Tháng 4 năm nay, khi tình hình dịch bệnh ở Australia và New Zealand lắng dịu, hai nước thiết lập bong bóng du lịch, theo đó biên giới được mở cửa cho du khách mà không cần áp dụng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt.
Đến giữa tháng 6, sau khi ghi nhận một du khách người Australia nhiễm biến thể Delta, New Zealand nhanh chóng phản ứng, cách ly, xét nghiệm và phong tỏa. Trong số 2.609 người tiếp xúc vị khách du lịch, 93% có kết quả xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, do biến thể Delta có khả năng lây nhiễm mạnh gấp đôi so với chủng ban đầu, đảo quốc Nam Thái Bình Dương đã quyết liệt ngăn chặn đợt bùng phát.
Trong số các yếu tố ảnh hưởng đến sự lây truyền của virus, yếu tố K thường bị bỏ qua. Đây là yếu tố quan trọng, thể hiện cách virus lây lan theo cụm và thông qua các sự kiện siêu lây nhiễm.
Bên cạnh đó, ta còn có số R. Trong khi R0 là số người trung bình lây nhiễm từ một người bị bệnh nếu không áp dụng biện pháp y tế, Re thể hiện số người nhiễm sau khi thực hiện các biện pháp như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và tiêm vaccine.
Theo các nghiên cứu ban đầu và mô hình về cách nCoV lan truyền, 10-20% người mắc Covid-19 có thể lây cho 80-90% tổng số ca nhiễm. Điều này đồng nghĩa chỉ một bộ phận nhỏ có thể gây ra phần lớn số ca Covid-19, khi họ tham gia các sự kiện siêu lây nhiễm.
Người dân xếp hàng bên ngoài một siêu thị ở Auckland hôm 17/8. Ảnh: AP
New Zealand đã thành công chặn Covid-19 và không có bất kỳ đợt bùng phát nào được biết đến nhờ vào các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát biên giới toàn diện. Điều này có nghĩa là bất kỳ cụm dịch hoặc chuỗi lây lan cộng đồng mới nào cũng cần một vài vòng lây để kích hoạt một đợt bùng phát. Song New Zealand đã quyết liệt không cho phép điều này xảy ra.
Điều này từng được chỉ ra trong một nghiên cứu công bố vào cuối năm 2020, trên tạp chí Nature Communications. Nghiên cứu theo dõi làn sóng lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên ở New Zealand, khẳng định hiệu quả của việc can thiệp nhanh chóng và nêu bật tầm quan trọng của yếu tố K. Số Re của cụm dịch lớn nhất ở New Zealand giảm từ 7 xuống 0,2 trong tuần đầu tiên kể từ khi phong tỏa. Tương tự, chỉ có 19% ca Covid-19 nhập cảnh vào New Zealand dẫn đến chuỗi lây nhiễm gồm nhiều hơn một trường hợp.
Hôm 18/8, nước này bắt đầu thực thi lệnh phong tỏa mức cao nhất trong ba ngày trên phạm vi toàn quốc sau khi giới chức phát hiện một ca nhiễm nCoV cộng đồng tại thành phố Auckland. Ca nhiễm được xác định là mang biến chủng Delta và đã lây cho 4 người khác, một trong số đó là y tá đã tiêm vaccine đầy đủ ở bệnh viện Auckland.
"Chúng tôi luôn có cách phản ứng, đó là hành động quyết liệt từ sớm. Điều này tốt hơn nhiều so với hành động nhẹ và kéo dài, dẫn tới phải phong tỏa dài hạn", Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho hay. Lệnh phong tỏa toàn quốc sẽ có hiệu lực trong ba ngày, trong khi biện pháp này sẽ được duy trì tại Auckland trong 7 ngày.
Chính sách chống dịch mạnh tay nhất thế giới với các lệnh phong tỏa tập trung cấp địa phương cho đến toàn quốc mỗi khi phát hiện ca nhiễm và chương trình truy vết tiếp xúc tinh vi đã giúp New Zealand tránh được những làn sóng Covid-19 tàn khốc, ngay cả với chủng Delta đang hoành hành toàn thế giới.
New Zealand hiện ghi nhận 2.926 ca nhiễm nCoV, trong đó 26 trường hợp tử vong. Đất nước 5 triệu dân từng được ca ngợi vì cách ứng phó dịch quyết liệt, gồm sớm đóng cửa biên giới với công dân nước ngoài và áp đặt lệnh cách ly chặt chẽ với người nhập cảnh. Tuy nhiên, tốc độ tiêm vaccine Covid-19 ở New Zealand khá chậm khi chưa đầy 20% dân số được tiêm chủng đầy đủ.
Theo vnexpress