nữ áo trắng”, “Tát nước đồng”…

Với bức “Gội đầu”, Trần Văn Cẩn đã đưa nghệ thuật khắc gỗ dân tộc lên một đỉnh cao mới. Tiếp thu phương pháp nghệ thuật hàn lâm phương Tây nhưng Trần Văn Cẩn tìm được cho mình một bản sắc nghệ thuật Việt Nam nhuần nhụy qua việc học tập, nghiên cứu kỹ lưỡng và công phu vốn cổ dân tộc qua tranh dân gian Hàng Trống,Đông Hồ, điêu khắc dân gian... bức tranh diễn tả một cô gái khỏa thân trên, dáng và bố cục đẹp. Trong khi quan niệm phương Đông còn cho rằng: Phụ nữ gắn liền với phận liễu yếu đào tơ, thân hình mảnh dẻ,Trần Văn Cẩn không thế, ông nhìn ra vẻ đẹp khỏe mạnh, ngồn ngộn sức sống phồn thực của người con gái Việt Nam lao động đang làm công việc “tẩy trần” sau một ngày cực nhọc.Đấy là một cái nhìn mới mẻ của Trần Văn Cẩn. Mái tóc cô gái cũng rất khỏe, xanh, dày, và thẳng. Với tranh khắc gỗ, Trần Văn Cẩn đã khai thác tối đa những thế mạnh đặc thù của chất liệu: Sử dụng nét một cách kinh tế, kết hợp với những mảng màu tĩnh dịu, hoà sắc tươi, nhẹ nhàng, thanh khoát như một khúc ca trữ tình đang ngân nga biểu cảm.Ở đó ta bắt gặp một thế giới thật bình yên, mát mẻ, phảng phất đâu đó hương thơm dịu từ mái tóc, da thịt người con gái, mang đến cái cảm giác lâng lâng nhe nhẹ, tao nhã và thi vị. “Gội đầu” là kết tinh của một tâm hồn nhạy cảm và tài nghệ của một bút pháp lớn: Bút pháp bậc thầy khiến tác phẩm của Trần Văn Cẩn vừa sâu sắc, ý nhị vừa dung dị nhưng cũng đầy chất thơ.

Một số tác phẩm khác về đề tài người phụ nữ của danh họa Trần Văn Cẩn

Tranh khắc gỗ “Gội đầu”

Tranh sơn dầu “Nữ dân quân vùng biển” - 1960

Tranh lụa “Con đọc bầm nghe”

Theo Báo  Phụ nữ Việt Nam