Một người phụ nữ quảng cáo cho nhà hàng bánh sandwich ở trung tâm thành phố Lima - nơi cách ly bắt buộc do đại dịch.

Eliana Revollar - Giám đốc Văn phòng quyền phụ nữ tại Phòng thanh tra quốc gia - cho biết Covid-19 khiến người dân buộc phải ở nhà, mất việc làm và khủng hoảng y tế, dẫn tới vụ việc tồi tệ hơn chỉ trong vòng 3 tháng rưỡi. "Trong thời gian cách ly xã hội từ 16/3 đến 30/6, 915 phụ nữ tại Peru được báo cáo mất tích và có thể đã tử vong", Revollar nói thêm "70% trong số đó là những người thuộc bộ tộc thiểu số".

Đất nước 33 triệu dân từ lâu tồn tại vấn nạn bạo lực gia đình. Trước khi Covid-19 "gõ cửa", mỗi ngày tại Peru trung bình có khoảng 5 vụ báo cáo phụ nữ mất tích. Kể từ khi phong tỏa, con số này tăng lên 8.

Revollar cho hay, tình hình trở nên u ám hơn bởi quốc gia này không có hệ thống theo dõi người mất tích. "Chúng ta cần phải biết điều gì xảy ra với họ", Walter Gutierrez - thanh tra chính phủ Peru cho hay. Revollar cho biết, bà đang muốn thúc đẩy thành lập hệ thống theo dõi người mất tích.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ và các tổ chức phi chính phủ cho biết, cảnh sát Peru thường từ chối điều tra về các vụ bạo lực gia đình. Thậm chí, có nhiều trường hợp còn chế giễu nạn nhân hoặc cho rằng người mất tích chỉ đơn giản là bỏ nhà ra đi.

Ngoài vấn nạn về bạo lực gia đình, quốc gia này cũng đối mặt với nạn buôn người và cưỡng ép mại dâm. Hồi đầu năm, vụ án mạng về Solsiret Rodriguez - một sinh viên đại học và nhà hoạt động vì quyền phụ nữ- được đưa ra ánh sáng. Thi thể của cô được tìm thấy sau 3 năm được báo mất tích.

Cô nữ sinh Peru bị sát hại 3 năm trước.

Trong 2019, có 166 vụ giết người nhắm đến phụ nữ ở Peru, nhưng chỉ 1/10 trong số đó được báo cáo mất tích. Số liệu từ Bộ phụ nữ cho thấy, có khoảng 30.000 cuộc gọi báo cáo về bạo lực gia đình.

Peru ghi nhận hơn 395.000 ca nhiễm và 18.612 trường hợp tử vong. Đây là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ ba ở Mỹ Latinh, sau Brazil và Mexico.

Theo ione