30 container điều mất kiểm soát được trả cho doanh nghiệp Việt
Cập nhật lúc 18:58, Thứ ba, 31/05/2022 (GMT+7)
30/35 container hạt điều mất kiểm soát đầu tháng 3 đều đã được tòa phán quyết trả lại cho công ty Việt Nam.
Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Đức Thanh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Italy cho biết, trong số 35 container mất bộ chứng từ gốc đã giải quyết được 30 container đưa về Việt Nam. Số hàng này sau đó được bán luôn cho các nước khác và đưa vào Italy.
Hiện còn 5 container nằm lại tại cảng Italy vì của 3 công ty không có đủ khả năng chuyển tiền đặt cọc để bảo lãnh ngân hàng cho các hãng tàu. Ho sẽ phải chờ phán quyết của Tòa trả lại sở hữu cho Việt Nam.
Đến 30/5, 3 công ty này đã nhận được phán quyết của Tòa án dân sự Larino và Công tố TP Napoli đã trả lại quyền sở hữu của 3 container của nhóm công ty lừa đảo nằm trong phạm vi tố tụng của tòa này. 2 container còn lại hãng tàu Cosco chưa đồng ý trả do chưa có đặt cọc và cũng chưa có phán quyết tương ứng của tòa khu vực.
"Các công ty cùng với luật sư và lãnh sự sẽ tiếp tục xử lý sự việc trên. Chúng tôi hy vọng 5 container cuối cùng trong số này sẽ được trả cho Việt Nam để bán cho khách hàng khác trong vài ngày tới", báo cáo của Thương vụ Italy cho hay.
Theo Thương vụ này, nhà chức trách và các bên liên quan đang yêu cầu các hãng tàu phải trả lại các khoản tiền đặt cọc để bảo lãnh ngân hàng (từ 18 tháng đến 6 năm thời hạn) cho các công ty xuất khẩu Việt Nam đã phải nộp trước đó khi chưa có phán quyết của tòa.
Trước đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt trong sự việc trên, tại cuộc điện đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Mario Draghi đã hứa hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị Italy sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), ủng hộ và thúc đẩy EU gỡ bỏ thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam (IUU).
35 container mất kiểm soát bắt đầu được phát hiện từ đầu tháng 3 khi 5 doanh nghiệp xuất khẩu nhận thấy nhiều dấu hiệu lừa đảo khi gửi hồ sơ nhờ thu tiền từ ngân hàng Việt Nam đến ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ. Số SWFIT (mã riêng của từng ngân hàng được sử dụng trong các giao dịch liên ngân hàng trên toàn cầu), bị thay đổi nhiều lần. Doanh nghiệp Việt chưa nhận được tiền, còn người mua, bằng cách nào đó, đã lấy được bộ chứng từ gốc.
Theo vnexpress