Ngọn lửa từ lò hỏa táng Hindo ở Ghaziabad, ngoại ô Delhi sáng át cả ánh hoàng hôn. Cái nóng ngột ngạt, nhưng bức bối hơn là cảnh tượng đau lòng - rất nhiều thi thể nạn nhân Covid-19 chờ để được hỏa táng. Một cô gái trẻ mặc đồ bảo hộ đứng khóc, chắp tay khi thi thể của cha cô lên giàn hỏa thiêu sau nhiều giờ chờ đợi. Gần đó, hai người phụ nữ ôm nhau đứng cạnh xe cấp cứu chở người thân đã chết.

Lò hỏa táng ở Delhi và nhiều khu vực khác tại Ấn Độ đang phải oằn mình chống chịu vì lượng tăng kỷ lục số ca tử vong vì Covid-19. Theo thống kê, cứ 4 phút lại có một người chết.

Giàn hỏa thiêu gỗ dựng tạm ngay ven đường ở khu hỏa táng tập trung ở Ghaziabad. Ảnh: Straitstimes.


Tại Karnataka, phía nam Ấn Độ, chính phủ buộc phải cho phép các gia đình hỏa táng hoặc chôn cất người thân qua đời trong trang trại, đất trống hay sân sau nhà - miễn là tuân thủ các hướng dẫn về sức khỏe. "Hãy cẩn trọng xử lý thi thể một cách nhanh chóng và tuân theo các quy định", thống đốc bang, B.S Yediyurappa, cho biết trong một tuyên bố, đồng thời mô tả tình hình Covid-19 đang "ngoài tầm kiểm soát".

Thủ phủ Bangalore, nơi được mệnh danh "Thung lũng Silicon của châu Á" ghi nhận số ca tử cao kỷ lục trong một ngày. 7 lò hỏa táng trong thành phố đỏ lửa suốt ngày đêm để hỏa táng từ 20 đến 25 thi thể mỗi ngày - gấp 4 lần so thông thường.

Một công nhân xây dựng giấu tên ở Bangalore cho biết, gia đình ông đào mộ ở sân sau nhà để chôn cất cha. "Theo tục lệ, chúng tôi nên hỏa thiêu, nhưng tất cả 7 lò hỏa táng trong thành phố báo với chúng tôi phải đợi 48 giờ", ông nghẹn ngào. Hỏa thiêu là một phần quan trọng trong nghi lễ mai táng của người Hindu, được xem như một cách để giải thoát linh hồn cho người đã khuất.

Thi thể nạn nhân Covid-19 được hỏa táng tại Khu hỏa táng Hindon ở Ghaziabad. Ảnh: Straitstimes.

Gỗ, củi được vận chuyển đến lò hỏa thiêu. Ảnh: Straitstimes.


Tại Ghaziabad, một số thi thể đang được hỏa táng bằng cách sử dụng giàn thiêu tạm thời: đặt trực tiếp gỗ lên các bệ gạch vữa tại khu vực dành riêng cho nạn nhân Covid-19. 5 bệ gạch được làm trong tuần này để đáp ứng tình trạng lượng thi thể chuyển đến ngày càng tăng.

Số người chết trong thành phố cao đến mức "lịch đặt chỗ" các lò hỏa táng luôn trong tình trạng "full". Trong số những người đang chờ đợi có Suraj Rawat (25 tuổi) đến từ Ghaziabad - người hỏa táng cho dì ruột. Gia đình được thông báo sẽ phải đợi 16 giờ để được hỏa táng bằng điện. Những việc đó cũng không suôn sẻ hoàn toàn, lò thiêu điện có lúc hỏng vì hoạt động quá công suất, phải được sửa chữa.

"Có rất nhiều người, cả một đám đông chờ đợi. Chúng ta có thể làm gì cơ chứ", anh chia sẻ.

Cuối cùng, thay vì đợi lâu để được hỏa táng bằng lò điện, gia đình tiến hành hỏa thiêu thi thể bằng củi, gỗ trên bãi đất trống tạm trong khu vực dành riêng. Nghi thức tiễn biệt được hoàn thành vào 21h tối, hôm 22/4, khoảng 5 giờ sau khi họ đến lò hỏa táng.

Cáo phó dán chồng chất, hàng dài thi thể xếp hàng "đợi đến lượt". Một nhân viên cho biết cơ sở của họ nhận được 20 thi thể nạn nhân Covid-19 vào 18h tối, và nhiều người nữa sau đó. "Xin hãy để chúng tôi làm việc", anh ngắt cuộc trò chuyện trong lúc tiếp tục giám sát công nhân cân lượng gỗ cho mỗi lần hỏa táng.

Dưới mỗi đống củi là một thi thể nạn nhân Covid-19. Ảnh: Reuters.


Các tài xế xe cấp cứu đưa thi thể cũng chờ sẵn, đỗ thành hàng dài. Ông Irshad mang hai thi thể từ bệnh viện Quận MMG ở Ghaziabad vào khoảng 11 giờ cùng ngày. Hơn 8 tiếng sau, một thi thể được hỏa táng. Người còn lại vẫn trong xe. "Tôi chưa bao giờ thấy những thứ như thế này, chưa bao giờ thấy hỏa táng thi thể ngay ngoài trời như vậy", tài xế cho hay. "Trước đây tôi chỉ cần đợi 15-20 phút", ông nói thêm.

Lò điện duy nhất ở đây mất khoảng 2 giờ để hỏa táng một thi thể. Nó hoạt động 24/7 và vẫn không đủ cho hơn 40 thi thể Covid-19 được chở đến hàng ngày.

Truyền thông đưa tin, không có sự trùng khớp về số liệu giữa lượng thi thể tại các lò hỏa táng và người người chết trong báo cáo chính thức. Một trong những lý giải, do nhiều bệnh nhân qua đời trước cả khi được nhập viện và ca tử vong được ghi do "nguyên nhân khác".

Theo Ione