Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa đại diện Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN VN
phát biểu tại hội nghị.
Nhiều cái “khó” trong vận động phụ nữ tôn giáo
Chia sẻ tại hội nghị khảo sát, bà Trương Thị Thu Thủy, Trưởng Ban Dân tộc – Tôn giáo, TƯ Hội LHPNVN cho biết: “Hiện nay, bên cạnh phần lớn phụ nữ tín đồ các tôn giáo đều chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đoàn kết và tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo, tham gia các ngày lễ trọng bảo đảm an toàn, đúng lễ nghi tôn giáo và theo quy định của pháp luật… song vẫn còn một bộ phận chị em ngại tham gia hoạt động xã hội”…
Bàn thảo về thực trạng phụ nữ tôn giáo hiện nay, GS.TS Đỗ Quang Hưng – Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về tôn giáo của UBTW Mặt trận Tổ quốc VN cũng chia sẻ: “Vẫn còn một bộ phận phụ nữ có đạo bị các thế lực thù địch lợi dụng để chia rẽ, kích động chống phá khối đại đoàn kết toàn dân, gây bất ổn định an ninh, chính trị. Do thiếu hiểu biết và cả tin, một bộ phận phụ nữ ở một số địa phương theo một số đạo lạ, hoặc tự lập ra đạo lạ, hoặc bị lợi dụng kích động tham gia khiếu kiện đông người, có hình thức liên tôn giáo vượt ra khỏi phạm vi quốc gia…”.
Cũng đề cập đến vấn đề thân phận của phụ nữ tôn giáo, ông Ngô Sách Thực - Phó Chủ tịch UBTW MTTQ VN cho rằng: “Phụ nữ tôn giáo là một “nhóm đặc thù” và trong công tác vận động có nhiều khó khăn, phức tạp, đa dạng và còn bất bình đẳng giới...”.
Tìm giải pháp nâng cao chất lượng tập hợp, đoàn kết phụ nữ tôn giáo
Để thực hiện tốt công tác vận động phụ nữ tôn giáo, theo Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa: “Trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI, XII đã xác định nhiệm vụ: Mỗi cơ sở Hội ít nhất có một mô hình hoạt động phù hợp với nhóm phụ nữ đặc thù, trong đó có tôn giáo; quan tâm đầu tư các chương trình hoạt động về xóa đói giảm nghèo, tuyên truyền giáo dục cho phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo; và xác định các giải pháp thực hiện, trong đó có giải pháp đổi mới công tác tuyên truyền, vận động “Lựa chọn nội dung tuyên truyền, giáo dục truyền thống, giáo dục chính trị, tư tưởng, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với các nhóm phụ nữ, đặc biệt quan tâm nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo...” .
Kết quả sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 02 về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác tôn giáo của Hội LHPN Việt Nam:
- Về công tác truyền thông: Cung cấp thông tin, kiến thức về chủ trương, chính sách của Đảng,pháp luật của Nhà nước về tôn giáo qua nhiều kênh đa dạng; tổ chức 5 hội nghị/hội thảo diễn đàn có quy mô lớn; 15 cuộc tuyên truyền cho gần 3.000 cán bộ, hội viên nòng cốt; Phối hợp tổ chức truyền thông, phổ biến pháp luật, tư vấn lưu động bằng hình thức sân khấu hóa, đối thoại chính sách thu hút trên 10 ngàn hội viên, phụ nữ DTTG...
- Về xây dựng tổ chức Hội vùng đồng bào tôn giáo vững mạnh, củng cố lực lượng cốt cán của phong trào: Tổ chức 11 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác tôn giáo cho 1.045 cán bộ Hội các cấp; Đến 6/2017, thu hút tổng số hội viên tôn giáo là 1.596.756/3.523.152 phụ nữ tôn giáo từ 18 tuổi trở lên đạt tỷ lệ 45,3%...; Thu hút được 9.326 cốt cán phong trào phụ nữ trong các tôn giáo là chức sắc, nữ tu, chức việc, tín đồ là các ủy viên BCH Hội LHPN các cấp (TW: 4 chị; cấp tỉnh: 89 chị; cấp huyện: 776 chị; cấp cơ sở: 8457 chị; trong đó 491 chị là nữ chức sắc, chức việc, nữ tu tôn giáo); Thu hút 222.725 hội viên nòng cốt (Phật giáo 115.507 chị, Công giáo 75.300 chị, Tin lành 9.974 chị)…
- Về nghiên cứu khoa học, giám sát và phản biện xã hội: Thực hiện 3 nghiên cứu về “Đánh giá thực trạng xây dựng lực lượng hội viên nòng cốt dân tộc, tôn giáo”; “Khảo sát đánh giá tác động của một số tôn giáo lớn đối với công tác vận động, tập hợp phụ nữ” và “Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với công tác vận động, đoàn kết, phát triển hội viên trong chức sắc, nhà tu hành, chức việc và tín đồ các tôn giáo – Thực trạng và giải pháp”; Phát hành sách tham khảo dành cho cán bộ Hội về Công tác vận động phụ nữ dân tộc, tôn giáo trong tình hình hiện nay...
- Về vận động, tập hợp, đoàn kết phụ nữ góp phần giải quyết các “điểm nóng” có liên quan yếu tố tôn giáo: Tổ chức tuyên truyền sâu trong phụ nữ cơ sở, hướng dẫn và tổ chức cho phụ nữ ký cam kết không nghe, không tin, không theo các tổ chức phản động Fulro, Tin lành Đề ga, Hà Mòn (Gia Lai, Đăk Lăk), tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình (Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn); Phát hành và chỉ đạo Hội LHPN địa phương tuyên truyền Clip "Chung tay khắc phục sự cố môi trường biển miền Trung"; Triển khai 04 mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển sinh kế: Mô hình "Tổ hợp tác đan lưới", 04 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác tôn giáo cho 320 cán bộ Hội các cấp tại 4 tỉnh “điểm nóng” ở miền Trung; Kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Hội LHPN các tỉnh/thành tăng cường tuyên truyền để hội viên, phụ nữ hiểu và không tham gia, truyền đạo trái phép như “Hội thánh Đức Chúa Trời”...
Tại hội nghị khảo sát (3/12) các đại biểu đã đánh giá cao các hoạt động về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong công tác tôn giáo của Hội LHPNVN theo đúng tinh thần của “Kết luận số 02 về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác tôn giáo”
Nhằm khắc phục những vấn đề khó, các đại biểu trong hội nghị khảo sát đã cùng đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tập hợp, đoàn kết phụ nữ tôn giáo trong tình hình hiện nay:
- Tăng cường công tác phối hợp giữa MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong triển khai các hoạt động vận động tín đồ tôn giáo và phụ nữ tôn giáo;
- Hỗ trợ thực hiện các nghiên cứu đề xuất chính sách, giám sát chính sách trong lĩnh vực tôn giáo; đề xuất hoàn thiện và thi hành pháp luật;
- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tập hợp, đoàn kết phụ nữ tôn giáo;
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác vận động phụ nữ có đạo;
- Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức truyền thông, vận động, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các nữ tín đồ tôn giáo;
- Huy động, tập trung nguồn lực cho công tác tập hợp, đoàn kết phụ nữ tôn giáo, ổn định đời sống cho phụ nữ có đạo…