Phụ nữ Ấn Độ phản đối tập tục ly hôn "talaq". Ảnh: PTI.

Với 99 phiếu thuận và 84 phiếu chống, quốc hội Ấn Độ ngày 30/7 thông qua dự luật bảo vệ phụ nữ Hồi giáo trong hôn nhân và chấm dứt tập tục ly hôn "talaq" của đàn ông nước này.

Theo tập tục được duy trì từ lâu trong cộng đồng người Hồi giáo ở Ấn Độ, người chồng chỉ cần đơn giản hô ba lần từ "talaq" là có thể được ly hôn vợ ngay lập tức. Trong tiếng Arab, "talaq" có nghĩa là "Tôi ly dị cô" và đây được coi là "thần chú" mà nhiều đàn ông Ấn Độ áp dụng để đoạn tuyệt với vợ.

Dự luật mới coi hành vi ly dị vợ bằng "thần chú" này là tội hình sự có thể bị phạt tù đến ba năm. Dự luật sẽ trở thành luật sau khi được Tổng thống Ấn Độ phê chuẩn, nhưng đây chỉ là động thái mang tính thủ tục.

"Một tập tục từ thời Trung cổ cuối cùng đã bị vứt vào thùng rác của lịch sử", Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi viết trên Twitter ngày 30/7. "Đây là một chiến thắng của công lý và bình đẳng giới trong xã hội. Ấn Độ vui mừng vì ngày hôm nay".

Một số nhóm Hồi giáo Ấn Độ phản đối dự luật mới, cho rằng đảng cầm quyền đang chống lại những người Hồi giáo thiểu số ở nước này và vấn đề nên được xem xét bởi lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo chứ không phải chính phủ.

Tòa án tối cao New Delhi tháng 8 năm ngoái ra phán quyết rằng luật Hồi giáo cho phép người chồng Ấn Độ ly dị vợ theo tập tục "talaq" là vi hiến. Nhiều phụ nữ Hồi giáo Ấn Độ cho biết họ không được chồng chia bất cứ tài sản nào sau khi tuyên bố ly dị bằng "talaq".

Hầu hết 170 triệu người theo đạo Hồi ở Ấn Độ là người Hồi giáo dòng Sunni, chịu sự điều chỉnh của Luật Nhân thân Hồi giáo trong các vấn đề gia đình. Trước Ấn Độ, hơn 20 quốc gia, bao gồm cả Pakistan và Bangladesh, đã cấm kiểu ly hôn bằng "talag".

Theo vnexpress