Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình phát biểu.
Cuộc tọa đàm có sự tham gia của các vị nguyên lãnh đạo Nhà nước, đại diện Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Ngoại giao, các tổ chức nhân dân, viện nghiên cứu, hội viên Hội Việt - Mỹ cùng một số bạn bè Mỹ.
Bước ngoặc trong phong trào đoàn kết
Phát biểu tại đây, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Mỹ Nguyễn Tâm Chiến cho biết, ngay từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước đã diễn ra những cuộc tiếp xúc giữa các cá nhân và tổ chức của các giới thanh niên dân chủ, trí thức, nhân sỹ hai bên Việt - Mỹ tại nhiều địa điểm khác nhau nhân các hội nghị, gặp gỡ quốc tế tại Bắc Âu, Pháp và ở Đông Nam Á để bày tỏ nguyện vọng chung đấu tranh cho hòa bình, chống chiến tranh ở Việt Nam và vì tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Đến năm 1967, khi cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược của dân tộc Việt Nam diễn ra ác liệt, thì cuộc gặp gỡ Bratislava đã được tổ chức như là sự khởi đầu thúc đẩy việc hình thành trên thực tế Mặt trận nhân dân Mỹ đoàn kết và ủng hộ cuộc kháng chiến vì độc lập của nhân dân Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Tâm Chiến, cuộc gặp gỡ Bratislava được tổ chức trong bối cảnh cuộc chiến ở Việt Nam đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất trên chiến trường và khi cao trào chống chiến tranh ở Mỹ phát triển mạnh mẽ nhất, chứng minh sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, đã đánh động lương tâm của người Mỹ và gây chấn động sâu rộng trong xã hội Mỹ.
Sự kiện cũng cho thấy sự đúng đắn của đường lối kháng chiến của Việt Nam về tiến hành cùng lúc cuộc chiến đấu trên tất cả các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao để đánh bại sức mạnh vũ khí hiện đại và ý chí xâm lược của kẻ thù.
Nói về ý nghĩa của Hội nghị Hòa bình Bratislava 1967, bà Nguyễn Thị Bình - Nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Trưởng đoàn Chính phủ lâm thời CHMNVN dự Hội nghị Bratislava khẳng định, yếu tố hết sức quan trọng góp phần vào thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ là nhờ sự ủng hộ của phong trào nhân dân thế giới đoàn kết với Việt Nam, đặc biệt là phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ. Đặc biệt, năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời đã có nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân tích cực, hiệu quả làm cho nhân dân thế giới hiểu được cuộc chiến phi nghĩa của đế quốc trên lãnh thổ Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị nhấn mạnh, cuộc gặp Bratislava không phải là cuộc gặp đầu tiên giữa đại diện các tổ chức nhân Việt - Mỹ. Tuy nhiên, ở Bratislava, đoàn Mỹ có tính đại diện rộng rãi nhất gồm tất cả các tầng lớp nhân dân Mỹ, đánh dấu bước ngoặt trong phong trào đoàn kết Việt - Mỹ. Cuộc gặp khẳng định sự công nhận và tôn trọng của các tổ chức nhân dân Mỹ đối với vai trò không thể thiếu của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trong mọi nỗ lực nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Hình thành "mặt trận thứ hai"
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã ôn lại kỷ niệm về hoạt động của đoàn đại biểu Việt Nam hai miền Nam - Bắc tham dự Hội nghị Bratislava. Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh chia sẻ: “Tại cuộc gặp gỡ Bratislava, các đại biểu Mỹ cho rằng cần phải tìm kiếm khả năng để đi đến một cuộc đối thoại quốc tế Việt - Mỹ chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Đây là mục tiêu của phong trào phản chiến và họ luôn đấu tranh cho công lý”.
Ông Phạm Văn Chương - thành viên đoàn đại biểu miền Nam Việt Nam tại Cuộc gặp Bratislava cũng cho biết, thời điểm diễn ra Cuộc gặp Bratislava – năm được nhiều nhà sử học, nhà báo và cựu chiến binh Mỹ nhìn nhận là “một năm đã làm thay đổi cuộc chiến tranh và thay đổi nước Mỹ”. Còn theo ông Nguyễn Văn Huỳnh - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Việt - Mỹ, sự kiện trên đã góp phần hình thành “mặt trận thứ hai” đó là phong trào chống chiến tranh phát triển ngay trong lòng nước Mỹ.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu được xem cuốn phim tư liệu “Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam” của nhà báo Wilfred Burchett. Nhớ lại những ngày tháng lịch sử năm 1976, họa sĩ George Burchett – con trai nhà báo Wilfred Burchett kể rằng, khi cuộc gặp ở Bratislava diễn ra, ông mới 12 tuổi và gia đình đang sống ở Phnom Penh (Campuchia) để cha ông có thể hoạt động gần hơn với Việt Nam.
“Tôi lớn lên cùng với Chiến tranh ở Việt Nam. Qua nhiều năm, tôi đã gặp nhiều nhà hoạt động chống chiến tranh Mỹ và hầu hết đều nói với tôi rằng: Chúng tôi đã biết về Việt Nam qua các bài báo và cuốn sách của cha tôi”, George Burchett nói.
Theo Thế giới và Việt Nam