Facebook đang đối mặt làn sóng tẩy chay vì thiếu kiểm soát nội dung phân biệt chủng tộc trên nền tảng này
Các thương hiệu có nghĩa vụ phải giúp xây dựng hệ sinh thái số an toàn và đáng tin cậy. Thông báo của Tập đoàn UNILEVER về quyết định ngưng quảng cáo của mình |
Làn sóng tẩy chay chưa dừng lại. Trang Sleeping Giants đến giờ ghi nhận ít nhất 168 doanh nghiệp lớn nhỏ và nhà quảng cáo gia nhập danh sách các công ty tẩy chay, trực tiếp hoặc gián tiếp, việc quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội Facebook.
Các chuyên gia nhận định khá thú vị: chính phủ các nước răn đe, dọa nạt cũng không khiến các công ty quản lý mạng xã hội phải run sợ về chuyện quản lý nội dung, ngăn chặn những nội dung bạo lực, kích động, hận thù... Đến khi các thương hiệu lớn vào cuộc thì tình hình khác hẳn. Người ta gọi đây là "đánh trúng vào túi tiền", là cú đánh trí mạng với dân làm ăn.
Cổ phiếu của Facebook và Twitter đã bị sụt giảm mạnh là bằng chứng rõ nét. Ngày 27-6, cổ phiếu của Facebook đã giảm tới 8,3% sau khi Tập đoàn Unilever quyết định tham gia chiến dịch tẩy chay quảng cáo trên nền tảng này đến cuối năm nay. Cổ phiếu của Twitter cũng chịu chung số phận: giảm tới 7,4% sau thông báo của Unilever.
"Không có chỗ cho phân biệt chủng tộc trên thế giới và cũng không có chỗ cho phân biệt chủng tộc trên mạng xã hội. JAMES QUINCEY (chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Hãng Coca-Cola) |
Giàu nhờ mạng, chết cũng vì mạng
Qua mạng xã hội Twitter, thật trớ trêu, Unilever cho biết hãng đã quyết định dừng quảng cáo trên các nền tảng Facebook, Instagram, Twitter tại Mỹ trong bối cảnh người dùng vẫn đăng tải nhiều nội dung mang tính thù địch và chính trị cực đoan trên các nền tảng này. Đây là thiệt hại lớn với Facebook và Twitter, do ngân sách quảng cáo hằng năm của Unilever lên tới 8 tỉ USD.
Quả thật "gậy ông đập lưng ông" khi chiến dịch có tên #StopHateForProfit (Ngừng gieo rắc thù hận vì lợi nhuận) đang gây hại cho các ông lớn mạng xã hội lại được lan truyền rất tốt qua... mạng xã hội Twitter. Chiến dịch do các nhóm hoạt động gồm Liên đoàn Chống phỉ báng (ADL), Hiệp hội Vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP) và Color of Change khởi xướng, kêu gọi các doanh nghiệp ngừng quảng cáo trên các nền tảng của Facebook trong tháng 7 để phản đối chính sách thiếu kiểm soát nội dung đăng tải của công ty này.
Trong bối cảnh của nhiều cuộc biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc, bạo lực cảnh sát diễn ra kéo dài khắp nước Mỹ, lời kêu gọi đã phát huy tác dụng, lây lan như... mạng xã hội. Trước Unilever, hàng loạt công ty lớn khác cũng đã tham gia chiến dịch tẩy chay này như nhà mạng Mỹ Verizon Communications, hãng sản xuất đồ dã ngoại Patagonia, Hershey và chi nhánh của Honda Motor tại Mỹ.
Nhưng thực sự đến khi các ông lớn với ngân sách quảng cáo khổng lồ lên tiếng thì tình hình đã thay đổi đầy khác biệt. Trong năm 2019, Hãng Coca-Cola đã chi 4,24 tỉ USD cho quảng cáo, trong đó 1/4 là trên nền tảng kỹ thuật số. Hãng Unilever - doanh nghiệp chi quảng cáo lớn thứ hai thế giới sau Procter & Gamble - cũng đã chi hằng năm 7,7 tỉ USD để quảng bá các sản phẩm của mình và các mạng xã hội giành được hơn 1/4 trong phần ngân sách quảng cáo này.
Việc Unilever và Coca-Cola tẩy chay quảng cáo đánh dấu nỗ lực đáng kể của các hãng lớn nhằm buộc các công ty công nghệ phải có những thay đổi cần thiết, bài trừ các hành vi, nội dung xấu trên nền tảng trực tuyến của mình, đồng thời phải có trách nhiệm giải trình và đưa ra sự minh bạch hơn.
Facebook ra tay quá trễ?
Trong bối cảnh làn sóng chỉ trích ngày một tăng, ngày 26-6, bên Facebook đã công bố một số biện pháp nhằm thắt chặt kiểm soát nội dung đăng tải trên các nền tảng ứng dụng. Cụ thể, Facebook sẽ dán nhãn các bài đăng tải vi phạm các chính sách của công ty như cách mà Twitter đã làm gần đây.
Facebook cũng sẽ đưa ra các biện pháp bảo vệ bổ sung nhằm ngăn chặn hành vi "đánh lừa" cử tri và bảo vệ người nhập cư khi loại bỏ các quảng cáo có nội dung mang tính phân biệt chủng tộc. Facebook khẳng định việc đưa ra quyết định này không phải nhằm đối phó với áp lực doanh thu, mà là thực hiện những cam kết trước đó của giám đốc điều hành Mark Zuckerberg nhằm chuẩn bị cho cuộc bầu cử sắp tới tại Mỹ.
Quả thực vào ngày 16-6, Facebook thông báo đã xóa gần 900 tài khoản liên quan các nhóm Proud Boys và American Guard, tình nghi lợi dụng các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ để kích động hận thù.
Người phát ngôn của Facebook cho biết trước đó, công ty này cũng đã xóa nhiều tài khoản liên quan cả hai tổ chức trên hôm 30-5 sau khi nhận thấy hai nhóm này đăng tải nhiều nội dung liên quan đến nhiều cuộc biểu tình đang diễn ra tại Mỹ, đồng thời tiếp tục theo dõi để phát hiện toàn bộ mạng lưới. Facebook cho biết đã xóa hơn 500 tài khoản Facebook và hơn 300 tài khoản Instagram trong đợt rà soát trước.
Nhưng nói như bà Emily Turrettini - chuyên gia về báo Mỹ trên mạng, Facebook đã hành động quá trễ. Tỉ phú trẻ Mark Zuckerberg được cho là đã đứng về phía Tổng thống Mỹ Donald Trump khi không chịu dán nhãn cảnh báo với những câu chữ không phù hợp trên mạng xã hội của ông chủ Nhà Trắng.
Mark đã phải trả giá. Tính trong ba ngày liền mất giá cổ phiếu, tài sản trên sàn của Facebook được cho là đã mất đến 56 tỉ USD. Ông chủ Facebook, tỉ phú trẻ tuổi Mark Zuckerberg (đứng thứ 8 thế giới trong bảng xếp hạng của Forbes năm 2019), đã mất gần 7 tỉ USD tài sản cá nhân.
Nhưng thiệt hại có vẻ chưa dừng lại, dẫu rằng đến lúc này người dùng mạng xã hội vẫn chưa có phản ứng gì nhiều...
70 tỉ USD Đó là doanh thu hằng năm từ quảng cáo của Facebook trên nền tảng mạng xã hội này. |
Ông Bùi Quang Tinh Tú (giám đốc quản lý Conversion Aia, sáng lập cộng đồng UAN Marketing) Các doanh nghiệp không muốn hình ảnh của mình kèm với bạo lực Ông Bùi Quang Tinh Tú Việc Coca-Cola, Unilever thông báo tạm ngừng chi tiền quảng cáo trên nền tảng số, đặc biệt là Facebook, là một bước đi có tính toán từ trước. Năm 2018, Unilever từng cảnh báo sẽ chấm dứt quảng cáo trên những nền tảng Facebook, Google vì tạo ra sự chia rẽ trong xã hội và thất bại trong việc bảo vệ trẻ em. Tháng 3 vừa qua, Coca-Cola Việt Nam ra thông báo tạm dừng các hoạt động quảng cáo trong một tháng, dùng 7 tỉ đồng hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19. Nhưng việc tạm ngưng quảng cáo trên mạng xã hội không có nghĩa là ngừng dùng mạng xã hội vì đây là kênh quan trọng. Với các doanh nghiệp lớn, có quy mô toàn cầu, sở hữu nhiều hệ thống phân phối thì mạng xã hội chỉ là một phần trong hệ sinh thái quảng cáo. Ngoài ra, nhiều năm qua các doanh nghiệp toàn cầu cũng xây dựng đội ngũ, tự thu thập dữ liệu bán hàng, định vị thương hiệu qua các hoạt động mang bản sắc riêng, bớt phụ thuộc vào quảng cáo. Tiền quảng cáo sẽ đầu tư vào sản xuất nội dung, tiếp cận người dùng tự nhiên. Việc ngưng quảng cáo trên mạng xã hội của hai ông lớn ngành bán lẻ có tác động đến các đại lý quảng cáo làm việc trực tiếp, đặc biệt là tại thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc... Thực tế cho thấy các doanh nghiệp thường không muốn hình ảnh của mình đi kèm với bạo lực, bài bạc. Do đó, trước hết, bản thân doanh nghiệp, đại lý quảng cáo cũng cần chủ động bật tính năng lọc những nội dung không muốn xuất hiện trên video, hình ảnh của mình. (BÔNG MAI) |
Theo congnghe.tuoitre