Đại diện Quỹ hòa bình Hàn - Việt và các tổ chức xã hội ở Hàn Quốc
 cúi đầu trong lễ tưởng niệm

Hôm qua 11.3 (24 tháng giêng), tròn 50 năm xảy ra vụ thảm sát Hà My, ông Kang U-il, Chủ tịch Quỹ hòa bình Hàn - Việt, dẫn đầu đoàn gồm các giáo sư, thầy thuốc, giáo viên, nghệ sĩ, nông dân, sinh viên và đại diện cho các tổ chức xã hội, nghề nghiệp Hàn Quốc đến khu tưởng niệm tại làng Hà My để thắp hương, tưởng niệm nạn nhân.
Nhiều năm qua, Quỹ hòa bình Hàn - Việt thường xuyên đưa những người Hàn Quốc đến VN, nhất là các tỉnh miền Trung, để tạ lỗi với nạn nhân và thân nhân người Việt đã bị binh lính Hàn Quốc thảm sát trong chiến tranh chống Mỹ.
Cả làng giỗ chung
Ngày 25.2.1968, có 135 thường dân ở xóm Tây, Hà My (P.Điện Dương, TX.Điện Bàn, Quảng Nam) bị binh lính Hàn Quốc thảm sát. Trong số này có rất nhiều phụ nữ và trẻ em. Nhiều trẻ sơ sinh thậm chí còn chưa được đặt tên cũng bị giết hại dã man ngay trong vòng tay ôm của người mẹ...
50 năm sau vụ thảm sát kinh hoàng này, bà Trương Thị Hú (80 tuổi, nhà ở xóm Tây) vẫn còn nhớ như in vụ việc đau lòng mà gia đình bà phải gánh chịu. Bà kể, từ sáng sớm, lính Hàn kéo về làng, lùng sục từng nhà, hễ bắt gặp ai là bắn ngay bất kể phụ nữ, người già hay trẻ em. “Ngay tại khu tưởng niệm vụ thảm sát Hà My bây giờ là nhà tui hồi đó. Hai đứa con tui, một trai một gái mới 5 - 7 tuổi đã bị bắn chết ngay tại nhà. Còn tui và đứa con trai lúc đó mới sinh được 3 tháng may mắn trốn được. Nếu không… Mấy đứa nhỏ có tội gì đâu chú, mà sao họ (ý bà chỉ lính Hàn Quốc - PV) cũng không chừa?”, bà Hú nước mắt lưng tròng.
Ông Nguyễn Toại (ở Hà My) cho hay ngày 24 tháng giêng hằng năm là ngày giỗ tập thể ở xóm Tây, làng Hà My. Gia đình ông có 5 người thân bị sát hại, chưa kể 2 người bị thương. Ông Toại nhớ lúc đó khoảng 7 giờ sáng, những lính đánh thuê Hàn Quốc tới từng nhà trong xóm Tây, gặp ai giết nấy rồi sau đưa xác chôn chung tại một khu đất trong làng. Sau đó một ngày, tốp lính Hàn quay lại với xe ủi và thiết bị khác, san phẳng cả làng và san lấp cả những hố chôn tập thể, như để xóa dấu vết…
“Biết làm sao để được thứ tha ?”
Tại khu tưởng niệm ở làng Hà My, hôm qua, những giọt nước mắt và những lời chia sẻ, xin lỗi chân thành được chính những người Hàn Quốc trải lòng ngay tại nơi mà “những người đồng hương của họ” từng ra tay với thường dân VN. Trong điếu văn đọc tại lễ tưởng niệm, ông Kang U-il thổn thức: “Thời gian thấm thoát, hôm nay đã là ngày tưởng niệm tròn 50 năm. Chúng tôi vẫn tìm về, cúi mặt trong niềm hổ thẹn khôn nguôi. Đứng trên mảnh đất nơi từng là hiện trường của một vụ thảm sát tang thương tột cùng, không thể tin và cũng không muốn tin này, chúng tôi không cất nổi thành lời, dù chỉ là một lời xin lỗi. Chỉ còn biết gồng mình cố nén tiếng khóc cứ chực vỡ òa. Biết làm sao để được thứ tha?”.
Cũng theo ông Kang, trong số 135 nạn nhân, có rất nhiều trẻ em với nhiều “sinh mệnh này chưa sống trọn kiếp người”. “Hỡi những bà con làng Hà My đã mất đi ruột thịt yêu thương, cùng anh em, chòm xóm, chúng tôi biết lấy gì để có thể xoa dịu, an ủi? Chẳng còn biết làm gì ngoài một tấm lòng thành tâm tưởng niệm, cầu xin sự siêu thoát cho những vong linh của làng Hà My”, ông Kang tha thiết.
Viết về chiến tranh VN
Trong số những người Hàn Quốc tham dự lễ tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát ở Hà My (TX.Điện Bàn, Quảng Nam) hôm qua có ông Al Geonmo, em trai của một quân nhân Hàn Quốc. Ông Geonmo hiện là chủ bút tạp chí Cuốn sách nhỏ, mỗi tháng ra 1 số, chủ yếu nói về cuộc chiến tranh ở VN. Bìa cuốn tạp chí là hình ảnh người Hàn Quốc cúi đầu xin lỗi người dân VN. Trao đổi với báo chí, ông Al Geonmo nói: “Lúc đó anh trai tôi làm việc ở đại sứ quán tại Sài Gòn. Những người lính Hàn Quốc lúc đó gặp anh trai tôi, họ “tự hào” nói đã thảm sát nhiều người, nhưng anh trai tôi không biết đó là vụ thảm sát thường dân. Anh trai tôi hiện vẫn còn sống và rất đau xót về việc này. Bản thân tôi khi viết về vụ thảm sát ở Hà My cách đây 50 năm luôn có cảm giác rất buồn đau. Rất xin lỗi người dân VN!”.

Theo Thanh niên