Virus đã được ghi nhận ở 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến 32 triệu người lây nhiễm trên toàn cầu, theo thống kê từ các nguồn chính thức do AFP công bố ngày 27/9.
Chỉ trong vòng 9 tháng, Covid-19 đã cướp đi một triệu sinh mạng, và con số này vẫn tiếp tục tăng lên từng ngày. Trong một triệu ca tử vong, có đến 95% trường hợp xảy ra trong 6 tháng gần đây nhất.
Liệu thế giới có tìm ra giải pháp ngăn chặn đại dịch trước khi hàng triệu sinh mạng tiếp theo bị cướp đi? Chưa ai có thể trả lời được câu hỏi trên. Thế nhưng, một triệu sinh mạng kia đã để lại nhiều bài học đáng giá cho những người ở lại.
Sự chênh lệch trong tỷ lệ tử vong giữa các quốc gia
Hơn 200.000 người trong số những bệnh nhân xấu số là người Mỹ. Quốc gia này chỉ sở hữu 4% dân số thế giới nhưng lại chiếm đến hơn 20% số ca tử vong do Covid-19.
Bốn nước Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Mexico chiếm đến hơn nửa số ca tử vong do Covid-19 trên toàn cầu. 480.000 trường hợp tử vong còn lại phân bố trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Một nghĩa trang với những ngôi mộ mới đắp do Covid-19 tại Manaus, Brazil. Ảnh: AFP.
Các yếu tố chính ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong do Covid-19 là: tuổi tác, tình trạng sức khỏe nền, sự quá tải của hệ thống y tế và số ca lây nhiễm.
Xét yếu tố tuổi tác, những bệnh nhân lớn tuổi có nguy cơ tử vong cao hơn. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã thực hiện so sánh nguy cơ tử vong ở các độ tuổi khác nhau. Kết quả cho thấy so với nhóm tuổi 18-29, trẻ em từ sơ sinh đến 4 tuổi có nguy cơ tử vong thấp hơn 9 lần, trong khi người từ 85 tuổi trở lên có nguy cơ cao gấp 630 lần.
Xét yếu tố sức khỏe nền, CDC cho biết bất kể tuổi tác, bệnh nhân có các bệnh nền nhất định cũng chịu nguy cơ tử vong cao hơn, ví dụ như ung thư, bệnh thận mạn tính, bệnh tim. Những người từng ghép tạng cũng dễ bị tổn thương hơn vì họ có hệ miễn dịch suy yếu.
Xét yếu tố hệ thống chăm sóc sức khỏe quá tải, số bệnh nhân mắc Covid-19 ngày càng tăng khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe không còn đủ khả năng đáp ứng. Nhiều bệnh nhân không nhận được sự chăm chóc cần thiết để có thể vượt qua bệnh tật.
Xét yếu tố số ca lây nhiễm, hiển nhiên, số lượng bệnh nhân Covid-19 tăng kéo theo số ca tử vong tăng.
Kết quả của cuộc chiến với Covid-19 ở mỗi quốc gia phụ thuộc phần lớn vào cách họ kiểm soát bốn yếu tố này.
Theo Straits Times, các nước thành công trong việc kiểm soát số ca lây nhiễm, đồng thời có tỷ lệ tử vong thấp, bao gồm:
• New Zealand: 25 trường hợp tử vong trong số 1.827 ca nhiễm, trên dân số 5 triệu người.
• Việt Nam: 35 trường hợp tử vong trong số 1.069 ca nhiễm, trên dân số 97,5 triệu người.
• Thái Lan: 59 trường hợp tử vong trong tổng số 3.516 ca nhiễm, trên dân số 70 triệu người.
Các quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe bị quá tải tại một vài thời điểm, ghi nhận số ca tử vong cao hơn, chẳng hạn một số quốc gia châu Âu như:
• Anh: 41.902 trường hợp tử vong trong số 416.363 ca nhiễm, trên dân số 68 triệu người.
• Italy: 35.781 trường hợp tử vong trong số 304.323 ca nhiễm, trên dân số 60 triệu người.
• Pháp: 31.511 ca tử vong trong tổng số 497.237 ca nhiễm, trên dân số 65 triệu người.
Tháng 4/2020, các quốc gia này đã có nhiều báo cáo về việc không có đủ cơ sở vật chất phục vụ bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân có tiên lượng xấu không được tiếp nhận dịch vụ chăm sóc chuyên sâu cần thiết. Các chuyên gia sức khỏe bị vắt kiệt sức vì phải làm việc quá nhiều.
Covid-19 đã cướp đi một triệu sinh mạng trên toàn thế giới trong vòng 9 tháng. Ảnh: AFP.
Vậy, câu hỏi đặt ra là tại sao một số nước rất thành công trong việc đối phó với dịch bệnh, còn một số khác thì không?
Tiến sĩ Michael Ryan, giám đốc điều hành của chương trình Health Emergencies của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã đưa ra nhiều bình luận trong hội thảo trực tuyến về Covid-19 của NUS Medicine vào ngày 10/9.
Ông cho rằng sự chênh lệch về hiệu suất đối phó dịch bệnh của các quốc gia khác nhau xuất phát từ sự thiếu chuẩn bị, thiếu kinh nghiệm và mức độ gắn kết xã hội.
Sự thiếu chuẩn bị
Tiến sĩ Ryan, một trong những chuyên gia hàng đầu, có gần 25 năm kinh nghiệm trong việc xử lý sớm các nguy cơ sức khỏe toàn cầu, nhận định rằng các quốc gia vẫn chưa đầu tư nghiêm túc vào việc kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ khi dịch bệnh mới xuất hiện.
Điều đó không có nghĩa là họ không đầu tư vào hệ thống y tế. Tuy nhiên, trọng điểm đầu tư lại là cơ sở hạ tầng cơ bản như bệnh viện, giường bệnh, phòng thí nghiệm. Ông nhận xét đây là “một sự chuẩn bị rất máy móc”, mà quên mất điều quan trọng hơn là việc thu thập dữ liệu và các chính sách y tế. Điều này đã dẫn đến số ca nhiễm tăng vọt và bệnh viện bị quá tải ở nhiều nước châu Âu.
Tiến sĩ Ryan cho rằng: “Sự thất bại trong việc kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu phần lớn đến từ sự thất bại trong khâu chuẩn bị, chứ không phải do chúng ta chưa cố gắng hết sức”.
Bệnh viện ở nhiều quốc gia thường xuyên trong tình trạng quá tải do số ca nhiễm Covid-19 liên tục tăng. Ảnh: The Straits Times.
Kinh nghiệm đối phó dịch bệnh
Chỉ những quốc gia từng trải qua tình trạng khẩn cấp về y tế mới có kinh nghiệm đối phó với những dịch bệnh cấp tính nguy hiểm. Ví dụ năm 2003, dịch Sars đã cướp đi sinh mạng của 33 người trong số 238 ca nhiễm tại Singapore. Nó đồng thời khiến Tan Tock Seng - một trong những bệnh viện lớn nhất ở nước này phải đóng cửa.
Những quốc gia có kinh nghiệm sẽ nhanh chóng thu thập, phân tích và đưa ra quyết sách dựa trên dữ liệu.
Tiến sĩ Ryan cho rằng: "Các quốc gia châu Á có ý thức cảnh giác cao hơn nhiều đối với loại virus này”.
Đầu tháng 1, khi thế giới vừa mới biết tin về khả năng xuất hiện một loại virus mới, số lượng câu hỏi mà ông Ryan nhận được từ các nước châu Á như Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản nhiều không đếm xuể. Họ lo ngại về ảnh hưởng của virus mới ngày từ giai đoạn sớm của đại dịch.
Đơn cử, Singapore đã thành lập lực lượng đặc nhiệm trước cả khi có bệnh nhân được chẩn đoán mắc Covid-19 tại nước này. Trong khi đó, nhiều nước khác tỏ ra khá chủ quan, khiến họ bị bất ngờ khi virus tấn công, tiến sĩ Ryan nhận xét.
Sự gắn kết xã hội
Tiến sĩ Ryan cho biết ông nhận thấy rằng các quốc gia phản ứng tốt hơn với dịch bệnh cũng đồng thời có ý thức cộng đồng đoàn kết hơn.
Khi đại dịch diễn ra, mọi người sẽ cảm thấy lo lắng. Họ trông chờ vào phản ứng của các cấp lãnh đạo. Các biện pháp phòng tránh mà chính phủ ban hành lúc đó mới trở thành một tiêu chuẩn bắt buộc cho mọi người. Tuy nhiên, ở một số quốc gia, công tác duy trì sự an toàn của cộng đồng lại vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ những cá nhân cho rằng quyền tự do của họ đang bị xâm phạm.
Tiến sĩ Ryan nhận định rằng tại các quốc gia có tính gắn kết xã hội cao hơn, người dân tỏ ra tích cực hơn trong việc tiếp nhận thông tin và chủ động hơn trong việc đối phó dịch bệnh. Ngược lại, ở các quốc gia tôn sùng tự do cá nhân, người dân thậm chí không nghĩ việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng lại là trách nhiệm của họ.
Ý thức của cộng đồng có ý nghĩa to lớn trong việc kiểm soát đại dịch. Ảnh: Reuters.
“Người ta sẽ chỉ quan tâm rằng dịch bệnh ảnh hưởng đến bản thân họ ra sao, nguy cơ họ bị nhiễm bệnh có cao không, vaccine có tác dụng không, họ có thể di chuyển, có thể du lịch được không. Thế nhưng, chẳng ai nghĩ đến việc thói quen du lịch của họ có thể phát tán virus giữa các quốc gia như thế nào, việc họ tập trung đông người khiến dịch bệnh lan truyền trong cộng đồng ra sao, hay việc bản thân họ sử dụng vaccine sẽ đóng vai trò gì trong việc xây dựng hệ miễn dịch xã hội”.
“Bởi vậy, một cộng đồng gắn kết hơn cũng sẽ cảnh giác hơn với các nguy cơ dịch bệnh. Họ sẽ nghiêm túc hơn trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa”.
Tiến sĩ Ryan bổ sung rằng việc thực hiện giãn cách xã hội, tránh tụ tập đông người và giữ gìn vệ sinh cá nhân là hết sức cần thiết trong việc ngăn chặn tốc độ lây lan của virus. Mà điều đó chỉ có thể thành công khi cộng đồng có ý thức và hoàn toàn tự nguyện tuân thủ.
Ảnh hưởng từ chính sách
Tại Mỹ và Brazil - hai quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 - sức khỏe của nền kinh tế dường như được đặt lên trên sức khỏe cộng đồng.
Nhằm phục vụ cho chiến dịch tái tranh cử, Tổng thống Donald Trump đã phớt lờ khuyến cáo của các cơ quan y tế và hạ thấp mức độ nghiêm trọng của Covid-19. Ông thậm chí còn gạt bỏ các báo cáo từ CDC - một trong những cơ quan y tế quan trọng nhất trên thế giới.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã thay thế bộ trưởng Y tế bằng một nhân sự mới ủng hộ việc mở cửa lại nền kinh tế.
Giáo sư Teo Yik Ying, trưởng khoa Y tế Cộng đồng của trường NUS Saw Swee Hock, cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá mức độ ảnh hưởng của chính sách lên tình hình dịch bệnh hiện tại Mỹ và Brazil.
"Khi các nhà lãnh đạo chọn cách phớt lờ sự thật và tính khoa học của Covid-19, đây là lúc họ có thể đưa ra những quyết định sai lầm, dẫn đến sự lây lan mạnh hơn của đại dịch”, ông nói.
Trong khi vẫn chưa có loại vaccine nào được chính thức đưa vào sử dụng, việc tuân thủ các biện pháp đối phó dịch bệnh sẽ là yếu tố quyết định làm giảm thiểu tỷ lệ tử vong do Covid-19.
Theo Zing