Tiền vệ Nguyễn Thị Tuyết Dung
Tiền vệ Nguyễn Thị Tuyết Dung của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam
Chương trình “100 phụ nữ” của BBC hàng năm vinh danh 100 phụ nữ có ảnh hưởng và truyền cảm hứng trên toàn thế giới. Năm 2017, các phụ nữ được đề cử theo 4 chủ đề: rào cản vô hình (khiến phụ nữ không phát huy được khả năng như nam giới), thất học trong nữ giới, bị lạm dụng ở nơi công cộng và phân biệt nam nữ trong thể thao.
Tiền vệ Nguyễn Thị Tuyết Dung của Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam vừa được đưa vào danh sách 100 phụ nữ truyền cảm hứng trong chương trình “100 phụ nữ” của BBC. Nguyễn Thị Tuyết Dung (24 tuổi) được đánh giá là cầu thủ xuất sắc của đội tuyển nữ Việt Nam. Bắt đầu sự nghiệp bóng đá năm 13 tuổi, Tuyết Dung vượt qua nhiều rào cản trong thể thao và đoạt giải Quả bóng vàng Việt Nam 2014 và Cầu thủ xuất sắc nhất 2014. Người hâm mộ chắc chắn không thể quên 2 siêu phẩm của Tuyết Dung đá phạt góc bằng 2 chân ở 2 góc khác nhau thành bàn, trong trận đấu giữa tuyển nữ Việt Nam và Malaysia hồi AFF Cup 2015 trên sân Thống Nhất.
Tuyết Dung được đề cử vì cô là nguồn cảm hứng cho nhiều em gái nữ muốn tham gia vào bóng đá nữ chuyên nghiệp nói riêng và thể thao nói chung. Những thành tích cô đạt được đã góp phần tăng uy tín và ủng hộ cho bóng đá nữ Việt Nam, làm giảm sự phân biệt nam nữ trong thể thao ở nước này.
Tuyết Nhung chia sẻ: "Chúng tôi phải nỗ lực nhiều gấp đôi vì phụ nữ luôn yếu hơn đàn ông. Đầu tư và tiền thưởng cho bóng đá nữ không thể nào so sánh được với bóng đá nam. Tôi hy vọng người hâm mộ sẽ đến phủ kín sân vận động để cổ vũ chúng tôi như những gì mà họ dành cho bóng đá nam. Sau khi được trao danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam, tôi thấy mình càng phải cố gắng phấn đấu để chinh phục được các giải thưởng cao quý khác".
Cô thủ thư khuyết tật dạy chữ cho người khiếm thị Huỳnh Thị XậmCô thủ thư khuyết tật Huỳnh Thị Xậm
Bên cạnh Tuyết Dung, người phụ nữ Việt Nam khác cũng có tên trong danh sách 100 phụ nữ 2017 của BBC là chị Huỳnh Thị Xậm (40 tuổi), quê Hậu Giang. Sinh ra đã không được may mắn như bao đứa trẻ khác khi một phần cơ thể bị khuyết tật, tới năm 15 tuổi mới được đi học nhưng với nghị lực của mình, Huỳnh Thị Xậm vẫn đứng vững trên đôi chân tật nguyền, trở thành một cô quản thư, cô giáo dạy chữ, một họa sĩ tài năng để sống thật ý nghĩa với bản thân, gia đình và xã hội.
Ngoài công việc trên thư viện hàng ngày, tại Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi ở huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh), thấy nhiều trường hợp khát khao học chữ nhưng không có điều kiện, cộng thêm sự động viên của lãnh đạo Trung tâm, chị Huỳnh Thị Xậm vẫn quyết định mở lớp dạy chữ cho mọi người. mỗi khi rảnh rỗi chị Xậm lại đến với các lớp học của trung tâm để chỉ dạy cho các em sau giờ học. Giúp đỡ các em trong cuộc sống hàng ngày.
Ngoài ra, hơn 10 năm qua, chị luôn luôn tìm tòi học hỏi, từ đồng nghiệp trong trung tâm và nâng cao kiến thức. Những bức tranh được vẽ bằng chân hay mới đây là tấm bằng tốt nghiệp ngành xã hội học của Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh là những thành tích đáng khích lệ đối với bản thân chị, gia đình, thầy cô và bạn bè. "Khi gặp khó khăn và thất bại, tôi không bao giờ nản chí. Nếu các bạn tiếp tục cố gắng, bạn sẽ đạt được mục tiêu", chị Xậm chia sẻ.
Bà Trần Thị Kim Thia - Người phụ nữ bán vé số dạy bơi miễn phí cho hơn 2,000 trẻ em vùng lũ Tháp Mười (Đồng Tháp)Bà Trần Thị Kim Thia dạy bơi cho trẻ em
Hiểu được nỗi đau của những gia đình có con bị đuối nước, bà Trần Thị Kim Thia (59 tuổi), ngụ ấp 4, xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười đã dùng lưới bao bọc dưới mé sông, dạy bơi miễn phí cho trẻ em địa phương.
Năm 1992, bà Thia được xã vận động làm cán bộ phụ nữ ấp và mỗi tháng nhận được phụ cấp 200.000 đồng. Nguồn sống chỉ bấy nhiêu không đủ nên hàng ngày bà Thia đành ra đại lý lãnh 70 -100 tờ vé số bán. Sau một thời gian, nhiều phụ huynh thấy bà dạy hiệu quả nên đưa con đến học ngày một nhiều, nay mở rộng ra 5 ấp, số học sinh tham gia cũng từ đó tăng lên gần 200 em/đợt.
Năm 2002, xã Hưng Thạnh triển khai dự án phổ cập bơi cho trẻ em, bà Thia được đề cử làm “huấn luyện viên”. Việc dạy bơi chủ yếu tập trung vào 3 tháng hè và chuẩn bị tâm thế cho các em đi học an toàn trong mùa lũ. Mỗi buổi bơi diễn ra 1,5 giờ mỗi ngày và khóa học kéo dài trong khoảng 10 -15 ngày. Địa điểm học là những kênh, sông trên địa bàn 5 ấp.
Trước mỗi mùa bơi, bà Thia đem cọc tre cắm dưới sông, sau đó dùng lưới bao quanh thành “hồ bơi” dạy các cháu. Mỗi chiếc “hồ bơi” có chiều ngang 4m, dài 8m, cao 2m. Hàng ngày, bà phải chạy xe gắn máy hàng cây số từ điểm nay qua điểm khác để dạy bơi cho học trò mà không lấy một đồng. Xong mỗi mùa dạy bơi, bà Thia được xã cấp hỗ trợ từ 1,5 - 2 triệu đồng, nhờ vậy mà có tiền đổ xăng. Thấy được tấm lòng của bà, nhiều phụ huynh gửi tiền nhưng bà nhất quyết từ chối. Tính đến nay, bà Thía đã dạy bơi cho hơn 2.000 trẻ em. "Tôi dạy bơi vì tôi yêu trẻ em và muốn cứu mạng", bà Thia tâm sự.
Kết thúc các khóa dạy bơi, bà Thia tiếp tục đi bán vé số, làm thuê, lột hạt sen... kiếm tiền nuôi thân. Ngoài ra, bà Thia còn làm Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ, cộng tác viên dân số đã gần 10 năm nay. Mỗi lần thấy hoàn cảnh nào khó khăn bà đi vận động tiền cho họ cất nhà, có gạo ăn.
Theo Phunuvietnam.vn