4 lời khuyên của chuyên gia Đức trong bảo vệ, chống quấy rối tình dục tại Việt Nam
Cập nhật lúc 21:07, Thứ năm, 04/10/2018 (GMT+7)
Tại Hội thảo “Phòng chống bạo lực giới tại nơi làm việc: Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế”, chuyên gia quốc tế - nữ tiến sĩ Sina Fontana đến từ Đức đưa ra những gợi ý, khuyến nghị cho Việt Nam trong việc thực thi pháp luật, nâng cao nhận thức và cách thức để bảo vệ phụ nữ khỏi quấy rối tình dục…
Hội thảo được tổ chức vào sáng 4/10, do Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Theo TS Dương Kim Anh - Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, Trưởng Khoa Giới và Phát triển: “Bạo lực trên cơ sở giới là bạo lực nhằm vào một người dựa trên cơ sở giới tính của người đó, là hậu quả của việc phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới và bất bình đẳng giới. Quấy rối tình dục là một hình thức bạo lực trên cơ sở giới, vi phạm quyền con người và nhân phẩm con người, chà đạp lên danh dự của người bị hại. Quấy rối tình dục gây ra những tác động vô cùng to lớn cho toàn xã hội nói chung và bản thân phụ nữ nói riêng, làm giảm hiệu quả công việc, gây mất tự tin và ảnh hưởng xấu tới thể chất và tinh thần của người bị hại. Vì vậy, quấy rối tình dục là hành vi phân biệt đối xử đáng lên án và không dung thứ…
Trong những năm qua, Việt Nam quan tâm hơn đến việc phòng chống quấy rối tình dục, trong đó có phòng chống quấy rối tình dục tại nơi công cộng và quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Bộ luật lao động năm 2012 của Việt Nam nhấn mạnh việc nghiêm cấm mọi hành vi quấy rối tình dụ tại nơi làm việc. Như vậy, quyết tâm đẩy lùi bạo lực giới và quấy rối tình dục tại nơi làm việc là mục tiêu quan tâm chung của Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, trong thực tế tình trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc diễn ra âm ỉ, nhức nhối, gây bức xúc cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ…”.
Tham dự hội thảo, tiến sĩ Sina Fontana đến từ Đại học Tổng hợp Georg August Gottinggen – Đức cho biết: “Tại Đức, bên cạnh việc đưa vấn đề bảo vệ, chống lại quấy rối tình dục vào khung pháp lý trong Luật Lao động, Luật chống phân biệt đối xử, Luật hình sự, Dân sự... thì còn tập trung vào việc thúc đẩy các phong trào như Meetoo; Xây dựng các Mô hình phòng ngừa và bảo vệ; Cung cấp thông tin về quyền, nghĩa vụ và tư vấn, hỗ trợ, tăng cường nhận thức thông qua các mối quan hệ cộng đồng; Đưa ra các biện pháp thể chế để ngăn ngừa quấy rối tình dục thông qua việc thành lập Văn phòng khiếu nại (chuyên nhận những báo cáo/phản ánh từ nạn nhân) đặc biệt trong đó có nhân viên phụ trách về cơ hội bình đẳng và hoạt động độc lập trong quá trình điều tra, bảo vệ quyền của nạn nhân…".
Sau những chia sẻ, nghiên cứu về bảo vệ, chống lại quấy rối tình dục tại Việt Nam, tiến sĩ Sina Fontana đã đưa ra 4 gợi ý: “Việt Nam có thể tập trung vào các vấn đề như:
- Cần có các tiêu chí rõ ràng để phân loại về quấy rối tình dục bằng việc xác định rõ được thuật ngữ quấy rối tình dục vào trong luật.
- Cần thiết lập các văn phòng khiếu nại. Bên cạnh việc nhận các khiếu nại về quấy rối tình dục, văn phòng khiếu nại đặc biệt là nhân viên về cơ hội bình đẳng có thể tư vấn cho người lao động về các câu hỏi phát sinh trong bối cảnh kỳ thị và đối xử bất bình đẳng tại nơi làm việc.
- Nâng cao nhận thức trong vấn đề bảo vệ, chống lại quấy rối tình dục nhằm khuyến khích phụ nữ khiếu nại và giúp người sử dụng lao động hiểu được trách nhiệm của họ nằm ở đâu trong việc bảo vệ không gian an toàn phụ nữ và người lao động nói chung…
- Đưa vấn đề bảo vệ, chống lại quấy rối tình dục vào trong Luật hình sự với những quy định về phòng ngừa, xử phạt ở mức tối đa…
Theo Phunuvietnam.vn