|
|
Nạo vét kênh thủy lợi nội đồng trữ nước ứng phó hạn mặn ở huyện Hòn Đất vùng Tứ giác Long Xuyên Kiên Giang. (Ảnh: TTXVN) |
Chia sẻ về gói viện trợ này với báo chí, Bộ trưởng Penny Wong cho biết, ĐBSCL là khu vực rất dễ bị tổn thương bởi tình trạng biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, hai nước đều có cùng cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và đang cùng nhau thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.
Tuyên bố này của Bộ trưởng Penny Wong tiếp tục bổ sung cho cam kết của chính phủ Australia với Việt Nam trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. Trước gói hỗ trợ nêu trên, Australia đã để lại nhiều dấu ấn trong việc hỗ trợ ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó phải kể đến Dự án kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao triển khai tại huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.
Dự án góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong vùng, ổn định đời sống của hơn 200.000 người, giúp kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 11,89% (trước khi triển khai dự án) xuống còn 7,3% (khi dự án vận hành). Dự án giúp vùng cù lao Phú Tân tránh được thiệt hại do lũ gây ra, giảm ô nhiễm môi trường nước.
Trong tổng kinh phí đầu tư khoảng 200 tỷ đồng (giai đoạn từ tháng 1/2002 – 9/2007), nguồn vốn từ Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Australia hỗ trợ 68,5 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng và các nguồn vốn khác. Dự án kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao tập trung xây dựng mới cống hở, cống bọng, cầu; sửa chữa các cống hiện hữu và khép kín đê vành đai, giúp giữ được mực nước vừa phải trong toàn vùng dự án, bảo vệ an toàn cho thu hoạch lúa, nếp hè thu, tiêu nước nhanh để xuống giống sớm vụ đông xuân vào mùa lũ; gia tăng lượng nước vào các kênh, rạch trong đồng ruộng vào mùa khô hàng năm.
Nhờ dự án này, nhân dân cù lao Phú Tân và vùng đầu nguồn lũ Tân Châu sản xuất ăn chắc, tăng lên 3 vụ/năm thông qua vận hành đóng, mở/cống theo từng thời điểm. Ngay trong mùa nước nổi, dự án tạo cơ hội cho trên 58.000 lao động có việc làm tại chỗ, tăng thêm thu nhập cho người dân nông thôn.
Dấu ấn hợp tác giữa An Giang và các đối tác Australia còn thể hiện ở Dự án nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn (2007 – 2011); 4 dự án thuộc Chương trình viện trợ trực tiếp của Chính phủ Australia (DAP) về lĩnh vực nước sạch, vệ sinh môi trường…
|
|
Cống Phú Hiệp trên hệ thống Bắc Vàm Nao, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. (Ảnh: iwem.gov.vn) |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết: Các chương trình, dự án mà Chính phủ Australia, các tổ chức và cá nhân Australia đã hỗ trợ cho tỉnh An Giang đều có tính thực tiễn cao, góp phần giải quyết trực tiếp những khó khăn về kinh tế – xã hội ở vùng sâu, vùng xa, giúp cải thiện cuộc sống, nâng cao nhận thức và năng lực của người dân trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại Đồng Tháp, Australia đã hỗ trợ chuyển đổi hệ thống quản lý môi trường tại Vườn quốc gia Tràm Chim – hệ sinh thái đa dạng với hơn 130 loài cá và trên 230 loài chim, trong đó biểu trưng là loài sếu đầu đỏ có tên trong Sách Đỏ.
Trước đó, do hạn chế về nguồn lực và công nghệ, vấn đề thu thập dữ liệu, đánh giá và theo dõi tác động của các biện pháp can thiệp phù hợp trong công tác quản lý tại Vườn Quốc gia là một thách thức lớn. Chương trình Aus4Innovation của Chính phủ Australia đã hỗ trợ hợp tác giữa Đại học Wollongong, Australia và Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh nhằm chuyển đổi hệ thống quản lý môi trường tại Tràm Chim. Các nhà khoa học Australia và Việt Nam đã làm việc cùng nhau để ứng dụng các thiết bị kết nối thông minh vào công tác khảo sát thường xuyên trên diện rộng tại Vườn quốc gia. Lượng lớn dữ liệu thu thập được sẽ được xử lý bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo và máy học nhằm đưa ra các thông tin thời gian thực về thực trạng hệ sinh thái của Vườn quốc gia, không chỉ để bảo vệ sức khỏe của các loài động vật mà còn cải thiện hệ thống giám sát nguồn nước và cảnh báo hỏa hoạn.
Nói về quan hệ hợp tác với ĐBSCL, giới chức Australia cho biết, ở thời điểm hiện tại, Australia tập trung vào những dự án tăng cường năng suất và khả năng chống chịu môi trường vì đây là những yếu tố sống còn để ĐBSCL có thể thích ứng được với biến đổi khí hậu, duy trì an ninh lương thực và đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai.
Theo thoidai