Thấm đẫm tinh thần Á Đông, điện ảnh Việt Nam có khá nhiều bộ phim hay về tình mẹ. Trong số đó, Áo lụa Hà Đông của đạo diễn Lưu Huỳnh để lại dấu ấn sâu đậm với nhiều người xem. Bộ phim dài 135 phút, được công chiếu vào năm 2006, từng đoạt Cánh diều vàng và trở thành hiện tượng thời bấy giờ. Nhiều khán giả đã bật khóc khi xem phim bởi hình ảnh chiến tranh và chủ đề tình cảm gia đình được khắc họa quá xúc động.
|
Gia đình Gù - Dần trải qua nhiều bi kịch thời chiến |
Tình mẫu tử dạt dào
Phim bắt đầu với bối cảnh những năm 1950 ở Hà Đông, nơi còn nằm dưới sự đàn áp của thực dân Pháp. Anh Gù (Quốc Khánh) - một gia nhân nghèo khó - đem lòng yêu cô người ở tên Dần (Trương Ngọc Ánh). Tình cảm của họ vấp phải rào cản lớn là sự hà khắc, áp bức của những người chủ.
Khi tầng lớp nông dân nổi dậy giết địa chủ, Gù và Dần dắt díu nhau vào Nam tìm chốn nương thân. Họ mang theo một chiếc áo dài bằng lụa Hà Đông mà Gù đã dùng làm quà cưới Dần. Đây cũng là chiếc áo năm xưa quấn quanh người Gù khi người địa chủ phát hiện chú bé nằm trơ trọi dưới gốc cây.
Do Dần hạ sinh đứa con đầu lòng, vợ chồng họ phải dừng chân tại Hội An và tìm cách xây dựng mái ấm ở đây. Họ xem mảnh đất này như quê hương thứ hai, rồi sinh thêm mấy người con nữa. Thế nhưng, nỗi gian khổ vẫn luôn đeo đuổi đôi vợ chồng nghèo. Bởi lẽ chiến tranh vẫn còn nên đời sống người dân chưa thể yên ổn.
Nhân vật trung tâm của câu chuyện đầy đau thương này là Dần - cô gái đã trốn theo tiếng gọi tình yêu. Ở Hội An, Dần phải đi cào hến để nuôi gia đình. Để có tiền may áo dài cho con đến trường, người mẹ ấy phải chấp nhận tủi nhục khi làm vú nuôi cho một ông già người Hoa. Mỗi ngày, cô phải dùng dòng sữa của mình để nuôi một lão già móm mém. Khi Gù phát hiện chuyện này, ngay cả anh cũng không thể kìm nén cơn giận mà mắng chửi vợ mình.
Còn gì đau xót và cao cả hơn khi một người phụ nữ phải hy sinh đạo đức và phẩm giá của mình để lo cho gia đình. Đạo diễn Lưu Huỳnh đã mang đến một hình ảnh vừa đẹp vừa đau buồn ở phân cảnh Dần áp ngực vào vách, giơ tay để người đàn ông già cả lấy đi dòng sữa của mình. Nó giống như ẩn dụ rằng người phụ nữ sẵn sàng “cho đi” một phần sự sống của bản thân để con cái có cơ may nhận được cuộc sống tốt đẹp hơn.
|
Vợ chồng Gù và Dần |
Về sau, Dần thậm chí phải đem chiếc áo dài đính hôn của mình cắt lại rồi khâu thành chiếc áo cho 2 con. Do chỉ có một chiếc áo, hằng ngày, 2 đứa trẻ phải thay nhau mặc đến trường. Cứ mỗi buổi trưa, cô chị lại vội vã từ trường chạy về đưa áo cho em kịp buổi học chiều.
Bộ phim thiết lập sự ngột ngạt, đau thương trong cả phần hình ảnh và lời thoại. “Bây giờ có phải làm đĩ để nuôi chúng ăn học nên người, em cũng không tiếc gì phần em” - Dần khẳng định như thế - một câu nói chất chứa cả tình yêu cao thượng của người mẹ và nỗi buồn miên man của thời cuộc.
Phận người trong thời chến
Xuyên suốt bộ phim, tấm áo dài được dùng như hình ảnh gắn kết hành trình tinh thần của các nhân vật nữ. Ban đầu, nó là của người mẹ Gù, một phụ nữ vô danh nào đó mà hẳn cũng rất đau xót phải bỏ lại con mình. Sau đó, nó truyền sang Dần rồi đến những đứa con của cô.
Khoảnh khắc êm đềm tưởng như đã đến khi bé Hội An (con gái của Gù và Dần) viết được một bài văn đạt điểm cao nhất lớp. Chủ đề của bài viết chính là về chiếc áo dài đã gắn liền với bao nhiêu chuyện vui buồn trong gia đình Hội An. Nhưng rồi một tiếng nổ khủng khiếp của bom đã xóa đi tất cả, cứ như thể những con người đó chưa từng tồn tại. Sự đớn đau lại được trút lên đôi vai Dần trong hình ảnh người mẹ chạy đến trường, như phát điên khi tìm thấy xác con. Đó là một trong những phân cảnh xúc động nhất phim và khiến nhiều khán giả bật khóc.
Áo lụa Hà Đông dần trôi đi với những bi kịch không dứt. Cuộc sống đầy cơ cực đã lấy đi mạng sống của Dần. Cô gặp tai nạn lúc đi cào hến để kiếm tiền mua áo cho con gái thứ hai. Còn anh Gù cũng qua đời trong một đám cháy khi cố bảo vệ chiếc áo lụa. Phải đến cuối phim, tia hy vọng mới lóe lên khi đất nước thống nhất.
Trailer phim Áo lụa Hà Đông:
Vai diễn trong Áo lụa Hà Đông đến nay vẫn được xem là màn hóa thân xuất sắc nhất của Trương Ngọc Ánh. Ít ai ngờ một ngôi sao với nhan sắc xinh đẹp, vẻ ngoài quý phái lại có thể nhập vai một người mẹ khốn khổ, tần tảo thuyết phục đến vậy. Lối diễn của Trương Ngọc Ánh có cả sự kìm nén và bùng phát. Ở nhiều cảnh, nhân vật Dần như nuốt trọn cái đau khổ của cuộc đời mình, không một lời than vãn khi phải bán lấy nguồn sống của mình để con gái có tấm áo đi học. Có lúc, cô lại phát tiết nỗi đau ra ngoài, như ở trích đoạn mất đi con gái lớn trong vụ đánh bom.
Có thể nói, nhân vật Dần đã trở thành kinh điển trong số các vai diễn người mẹ Việt Nam tận tụy, hy sinh vì gia đình. Nhân ngày lễ Vu lan, Áo lụa Hà Đông cũng là một tựa phim phù hợp để nhiều khán giả có thể xem lại và cảm nhận trọn vẹn sự vĩ đại và thiêng liêng của tình mẹ.
Bộ phim thành công còn bởi diễn xuất ấn tượng của một số diễn viên khác. Đây là tác phẩm hiếm hoi của điện ảnh Việt quy tụ gần như toàn bộ các diễn viên đều hợp vai và đóng rất cảm xúc. Vai anh Gù như được đo ni đóng giày cho Quốc Khánh bởi dáng vẻ gầy gò và gương mặt khắc khổ. Chỉ cần nhìn anh, chúng ta cũng có thể hình dung được bao nỗi gian lao của một người cha trong thời chiến, không biết làm sao để gia đình thoát khỏi cảnh nghèo.
2 diễn viên đóng vai con gái là Nguyễn Thu Trang và Thiên Tú cũng khiến nhiều người nhớ đến nhiều năm sau. Trong đó, phân cảnh Ngô (Thiên Tú) treo áo dài vào cành cây, ùa vào dòng người chạy đến nơi không có tiếng súng đã mang lại những cảm xúc tích cực, tươi sáng cho khán giả sau những phút bi kịch.
|
Cảnh phim khiến không ít khán giả rơi nước mắt |
Dù là một đạo diễn Việt kiều, Lưu Huỳnh đã khai thác tốt chất Việt Nam qua nhiều hình ảnh đồng quê, phố cổ, trang phục áo dài, áo yếm hay cả tiếng đàn nhị. Anh chọn quan điểm kể chuyện trung dung, gạt bỏ các yếu tố chính trị mà tập trung vào cuộc sống của những người dân thường. Lưu Huỳnh muốn cho thấy hậu quả của chiến tranh và thời cuộc đã ảnh hưởng lên những phận đời bé nhỏ như thế nào, đã khiến những bậc cha mẹ phải vất vả và hy sinh ra sao vì con cái. Đó là thứ tình cảm mà ai trong chúng ta cũng cảm nhận được. Song song đó, đạo diễn cũng muốn ca ngợi sức sống mạnh mẽ của con người Việt Nam, có thể vượt qua những thời khắc đen tối nhất để hướng đến tương lai tươi sáng hơn.
Bộ phim sử dụng lối kể cổ điển, đi theo trình tự thời gian mà không có những cú cắt dựng hay cấu trúc lắt léo. Có thể thấy, trong bộ phim này, Lưu Huỳnh thực hiện theo cảm xúc nhiều hơn là đặt nặng kỹ thuật trong cách kể. Cuộc đời của những nhân vật trong phim được kể lại theo từng giai đoạn, với tốc độ vừa phải để khán giả có thể đồng cảm với họ. Ở đôi chỗ, bộ phim có thể bị chê là dài dòng nhưng có thể bỏ qua các điểm trừ đó bởi cảm xúc dạt dào mà nó mang lại.
Nhiều năm sau ngày ra mắt, Áo lụa Hà Đông vẫn được nhắc đến, chứng tỏ tầm vóc và sức sống vượt thời gian của tác phẩm.
Theo phụ nữ TPHCM