Làn sóng trẻ hóa ở số bệnh nhân COVID-19 nhập viện được cho là liên quan đến những biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2 - Ảnh: Getty Images

Người trẻ đang gặp nguy hiểm

Biến thể mới của vi-rút SARS-Cov-2 được phát hiện lần đầu tiên ở Anh (B.1.1.7) hiện là chủng vi-rút chiếm ưu thế nhất ở Mỹ. Không giống như chủng vi-rút ban đầu, B.1.1.7 đang tấn công những người trẻ tuổi với tốc độ đáng ngại. Tiến sĩ Rochelle Walensky - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết: “Chúng tôi ghi nhận số ca nhiễm gia tăng ở những người trẻ tuổi, hầu hết chưa được tiêm chủng, với nhiều trường hợp mắc các biến chứng không lường trước được”.

CDC cho biết, ca nhiễm B.1.1.7 đã xuất hiện ở 50 tiểu bang của Mỹ với độ tuổi từ 20-29. Tiến sĩ Jonathan Reiner - nhà phân tích y tế tại Đại học George Washington - giải thích: “Lý do đơn giản là dân số già đã tiếp xúc với loại vi-rút này, một số đã chết do dịch hoặc đã được tiêm phòng vắc-xin chống lại vi-rút”. 

Tương tự, tiến sĩ Abdu Sharkawy - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Đại học Alberta - cho biết, làn sóng lây nhiễm thứ ba của đại dịch COVID-19 ở Canada đang đe dọa những người dưới 40 tuổi. Kashif Pirzada - bác sĩ cấp cứu ở Toronto - gần đây đã chia sẻ hình ảnh phổi của bệnh nhân COVID-19 cho thấy ảnh hưởng của COVID-19 lên những người trẻ tuổi. Trong một bài đăng, bác sĩ Pirzada đặt hình ảnh bộ phổi khỏe mạnh của một người 30 tuổi bên cạnh bộ phổi của một giáo viên 35 tuổi đã dương tính với biến thể B.1.1.7. Bộ phổi nhiễm vi-rút gần như bị bóng trắng bao phủ. Pirzada giải thích, ảnh chụp phổi có màu trắng cho thấy, cơ quan hô hấp chứa đầy chất lỏng khiến bệnh nhân vô cùng khó thở.

Bên kia Đại Tây Dương, Benjamin Clouzeau - bác sĩ phòng chăm sóc tích cực (ICU) tại Bệnh viện Bordeaux, Pháp - nói rằng, hiện 90% bệnh nhân của họ nhiễm biến thể B.1.1.7 và trẻ hơn đáng kể so với hai đợt nhiễm đầu. “Họ khoảng 30-55 tuổi, có ít hoặc không có bệnh tiềm ẩn. Vài tuần trước, tại Pháp, những người chết rất già. Bây giờ, số người chết có giảm nhưng lại là những người trẻ mà lẽ ra họ vẫn còn 30 hoặc 40 năm để sống” - bác sĩ Clouzeau nói.

Cuộc chiến dai dẳng 

Khi ngày càng có nhiều người trẻ bị nhiễm bệnh, các bác sĩ lo lắng về các biến chứng lâu dài. Tiến sĩ Reiner tiết lộ: “Những bệnh nhân từng mắc COVID-19 ở độ tuổi 20, 30 và 40 bị mất vị giác và khứu giác, họ sút cân vì chán ăn. Họ cũng mắc chứng đờ đẫn gọi là “sương mù não”, dù tình trạng này không phổ biến. Có một thực tế đáng buồn là COVID-19 có thể để lại di chứng bất kể bệnh nhân nhập viện hay không".

Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí JAMA Network Open (Mỹ), 1/3 số người bị nhiễm COVID-19 từ mức nhẹ đến trung bình và không cần nhập viện vẫn phải đối mặt với các triệu chứng y tế khác nhau sau nhiều tháng khỏi bệnh. Ít nhất năm bệnh viện ở Mỹ đã mở các phòng khám nhi đặc biệt để giúp đỡ trẻ em mắc bệnh COVID-19 kéo dài, bởi căn bệnh có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của trẻ. 

Cô bé Piper Sibert (12 tuổi) đã phải chiến đấu với sự mệt mỏi tột độ trong hai tháng qua. Hiện Piper đang điều trị dài hạn tại bệnh viện nhi đồng và trung tâm y tế ở Omaha, bang Nebraska để phục hồi thể chất. Piper kể: “Cháu luôn có cảm giác như ai đó đang ngồi trên ngực và cháu sẽ ngừng thở bất cứ lúc nào”.Cha của Piper dương tính với COVID-19 vào tháng 11/2020, nhưng không ai khác trong gia đình bị bệnh. Bỗng một ngày tháng Hai, Piper được nhà trường đưa về nhà, được kiểm tra kháng thể và cho kết quả từng nhiễm COVID-19. 

Theo tiến sĩ Reiner, những bệnh nhân trẻ tuổi như Piper còn một chặng đường dài để hồi phục, và không chắc cô bé có lấy lại cuộc sống bình thường như trước đây hay không. 

Theo phunuonline.com.vn