leftcenterrightdel
 Bà Jen Easterly - Giám đốc Cơ quan An ninh mạng và cơ sở hạ tầng Mỹ

Để định hình sự phát triển của AI, 18 quốc gia bao gồm Anh, Australia, Canada, Chile, CH Czech, Estonia, Pháp, Đức, Israel, Italy, Nhật Bản, New Zealand, Nigeria, Na Uy, Ba Lan, Hàn Quốc, Singapore và Mỹ vừa thống nhất thỏa thuận dài 20 trang. Tài liệu đưa ra các hướng dẫn mới về phát triển an toàn hệ thống trí tuệ nhân tạo. Qua đó, giúp các nhà phát triển của bất kỳ hệ thống nào sử dụng AI đưa ra quyết định sáng suốt về an ninh mạng ở mọi giai đoạn của quá trình phát triển. Nó áp dụng cho dù kế hoạch được phát triển từ đầu, hay được xây dựng bằng cách sử dụng các công cụ và dịch vụ do các nguồn bên ngoài cung cấp.

Các hướng dẫn trong thỏa thuận được Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) của Anh, Cơ quan An ninh mạng và cơ sở hạ tầng Mỹ (CISA) hợp tác xây dựng, cùng làm việc với các chuyên gia trong ngành và 21 cơ quan quốc tế trên toàn thế giới. Nỗ lực toàn diện này còn có sự tham gia của đại diện các quốc gia thành viên Nhóm G7 và Nam bán cầu.

Mặc dù thỏa thuận không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý nhưng nó bao gồm các khuyến nghị rộng rãi. Những đề xuất này bao gồm giám sát các hệ thống AI để tránh nguy cơ lạm dụng, bảo vệ dữ liệu khỏi bị giả mạo và đánh giá kỹ lưỡng các nhà cung cấp phần mềm. Theo Giám đốc CISA Jen Easterly, điều quan trọng là nhiều quốc gia đã tán thành nguyên tắc ưu tiên an toàn trong các hệ thống AI.

Hiện Liên minh châu Âu (EU) đang được đánh giá là khu vực đi đầu về các quy định liên quan đến AI. Các nhà lập pháp ở châu Âu đã soạn thảo các quy tắc về AI và hy vọng sẽ chính thức có bộ luật quản lý AI đầu tiên trên thế giới vào cuối năm nay.

Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cũng thống nhất Bộ Quy tắc ứng xử 11 điểm dành cho các công ty phát triển AI, hướng dẫn quản lý những hệ thống AI tiên tiến nhất và hệ thống AI tạo sinh.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng hối thúc các nhà lập pháp đưa ra quy định về AI nhưng Quốc hội chia rẽ nên đạt được ít tiến bộ trong việc này. Nhà Trắng tìm cách giảm rủi ro từ AI cho người tiêu dùng, người lao động và các nhóm thiểu số. Đồng thời củng cố an ninh quốc gia bằng sắc lệnh toàn diện đầu tiên về AI vào tháng 10. Theo đó, các công ty phát triển AI phải thông báo cho chính phủ Mỹ theo Đạo luật sản xuất quốc phòng (DPA) nếu chương trình AI đang phát triển gây ra các rủi ro về an ninh quốc gia, nền kinh tế địa phương hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã công bố thành lập Ban cố vấn AI quy tụ 39 thành viên là các giám đốc công ty, quan chức chính phủ và các học giả, với nhiệm vụ đưa ra hướng quản lý AI ở tầm quốc tế.

leftcenterrightdel
Đến năm 2028, giá trị thị trường AI có thể vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD 

Theo nghiên cứu của nền tảng trực tuyến Đức chuyên thu thập và trực quan hóa dữ liệu Statista, thị trường AI toàn cầu sẽ tăng trưởng 54% mỗi năm. Dự đoán, đến năm 2028, giá trị thị trường AI có thể vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD. Điều đó đồng nghĩa rằng việc xây dựng hành lang pháp lý nhằm kiểm soát AI ngày càng cấp thiết trên thế giới.

Ngoài nỗ lực của từng quốc gia, hợp tác quốc tế rộng rãi hơn trong quản lý là cần thiết nhằm bảo đảm phát huy tính ưu việt của AI và ngăn chặn nguy cơ tiềm ẩn khi siêu công nghệ này được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực.

Theo vietnamplus