WHO ngày 22/5 cho biết, theo Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI), Quỹ Nhi đồng Quốc tế (UNICEF), Viện Vaccine Sabin, Covid-19 đã làm gián đoạn các chương trình tiêm chủng tại ít nhất 68 quốc gia.

Một em nhỏ ở London, Anh, được tiêm vaccine phòng bệnh sởi. Ảnh: EPA

 

"Không thể đánh đổi một đại dịch chết người bằng loại dịch bệnh khác. Vaccine phòng sởi, bại liệt và bệnh tả luôn sẵn có. Dù hoàn cảnh buộc chúng ta tạm thời ngừng một số đợt tiêm phòng, cần khởi động lại chúng càng sớm càng tốt", Henrietta Fore, giám đốc điều hành UNICEF, phát biểu trong cuộc họp báo.

Chương trình tiêm ngừa bệnh sởi đã bị gián đoạn ở 27 quốc gia. Tại 38 nước khác, trẻ em chưa thể tiêm vaccine bại liệt.vaccine

Cùng ngày, WHO đưa ra hướng dẫn mới cho các quốc gia về cách tiến hành tiêm chủng an toàn trong bối cảnh Covid-19.

"Một trong những vấn đề lớn nhất là mọi người không muốn đến các cơ sở tiêm phòng vì lo lắng cho sức khỏe bản thân và các bác sĩ", tiến sĩ Kate O'Brien, giám đốc chương trình vaccine của WHO, cho biết.

Bên cạnh đó, giữa tình trạng phong tỏa và khan hiếm đồ bảo hộ, tiêm chủng tại nhà cũng bị hạn chế.

"Sự gián đoạn này có thể làm mai một thành tựu trong hàng thập kỷ ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm như sởi của nhân loại", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO nói.

Trước đại dịch, các nhóm anti-vaccine đã làm ảnh hưởng ít nhiều đến công tác phòng dịch. Kết quả, số bệnh nhân sởi gia tăng nhanh chóng, hơn 140.000 người đã chết, hầu hết là trẻ nhỏ.

Trong khi đó, nỗi lực đẩy lùi bại liệt cũng khó khăn bởi tình trạng xung đột ở một số khu vực. Trong năm 2018, thế giới chỉ báo cáo 33 trường hợp. Từ năm 2020, WHO dự báo số ca nhiễm bệnh bại liệt tăng lên 200.000 mỗi năm.

Đầu tháng này, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) báo cáo số trẻ đã tiêm phòng ở nước này giảm mạnh kể từ khi Covid-19 lan rộng. Lượng vaccine được đặt hàng thông qua các chương trình liên bang cũng thấp hơn nhiều so với trước đây.

Theo vnexpress