41 người chết trong vụ đắm tàu di cư ở Địa Trung Hải
Cập nhật lúc 01:51, Thứ sáu, 11/08/2023 (GMT+7)
Chính quyền Ý và các cơ quan của Liên hiệp quốc cho biết 41 người di cư được cho là đã chết, sau vụ đắm tàu vào tuần trước trên biển Địa Trung Hải, thông tin được những người sống sót cung cấp.
|
|
Lực lượng cứu hộ giúp người di cư lên thuyền ở phía nam đảo Lampedusa của Ý, vào ngày 5/8 |
3 cơ quan của Liên hiệp quốc cũng đã xác nhận thông tin trên các phương tiện truyền thông rằng, 4 người sống sót sau vụ đắm tàu đã nói với lực lượng cứu hộ rằng họ đang ở trên 1 chiếc thuyền chở 45 người, trong đó có 3 trẻ em.
Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Unicef và UNHCR cho biết những người sống sót gồm 1 cậu bé 13 tuổi, 1 phụ nữ và 2 người đàn ông, đã được đưa đến Lampedusa (Ý) vào ngày 9/8, sau 6 ngày lênh đênh trên biển sau vụ chìm thuyền.
Chiếc thuyền bị chìm đã khởi hành vào ngày 3/8 từ Sfax của Tunisia, một điểm nóng trong cuộc khủng hoảng di cư, nhưng bị lật và chìm trong đêm sau khi bị sóng lớn đánh.
Hội Chữ thập đỏ Ý và tổ chức cứu hộ từ thiện Sea-Watch cho biết, 4 người sống sót nhờ bám vào áo phao hoặc các thiết bị cao su bơm hơi khác. Sau đó, họ tìm thấy 1 chiếc thuyền trống khác trên biển, và lênh đênh vài ngày trên đó.
Những người di cư đến Lampedusa trong tình trạng kiệt sức, bị sốc và sẽ bị cảnh sát thẩm vấn. Họ được cho là không có thức ăn hoặc nước uống cho đến khi được giải cứu.
Địa Trung Hải là một trong những tuyến đường biển di cư nguy hiểm nhất thế giới. Theo IOM, hơn 22.000 người đã chết hoặc mất tích ở vùng biển này kể từ năm 2014.
Các cơ quan của Liên hiệp quốc cho biết, những người di cư khởi hành từ Tunisia trong những ngày gần đây phải đối mặt với điều kiện thời tiết khắt nghiệt, khiến hành trình của họ trên những chiếc thuyền càng trở nên nguy hiểm.
Vào ngày 6/8, lực lượng bảo vệ bờ biển Ý đã báo cáo 2 vụ đắm tàu khác, với 57 người sống sót, 2 người chết và hơn 30 người mất tích.
Theo phụ nữ TPHCM