leftcenterrightdel
Taruna và chồng Rajeev đã trải qua cuộc hôn nhân 22 năm 

Taruna Arora mất chồng do Covid-19. Chồng cô, Rajeev nhiễm Covid-19 vào tháng 4, trong làn sóng Covid-19 lần thứ hai ở Ấn Độ. Nguồn lực y tế khan hiếm, bệnh viện quá tải, gia đình phải vật lộn để đưa Rajeev vào viện. Cuối cùng Rajeev qua đời sau 2 tuần ở bệnh viện.

Taruna, 46 tuổi cho biết: "Cái chết của Rajeev khiến tôi tê liệt. Đây là những ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi, nhưng tôi không có thời gian để đau buồn vì cuộc đời tôi đã xoay chuyển 360 độ". Trước đó, Rajeev là trụ cột của gia đình và đưa ra hầu hết các quyết định về tài chính. Hiện tại, Taruna đang sống nhờ vào tiền tiết kiệm của hai vợ chồng và kiến thức tài chính hạn hẹp của mình để nuôi hai con.

"Chúng tôi luôn có cuộc sống thoải mái và tôi có tất cả những gì tôi cần. Chồng quản lý tất cả tài chính và tôi chỉ xin tiền. Hiện tại, tôi không biết khoản tiền tiết kiệm sẽ dùng được bao lâu vì tôi chưa bao giờ tự quản lý chúng", Taruna nói.

Cô hy vọng sẽ tìm được công việc để nuôi các con, nhưng cô không có kinh nghiệm làm việc và không biết bắt đầu từ đâu.

Tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động thấp

Ấn Độ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nặng nề nhất thế giới, cho đến nay đã ghi nhận hơn 450.000 ca tử vong chính thức. Đại dịch đã khiến hàng chục nghìn phụ nữ trở thành góa phụ, chật vật để thích nghi với cuộc sống mới.

Nhiều người trong số những phụ nữ này trước đây chưa bao giờ làm việc được trả lương. Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động ở Ấn Độ dưới 21% vào năm 2019. Đây là một trong những tỷ lệ thấp nhất trên thế giới.

leftcenterrightdel
Cho đến nay Ấn Độ đã ghi nhận hơn 450.000 ca tử vong chính thức do Covid-19 

Nhiều gia đình đã mất đi trụ cột gia đình duy nhất, cuộc sống xoay chuyển chỉ sau một đêm. Giờ đây, nhiều phụ nữ đang phải vật lộn để xoay xở với gánh nặng kép: đau buồn và khó khăn tài chính. Vai trò giới và các chuẩn mực phụ hệ ở gia đình Ấn Độ đồng nghĩa với việc phụ nữ phải phụ thuộc tài chính vào chồng và không có quyền quyết định về tài chính.

Vào năm 2017, phụ nữ Ấn Độ có khả năng huy động tiền trong trường hợp khẩn cấp thấp hơn gần 13% so với nam giới, theo Ngân hàng Thế giới. Tỷ lệ phụ nữ Ấn Độ có tài khoản ngân hàng thấp hơn 6% so với nam giới, và thực tế phụ nữ Ấn Độ cũng ít có khả năng sở hữu điện thoại di động hoặc sử dụng Internet di động hơn nam giới. Điều này khiến những phụ nữ như Taruna gặp khó khăn hơn trong việc nhận các khoản tiền, chẳng hạn như gần đây chính phủ Ấn Độ thông báo về việc hỗ trợ 50.000 rupee (hơn 15 triệu đồng) cho gia đình của những người qua đời vì Covid-19.

leftcenterrightdel
Madhura, người giúp nhiều phụ nữ Ấn Độ vượt qua khó khăn sau khi chồng qua đời 

Trong làn sóng Covid-19 thứ hai của Ấn Độ, nhà hoạt động xã hội Madhura Dasgupta Sinha đã vận động quyên góp tiền cho bạn cùng lớp - một kỹ sư, 50 tuổi, bị nhiễm Covid-19 và cần được hỗ trợ. Mặc dù người bạn đã qua đời, nhưng mọi người đã quyết định chuyển số tiền họ quyên góp được đến gia đình anh.

Khi Madhura hỏi người vợ rằng họ nên chuyển tiền vào tài khoản nào, người vợ nói rằng cô không biết mình có tài khoản ngân hàng hay không. Madhura nói: "Gia đình họ không biết phải giải quyết các vấn đề về tài chính khi bi kịch ập đến, nhưng đây không phải là lúc để hướng dẫn họ về điều này".

Những nỗ lực thay đổi

Thấy được thực tế này, Madhura đã phát động Not Alone, một chiến dịch để giúp đỡ những phụ nữ đã mất đi trụ cột gia đình do đại dịch. Sau khi xuất hiện, Not Alone đã có một lượng lớn các tình nguyện viên ở Ấn Độ và cộng đồng người Ấn Độ muốn giúp đỡ.

Theo Madhura và nhóm tình nguyện viên, nhiều phụ nữ đang phải vật lộn với sức khỏe tinh thần. Họ chứng kiến những trường hợp trầm cảm, quá đau buồn vì mất chồng và thậm chí có xu hướng tự tử, trong khi một số khác đang phải vật lộn để kiếm sống. "Một số phụ nữ này đang phải đối mặt với các vấn đề về thừa kế, chưa kể đến nhiều phụ nữ không được cha mẹ chồng cho ở lại nhà". Cô tiếp lời: "Nhiều người đang phải vật lộn để trả học phí cho con cái. Có trường hợp người vợ không biết cách thức hoạt động của bảo hiểm và vẫn đóng phí bảo hiểm sau khi chồng qua đời".

Madhura cho biết thêm, nguyên nhân sâu xa của vấn đề là do trình độ tài chính kém. Trên toàn cầu, 35% nam giới hiểu biết về tài chính so với 30% phụ nữ, theo một cuộc khảo sát năm 2015 của cơ quan xếp hạng Standard and Poor's (S&P). Nhưng ở Ấn Độ, trình độ hiểu biết về tài chính thấp hơn và khoảng cách giới cũng rộng hơn, với 27% nam giới hiểu biết về tài chính so với 20% nữ giới.

Madhura và nhóm của mình đang khuyến khích phụ nữ tham gia lại lực lượng lao động. Nhiều phụ nữ dần dần tìm được việc làm, được hướng dẫn và hỗ trợ nghề nghiệp.

Với sự hỗ trợ phù hợp, vợ của bạn Madhura đã có thể mở một tài khoản ngân hàng. Cô nhận được số tiền quyên góp nhưng cần một nguồn thu nhập bền vững. Madhura cho biết hiện tại người phụ nữ đang học về internet banking và chuyển tiền về để lo việc học của các con.

Kim Ngọc (Nguồn: BBC)