leftcenterrightdel
 Những công việc ổn định không còn hấp dẫn với người trẻ Trung Quốc. Ảnh:AFP.

Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 2021, Fang Yu (25 tuổi) chọn công việc bấp bênh, thiếu ổn định, thay vì tìm kiếm một vị trí việc làm nhàm chán trong lĩnh vực anh không quan tâm.

Fang bắt đầu sự nghiệp ở tuổi 25 với tư cách là ca sĩ tại các quán bar ở Hàng Châu, miền Đông Trung Quốc. Dù được trả lương không cao, Fang vẫn cảm thấy hài lòng vì bản thân được tự do.

"Yêu cầu về trình độ giáo dục trong các ngành nghề đang tăng cao, chúng tôi càng có ít cơ hội hơn trước. Thay vì bán mạng để kiếm tiền, tôi quyết định chỉ làm những điều mình thích", Fang nói với South China Morning Post.

Chàng trai cho biết thêm nhiều bạn học của anh đã phải vật lộn tìm việc sau khi tốt nghiệp. Những người "may mắn" đó luôn phải làm việc ngoài giờ. Đây là một điều khủng khiếp đối với người có tâm hồn tự do như Fang Yu. 

Làm freelancer vì muốn tự do

Fang Yu không phải trường hợp duy nhất theo đuổi tự do trong công việc. Theo một báo cáo của iiMedia Research được công bố vào tháng 3/2022, hơn 200 triệu người lao động ở Trung Quốc đang làm việc tự do. Đặc biệt, vào năm 2021, hơn 16% sinh viên Trung Quốc mới tốt nghiệp đã tự xếp mình vào nhóm freelancer.

Khoảng 48,7% người được hỏi nói rằng họ chọn công việc linh hoạt vì được tự do quản lý thời gian.

Xu hướng việc làm này phát triển cũng có lý do của nó. Trung Quốc đang đối mặt với thị trường việc làm ảm đạm trong một nền kinh tế đang suy yếu. Do đó, làm việc tự do, hay bỏ việc để "nằm yên" là những cách giúp giới trẻ Trung Quốc cảm thấy họ có thể giành quyền tự chủ.

Năm 2022, Trung Quốc ghi nhận kỷ lục mới với 10,76 triệu cử nhân tham gia thị trường lao động. Điều này gây áp lực lớn lên Bắc Kinh.

Theo thống kê trong tháng 8, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm người từ 16-24 tuổi tại Trung Quốc là 18,7%, cao gấp đôi so với nhóm đối tượng này tại Mỹ.

"Nằm yên" vì không còn cơ hội

He Jiazhi (26 tuổi) vừa bị sa thải vào tháng 4 sau 2 năm làm giáo viên tiểu học tại một thị trấn nhỏ ở phía bắc Nội Mông. Kể từ khi gia nhập lại thị trường việc làm, He cảm thấy tính cạnh tranh hiện nay cao hơn nhiều so với trước đây.

Trước đây, He có thể dễ dàng tìm kiếm việc. Nhưng sau khi nghỉ việc ở trường tiểu học và tìm việc mới, mọi việc lại khó khăn hơn vì các công ty đều yêu cầu bằng cử nhân. Bằng cấp hiện tại của He lại không đáp ứng đủ những yêu cầu đó.

Dù không tìm được việc, He Jiazhi vẫn không quá lo lắng vì anh đang cố cắt giảm chi phí sinh hoạt. Thiếu cơ hội làm việc, chàng trai 26 tuổi chọn "nằm yên".

Tâm lý "nằm yên", tức là chỉ làm việc ít có thể để kiếm đủ sống qua ngày, đã trở nên thu hút giới trẻ Trung Quốc trong 2 năm qua và trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi.

Do chán ngán với những giờ làm việc đầy mệt mỏi, triển vọng kinh tế lại ảm đạm, những người trẻ chọn cách chỉ phấn đấu cho những điều thực sự cần thiết. Điều này cũng trở thành một xu hướng mới trên mạng xã hội tại đất nước tỷ dân.

Người trẻ Trung Quốc thành lập một nhóm trên Douban với tên gọi "Cắt giảm chi tiêu". Hội nhóm này thu hút hơn 360.000 thành viên, hơn 340.000 trong số đó đã tham gia vào nhóm "không mua". Tại đây, người trẻ cùng nhau thảo luận về cách cắt giảm chi tiêu, hạn chế mua sắm. Bối cảnh kinh tế ảm đạm, đầy thách thức đã khiến những người lao động trẻ phải giảm kỳ vọng về mức lương.

Lứa sinh viên mới tốt nghiệp năm 2022 chỉ kỳ vọng nhận được 6.295 nhân dân tệ (tương đương 884 USD) cho mỗi tháng làm việc. Theo công ty tuyển dụng Zhilian, mức kỳ vọng này giảm 6% so với năm 2021.

Môi trường nhà nước không còn hấp dẫn

Làm công chức nhà nước là ước mơ, mục tiêu của nhiều người. Nhưng giờ đây, môi trường này cũng không còn lý tưởng như trước, dù số người thi vẫn tăng theo từng năm.

Năm 2022, Trung Quốc ghi nhận hơn 2,1 triệu người tham dự kỳ thi công chức, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo thống kê, khoảng 1,39 triệu người vượt qua kỳ thi, nhưng chỉ 26.000 người được vào biên chế nhà nước. Điều này có nghĩa là trung bình 37 thanh niên đang cùng cạnh tranh cho một vị trí trong môi trường nhà nước.

Môi trường này tạo ra công việc ổn định, nhưng sự ổn định này vẫn không đủ hấp dẫn để giữ chân người trẻ.

Tháng 6/2021, Li Yutong 927 tuổi) đã từ chức sau 4 năm làm kế toán cho một doanh nghiệp nhà nước ở Thượng Hải. Đối với Li, môi trường làm việc truyền thống không hề hấp dẫn.

"Những người ở đây có suy nghĩ, quan điểm lỗi thời. Điều này không giúp sự nghiệp của tôi phát triển được", Li nói.

Công ty nhà nước nhàm chán vì lối tư duy lỗi thời, công ty tư nhân lại rơi vào tình trạng bị người lao động ngó lơ vì văn hóa làm thêm giờ không còn được đón nhận.

Zhao Wenyao, người có 11 năm làm việc trong ngành bán hàng, đã nghỉ làm vì cảm thấy việc mọi người bán mạng vì tiền hoàn toàn không đáng.

Nghỉ việc khiến Zhao lo lắng vì thu nhập giảm, nhưng "nằm yên" lại cho phép cô có thời gian để quay về với những điều yêu thích trong cuộc sống. Zhao nhận định hiện nay, nhiều người đang sống như những con robot không có linh hồn, thiếu tình yêu và đam mê thực sự với công việc.

Nói về lứa sinh viên mới tốt nghiệp, Phó giáo sư Lu Yu tại Đại học Bách khoa Hong Kong nghĩ rằng nhóm đối tượng này bị ảnh hưởng bởi đại dịch và những diễn biến tiêu cực của nền kinh tế toàn cầu. Sự dịch chuyển xã hội (vươn lên một tầng lớp giàu có hơn - PV) cũng khó khăn hơn.

Trước tình cảnh này, người trẻ động viên bản thân để theo đuổi lối sống khác.

"Khi người trẻ tìm thấy những thông điệp khác trong cuộc sống thông qua những suy ngẫm và cảm hứng, họ có thể chọn sống một cuộc sống khác, trọn vẹn hơn", Phó giáo sư Lu phân tích.

Theo zingnews