leftcenterrightdel
Trẻ em vui đùa ở công viên 

Trên Tạp chí Y học New England vào ngày 15/6, bà Kari Nadeau - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dị ứng và hen suyễn thuộc Đại học Stanford, một thành viên của nhóm nghiên cứu - cho biết: “Mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể trong việc giảm thiểu tác động môi trường dẫn đến đói nghèo trong những thập niên gần đây, nhưng ô nhiễm từ quá trình công nghiệp hóa vẫn đang gia tăng". 

“Mỗi trẻ em trên thế giới đều phải chịu ít nhất một sự kiện liên quan đến biến đổi khí hậu trong 10 năm tới", bà Nadeau cảnh báo. 

Thông qua hàng chục cuộc nghiên cứu về mối quan hệ tác động qua lại giữa nhiên liệu hóa thạch và sức khỏe trẻ em, các nhà khoa học nhận thấy rằng để bảo vệ sức khỏe của trẻ em, các chuyên gia y tế cần phải hiểu rõ những tác nhân có hại mà các em phải đối mặt.

Một trong những tác nhân này là nhiệt độ cực cao. Việc tiếp xúc với sóng nhiệt trong tử cung có thể khiến trẻ tăng nguy cơ bị sinh non và nhẹ cân, tăng thân nhiệt và tử vong sau khi được sinh ra, cũng như mắc bệnh thận, theo các nhà nghiên cứu.

Trong khi đó, các sự kiện liên quan đến khí hậu đã góp phần khiến hơn 50 triệu trẻ em trên toàn thế giới bị buộc phải di dời chỗ ở. Chỉ riêng tại Mỹ, số người phải di dời vì lý do này trong năm 2020 là hơn 900.000, trong đó có nhiều trẻ em.

Về chất lượng không khí, các nhà khoa học ước tính rằng trong giai đoạn 2008-2012, 7,4 triệu trẻ em Mỹ đã tiếp xúc với khói lửa do cháy rừng có thể gây hại cho phổi mỗi năm, vì những đám cháy rừng đã xảy ra thường xuyên hơn.

Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh, khoảng 1 tỷ trẻ em trên toàn cầu đang phải tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí rất cao, điều này dẫn đến gia tăng nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh, và những hệ quả bất lợi sau khi trẻ được sinh ra, như bệnh đường hô hấp, rối loạn phát triển và các vấn đề về nhận thức.

Theo nghiên cứu, các nước đang phát triển đang phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực do biến đổi khí hậu, dẫn đến số trẻ bị suy dinh dưỡng gia tăng mạnh, làm chậm sự phát triển cả về thể chất và tinh thần của các em. Các nhà khoa học cảnh báo, những tình trạng này cũng làm trầm trọng thêm nguy cơ lây nhiễm từ các mầm bệnh trong nước như Salmonella.

Chẳng hạn, tại Mỹ, tỷ lệ sinh non ở phụ nữ da màu cao hơn 50% so với phụ nữ da trắng, trong khi tỷ lệ trẻ da màu mắc bệnh hen suyễn cao hơn gấp đôi so với trẻ em da trắng, theo nghiên cứu.

“Những tác động này và các tác động môi trường khác, cùng với sự căng thẳng liên quan đến đói nghèo, bất bình đẳng và thiếu khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đang kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, và làm cho tuổi thọ bị rút ngắn", bà Nadeau cảnh báo.

Theo phunuonline