Trong vở có kinh phí dàn dựng hơn một tỷ đồng, êkíp không tái hiện 15 năm lưu lạc của Thúy Kiều mà chọn cách truyền tải giản lược qua ba hồi, chủ yếu ở các phân đoạn đắt giá. Ballet mở màn bằng hình ảnh giàu ngụ ý: Con thuyền chênh vênh trên sông trong một đêm mưa bão. Chi tiết ở cuối truyện - Kiều trầm mình xuống sông Tiền Đường và gặp linh hồn kỹ nữ Đạm Tiên - được đưa lên đầu tác phẩm. Bằng cách đó, câu chuyện về nàng Kiều dần mở ra với giọng ngâm thơ ai oán: "Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao".
Ngôn ngữ hình thể được thể hiện qua nghệ thuật pha trộn giữa ballet phương Tây và múa dân gian phương Đông. Nghệ sĩ Ưu tú Trần Hoàng Yến - vai Thúy Kiều - xuất hiện trong 15 phân cảnh. Đoạn đầu - chị em Thúy Kiều, Thúy Vân du xuân, cô diễn bằng nhiều động tác phức tạp, thể hiện lối múa dân tộc với điệu bộ thùy mị, lột tả tâm trạng thiếu nữ mới lớn, vừa bước đi uyển chuyển bằng kỹ thuật múa giày mũi cứng. Ở đoạn Thúy Kiều gặp Kim Trọng trong dáng vẻ "tình trong như đã, mặt ngoài còn e", diễn viên sử dụng hình thức múa pas de deux (sóng đôi), múa xoay vòng. Khi Vương gia gặp cơn nguy khốn hay Thúy Kiều bị Sở Khanh hành hạ, nghệ sĩ có nhiều động tác mãnh liệt với lối diễn đậm chất tuồng cổ.
Nhân vật Tú Bà là điểm nhấn tiếp theo về diễn xuất. Qua sự hóa thân của Sùng A Lùng, vai phản diện trong tác phẩm hiện lên sống động. Thân hình cao lớn của nghệ sĩ trong chiếc váy đùm tạo ấn tượng thị giác mạnh từ lần đầu xuất hiện. Anh thu hút ánh nhìn khi thể hiện vẻ đay nghiến của Tú Bà trong cảnh Thúy Kiều bán mình chuộc cha. Ở cảnh đưa Kiều vào lầu xanh, diễn xuất của Sùng A Lùng có phần lấn lướt vai chính với điệu bộ ngúng nguẩy, cong cớn.
Nếu diễn xuất là xương sống, âm nhạc tạo nên linh hồn của vở. Xen kẽ giữa các phân cảnh là những bản nhạc được biến tấu giữa dân gian và hiện đại. Khi giới thiệu Thúy Vân - Thúy Kiều, nhạc nền réo rắt gợi không khí xuân đang về. Đoạn gia đình Thúy Kiều bị hãm hại, âm nhạc dồn dập, kịch tính, diễn tả cao trào của tác phẩm. Cảnh ở lầu Ngưng Bích, nhạc chậm rãi, nỉ non như khóc thương cho số phận nhân vật. Nhạc sĩ Việt Anh kết hợp hài hòa dàn giao hưởng và nhạc cụ dân tộc. Ở nhiều cảnh, màn hợp tấu của dàn nhạc dây vang lên hùng tráng, sau đó được điểm xuyết bằng âm thanh của đàn nguyệt, thập lục, trống...
Trong vai người dẫn chuyện, nghệ sĩ Chinh Ba có nhiều màn live bằng nhạc cụ lẫn tiếng hát (vocal). Từ đầu vở, khi anh cất giọng theo lối ca trù, người xem được dẫn dắt vào một không gian u uẩn, dự báo trước tai ương. Khi Kiều bị đưa vào lầu xanh, tiếng hát của anh vút cao với nhiều nốt giả thanh, luyến láy, rồi lại hạ trầm như số phận truân chuyên, lênh đênh của nàng. Ở nhiều cảnh, Chinh Ba gây ấn tượng với phần "lồng tiếng" cho nhân vật. Nghệ sĩ có lúc gầm gừ hoặc gào lên, mô phỏng sự hung tợn, man trá của bè lũ Tú Bà, lúc lại nghiến răng kèn kẹt trong cảnh Hoạn Thư lên cơn "ngứa ghẻ hờn ghen".
Phần thiết kế của tác phẩm tạo nhiều hiệu ứng thị giác. Khác với các vở ballet thông thường - dùng phối cảnh hoặc màn hình LED, vở Kiều kết hợp công nghệ trình chiếu hologram (ảnh nổi 3D). Đầu vở, cảnh Thúy Kiều gặp Đạm Tiên dưới đáy sông Tiền Đường được chiếu lên nền bạt trắng, qua các động tác múa dưới nước của nghệ sĩ Hoàng Yến và Kim Tuyền. Liền sau đó, hình ảnh sấm chớp, mây đen vần vũ hiện ra, gợi không khí đầy kịch tính cho tác phẩm. Ở nhiều cảnh, sau nền vải xuyên thấu, các điệu múa của nghệ sĩ phối hợp cùng hình ảnh chiếu 3D lẫn tiếng nhạc, tạo nên một tổng thể hài hòa.
Êkíp sử dụng ánh sáng để truyền tải ngôn ngữ bằng màu sắc. Ở cảnh nam thanh nữ tú trẩy hội, sân khấu có màu vàng xanh êm dịu. Khi Vương gia gặp biến, đèn phát màu đỏ rực, báo hiệu cơn nguy nan sắp đến. Lúc Kim Trọng, Thúy Kiều gặp nhau, ánh sáng chuyển sang màu hồng tía như vẻ e ấp của nàng Kiều khi gặp mối tình đầu đời. Ở nhiều đoạn, để khắc họa trực diện vẻ tàn ác của Tú Bà hay ghen tuông của Hoạn Thư, sân khấu giảm ánh sáng, chỉ còn những ngọn đèn follow hắt lên mặt diễn viên một màu vàng.
Vở diễn níu chân người xem gần hai giờ. Nghệ sĩ Lê Thiện - một trong những khán giả của suất đầu - kể tác phẩm khiến bà không thể rời mắt, đánh giá điểm mạnh của vở ở phần múa. Từng học loại hình này ba năm trước khi vào nghề diễn, bà nhận xét dàn diễn viên trong vở thành công khi thể hiện nhiều động tác phức tạp. Bà nói: "Tôi ngưỡng mộ các em vì múa dân gian trên giày mũi cứng không hề đơn giản. Ở nhiều cảnh, tôi ngạc nhiên vì kỹ thuật rõ ràng là ballet phương Tây, song tinh thần, biểu cảm lất Việt Nam".
10 ngày trước khi công diễn, tác phẩm "cháy vé". Kịch bản (nghệ sĩ Tuyết Minh thực hiện và đạo diễn) được chấm xuất sắc trong cuộc vận động Sáng tác kịch bản múa 2019. Tuyết Minh cho biết chọn Truyện Kiều, chị và êkíp tin sức hút của các tác phẩm văn học - nghệ thuật trong nước đủ giữ chân khán giả Việt yêu ballet. Chị nói: "Về lâu dài, êkíp mong tác phẩm trở thành điểm hẹn về du lịch - văn hóa, hướng tới các khách du lịch muốn tìm hiểu văn hóa Á Đông". Vở tiếp tục diễn vào ngày 23/7 tại Nhà hát TP HCM và 14/8 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Theo vnexpress