Phóng viên Reuters mặc đồ bảo hộ tác nghiệp tại Cửu Giang - Ảnh: REUTERS
Nhóm phóng viên đã đến được thành phố Cửu Giang, thuộc tỉnh Giang Tây, giáp với Hồ Bắc. Mọi tuyến giao thông vận tải ra vào Hồ Bắc đều bị chặn.
"Chúng tôi đang đi taxi dọc tuyến đường chính đến điểm đến tiếp theo, một cây cầu bắc qua sông Dương Tử, nơi có một chốt kiểm soát… Rồi chúng tôi nhìn thấy một chiếc xe cảnh sát chạy song song với chúng tôi. Một giọng nói trên loa phát thanh yêu cầu tài xế của chúng tôi tấp vào", hai phóng viên Martin Pollard và Thomas Peter của Hãng tin Reuters kể lại.
Việc bị chặn hỏi hay thậm chí bị tạm giữ đã trở thành chuyện quen thuộc trong hành trình 12 ngày dọc ranh giới các tỉnh giáp Hồ Bắc của nhóm phóng viên Reuters. Họ tới đây để ghi lại cuộc sống người dân bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19).
Tại Cửu Giang, họ bị cảnh sát kiểm tra hộ chiếu và giấy phép tác nghiệp báo chí. Rồi họ được yêu cầu xuống xe và bị hỏi về kế hoạch đưa tin.
"Đây là khoảng thời gian đặc biệt", một viên cảnh sát lặp lại điều mà họ đã nghe nhiều lần trước đó.
Nhóm phóng viên gặp một phụ nữ tầm 50 tuổi từ Hồ Bắc xin các nhân viên an ninh tại chốt kiểm soát ở sông Dương Tử cho phép con gái bà đi qua chốt để tìm nơi điều trị căn bệnh máu trắng, bởi tất cả bệnh viện ở tỉnh này đều bị quá tải bởi dịch COVID-19. Họ sau đó cũng được phép đi qua.
Một bà mẹ cầu xin đưa con gái qua chốt chặn ở Cửu Giang để đi chữa bệnh ung thư - Ảnh: REUTERS
Nhưng với các phóng viên của Reuters, hành trình tác nghiệp của họ luôn được chú ý.
Nhiều bạn bè và người thân lo lắng cho họ khi tiến về vùng dịch. Nhưng họ luôn ý thức việc bảo vệ bản thân. "Chúng tôi áp dụng các biện pháp phòng ngừa, như luôn mang khẩu trang, nước rửa tay và mặc trang phục bảo hộ toàn thân, đeo găng tay và kính bảo vệ tại những khu vực có nguy cơ cao", nhóm cho biết.
Nhưng thách thức không kém là vượt qua các rào chắn để đi vào vùng dịch.
"Trong gần hai tuần, chúng tôi bị chặn và hỏi chuyện bên lề đường, nhà ga tàu và khách sạn. Đôi lúc, người địa phương gọi cảnh cảnh sát đến kiểm tra khi nhìn thấy những người nước ngoài như chúng tôi trên đường. Nhân viên khách sạn báo cáo về các hoạt động của chúng tôi. Họ được yêu cầu khai báo khi phóng viên nước ngoài nhận phòng. Cảnh sát và các quan chức khác đến khách sạn của chúng tôi bất kể giờ nào.
Có lúc, một trong số chúng tôi bị chặn ở một ga tàu trong một giờ vì chụp hình các nhân viên y tế đo nhiệt độ các hành khách đến ga. Chúng tôi bị yêu cầu xóa ảnh vì vấn đề an ninh quốc gia", nhóm phóng viên Reuters kể lại.
Đêm cuối cùng trong hành trình của họ là tại tỉnh An Huy trước khi trở về Bắc Kinh và chịu cách ly 14 ngày tại nhà. "Năm nhân viên ngăn chúng tôi rời khách sạn để gặp một người giao đồ ăn", họ cho biết.
Chốt chặn trên cầu bắc qua sông Dương Tử ở Cửu Giang, Giang Tây, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết tính đến hết ngày 16-2, toàn Trung Quốc đại lục có 2.048 ca nhiễm mới và 105 ca tử vong.
Riêng tại Hồ Bắc ghi nhận 1.933 ca nhiễm bệnh mới và 100 ca mới tử vong. So với ngày hôm trước, số ca nhiễm mới ở Hồ Bắc tăng gần 5%, nhưng số ca tử vong giảm từ 139 xuống còn 100 ca.
Đến nay, toàn tỉnh Hồ Bắc có 58.182 ca nhiễm và 1.696 ca tử vong, trong đó thành phố Vũ Hán chiếm 71% số trường hợp mắc bệnh và 77% số ca tử vong.
Theo tuoitre