Nhiều người dân New Zealand đứng ngoài hiện trường xảy ra xả súng ở khu vực Christchurch ngày 15/3, một số người may mắn thoát nạn. Ảnh: AP.

Đó là một buổi chiều tối thứ sáu, thời điểm các ngả đường tại thành phố Christchurch sẽ đông đúc hơn thường lệ. Đây cũng là ngày quan trọng đối với cộng đồng người Hồi giáo khi họ đồng loạt đổ về các thánh đường trên khắp New Zealand để cầu nguyện. Thế nhưng, bao trùm Christchurch buổi chiều tối ngày 15/3 là bầu không khí căng thẳng và lo sợ. 49 người đã chết trong hai vụ xả súng xảy ra tại thành phố Christchurch yên bình, hơn 40 người khác bị thương.

 

Và thành phố chỉ có chưa đến 400.000 dân bàng hoàng. Họ cứ nghĩ mình đang sống ở một thành phố yên bình, trong một đất nước bình yên bậc nhất thế giới. Thủ tướng Jacinda Ardern gọi đây là "một trong những ngày đen tối nhất lịch sử New Zealand".

Khi vụ xả súng diễn ra ở thánh đường Hồi giáo Al Noor tại Christchurch khiến hàng chục người thiệt mạng, Xuân Quỳnh, du học sinh Việt Nam sinh sống ở khu vực này, đang đi mua đồ ở một cửa hiệu cách hiện trường vụ tấn công khoảng 1 km. 

"Lúc đó nhân viên cửa hàng yêu cầu tất cả ra ngoài để họ đóng cửa theo yêu cầu khẩn cấp của cảnh sát. Không ai kịp hỏi có chuyện gì. Tất cả các cửa hàng đều đóng cửa, khách hàng ngơ ngác. Chỉ thấy còi xe cảnh sát ầm ĩ, điều rất ít khi diễn ra ở Christchurch, vì thành phố này khá yên bình và nhịp sống chậm rãi", Xuân Quỳnh nói với Zing.vn.

Sau khi thấy thông báo của cảnh sát trên Facebook, chị vội vã bắt xe bus về nhà. 

"Mọi người đều sốc và lo lắng, vì ko ai nghĩ chuyện này có thể xảy ra ở New Zealand", chị Xuân Quỳnh nói thêm.

"Xe cảnh sát đi tuần 2 lần/chiều là bất thường lắm"

Trên đường về nhà, Xuân Quỳnh thấy "khung cảnh ngổn ngang, mọi người đỗ vội xe ở lề đường rồi vào nhà chứ không kịp cho vào bãi". Đến khi lệnh đóng cửa trường học được gỡ bỏ, mọi người mới ra cất xe. Giao thông có hỗn loạn hơn, người dân vội vã chạy hướng ra khỏi thành phố.

New Zealand Herald dẫn lời nhân chứng ở hiện trường cho biết một người đàn ông mặc áo đen đi vào thánh đường Masjid Al Noor ở trung tâm Christchurch vào khoảng 13h45. Sau đó có "tiếng súng và nhiều người chạy ra khỏi thánh đường, hoảng sợ".

Gia đình ông Lê Phát Truyền (Đại học Canterbury, Christchurch) trả lời Zing.vn trong tiếng tivi vẫn đang phát liên tục các bản tin liên quan đến vụ xả súng. Ông nói rằng từ 14h đến nay, tivi không có gì ngoài nội dung này và gia đình ông cũng liên tục mở để cập nhật tình hình. Nhà ông Truyền cách nhà thờ Hồi giáo Masjid Al Noor 2 km.

Một người đàn ông vừa khóc vừa gọi điện gần nhà thờ Masjid Al Noor tại trung tâm thành phố Christchurch chiều 15/3. Ảnh: AP.

Buổi chiều khi vụ việc xảy ra, ông đang làm việc tại trường đại học. Các trường học ngay lập tức bị giới nghiêm. Ông Truyền nói rằng ông cần về nhà với vợ, nên phải ký giấy miễn trừ trách nhiệm mới được rời khỏi trường, vì "họ giữ mình lại để đảm bảo an toàn".

Khi ông lái xe trên quãng đường 5 km từ trường về nhà, con đường im ắng hơn mọi ngày. Thường đó là giờ tan trường và các học sinh đi về nhà, nhưng phần lớn học sinh bị giữ lại tại trường. Vào ngày thứ sáu kỳ lạ này, đến 18h giờ, học sinh mới được ra về.

Tại Christchurch, khung cảnh đông đúc vào tối thứ sáu thường lệ dường như biến mất. Cảnh sát hôm nay nhận lệnh giới nghiêm, mọi người được yêu cầu ở trong nhà.

"Với khu nhà của tôi, một buổi chiều xe cảnh sát tuần tra chạy qua hai lần đã là điều bất thường", ông nói.

Và ngày mai, họ cũng chưa biết sẽ thế nào. Liệu cảnh giới nghiêm này có kết thúc không? Liệu cảnh sát có bắt thêm ai không? Liệu có thêm ai chết không?

"Vợ tôi thường đi làm hai ngày cuối tuần ở trung tâm mua sắm, nhưng đến giờ vẫn chưa rõ mai có đi làm hay không, vì phải đợi điện thoại của quản lý", ông cho biết.

Sống tại New Zealnd 30 năm, một trong những đất nước yên bình nhất thế giới, gia đình ông Truyền cảm thấy sốc, không tin vụ việc xảy ra ở đây. Sau 14h ngày 15/3, điện thoại gia đình ông đổ chuông nhiều lần, đó là những lời hỏi thăm từ các gia đình người Việt khác và các du học sinh Việt Nam đang sống cùng thành phố.

Một du học sinh Việt, yêu cầu không công khai danh tính, sinh sống ở Auckland, cách nơi xảy ra xả súng khoảng 1.000 km, cho biết anh "bất ngờ" khi nghe tin.

"New Zealand trước giờ vẫn là một trong những nơi an toàn nhất thế giới. Nói hơi quá một tí là dù người Việt Nam hay người Mỹ, không ai tưởng tượng nổi ở New Zealand có xả súng", du học sinh này trả lời phỏng vấn với Zing.vn.

Cảnh sát đưa các nhân chứng của vụ xả súng rời xa hiện trường. Ảnh: AP.

Khi tin tức về vụ xả súng được phát đi, "phần lớn" người dân ở đây "về nhà đóng cửa ở trong nhà, hạn chế ra ngoài".

"Có người bạn mình đi ngang qua hiện trường sau khi xả súng mà về nhà luôn chứ không dám 'hóng' nữa", anh nói.

New Zealand Herald đưa tin cảnh sát địa phương đã có mặt để truy bắt hung thủ tại hiện trường vụ xả súng ở nhà thờ Christchurch. Giới chức đã yêu cầu các thánh đường, trường học và bệnh viện Christchurch đóng cửa cho đến khi có thông báo khác. Quanh khu vực Linwood, cảnh sát yêu cầu mọi người nhanh chóng vào nhà và tránh xa hiện trường.

Người Việt tại New Zealand "không bị ảnh hưởng gì"

Theo Xuân Quỳnh, dù chỗ ở của chị "cách đấy 20km nhưng cảnh sát có vũ trang cũng xuống đứng kiểm soát ở các địa điểm công cộng, nhất là trường học".

Khi lệnh đóng cửa được gỡ bỏ, các trường ở Christchurch phát thông báo cho sinh viên, khuyến cáo mọi người ở yên ở nhà và khoá cửa cẩn thận. "Trường mình bình thường mở thư viện đến đêm cho sinh viên học bài, nhưng hôm nay đóng cửa và yêu cầu sinh viên về nhà hết", Xuân Quỳnh nói. 

Trên đường phố Christchurch, xe cảnh sát vẫn không ngừng tuần tra và rú còi trong khi người dân chưa hết bàng hoàng, lo lắng. Phương tiện công cộng tạm thời ngừng lưu thông. Công viên Hagley là địa điểm tổ chức nhiều sự kiện, nhưng hiện một số buổi hòa nhạc đã thông báo huỷ. "Chắc chắn không ai dám đến khu vực đông người", Xuân Quỳnh cho biết. 

Xe cảnh sát liên tục tuần tra trên đường phố Christchurch từ chiều ngày 15/3. Ảnh: Mạng xã hội/Reuters.

Không chỉ ở Christchurch, cách đó hơn 1.000 km, không khí lo ngại cũng bao trùm thành phố Auckland khi lực lượng cảnh sát tiếp cận hai địa điểm riêng biệt, khoanh vùng các con đường và tiến hành cho nổ có kiểm soát các gói hàng đáng ngờ tại Britomart lúc 17h ngày 15/3.

Từ Auckland, thành phố lớn nhất của New Zealand, du học sinh Việt giấu tên cho biết giới chức đã "triển khai lực lượng vũ trang ra nhà ga". Tuy nhiên "Auckland là nơi có nhiều ng nhập cư nhất" nên có thể chính quyền "không muốn gây xáo trộn", người này nói. 

Khi được hỏi về tình hình người Việt ở New Zealand sau vụ xả súng, Xuân Quỳnh cho biết "mọi người cũng liên lạc cho nhau luôn và may mắn không ai bị ảnh hưởng gì".

"Người Việt và du học sinh Việt ở Christchurch khá đông. Cộng đồng người Việt ở New Zealand đã khuyến cáo nhau hạn chế đến các công trình tôn giáo. Thực ra khá bối rối vì ko ai nghĩ sẽ có chuyện này ở đây, nên ngoài dặn nhau như vậy thì chẳng ai biết nên làm gì để an toàn. Đất nước vốn thanh bình quá nên mọi người khá lơ là các vấn đề sắc tộc, tôn giáo", Xuân Quỳnh nói với Zing.vn.

                                                                                                                                                                             Theo Zing