Đó là đánh giá của cây viết Leo Giosuè trong một bài xã luận đăng trên báo Israel Jerusalem Post ngày 30/8.
|
Ảnh: FREEPICK |
Trong bài viết, tác giả nhắc đến Việt Nam tổ chức kỷ niệm Quốc khánh 2/9 và 75 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8). Tác giả ca ngợi người dân Việt Nam đã tiếp nối thành công bằng những chiến thắng to lớn trong công cuộc cải cách kinh tế mang tên Đổi Mới.
Leo Giosuè đánh giá ngoại giao đã trở thành một mặt trận quan trọng của Việt Nam thời bình và đóng góp lớn cho việc duy trì cũng như đảm bảo môi trường hòa bình, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên toàn cầu.
Giương cao ngọn cờ hòa bình, hợp tác và phát triển, Việt Nam hiện là bạn, là đối tác tin cậy của nhiều nước, đồng thời là thành viên tích cực và xây dựng của cộng đồng quốc tế, năng nổ tham gia vào hợp tác trong khu vực và thế giới.
Tác giả chỉ ra Việt Nam đã thiết lập được mạng lưới 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP). Hiệp định FTA thế hệ mới đầu tiên trên thế giới này đã giúp hạn ngạch xuất khẩu của Việt Nam tới các quốc gia thành viên như Nhật Bản, Canada và Mexico tăng mạnh so với năm 2018.
Trong năm 2019, Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định bảo vệ đầu tư với EU (EVIPA), hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Bài viết trên Jerusalem Post đề cập Việt Nam và Mỹ vượt qua thù hận quá khứ để bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Năm 2000, ông Bill Clinton trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam. Tháng 6/2005, Thủ tướng Phan Văn Khải gặp Tổng thống George W. Bush tại Nhà Trắng, trở thành nhà lãnh đạo Việt Nam đầu tiên thăm Mỹ sau chiến tranh.
Việt Nam và Mỹ hiện là đối tác toàn diện. Thương mại song phương tăng từ 450 triệu USD năm 1994 lên 77 tỷ USD năm 2019. Trong nhiều năm, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ. Bất chấp đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, giá trị thương mại song phương tăng gần 10% trong nửa đầu năm nay.
2020 cũng là năm quan trọng về đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt trong thực thi ngoại giao đa phương. Việt Nam nhận chức Chủ tịch ASEAN và là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, lần đầu tiên giữ hai trọng trách cùng lúc.
Việt Nam nhận được nhiều khen ngợi từ cộng đồng quốc tế về sự ứng phó hiệu quả và nhanh chóng đối với đại dịch Covid-19. Mặc dù cũng chịu ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng triển vọng phục hồi của Việt Nam rất tích cực và có thể nói là tươi sáng nhất trong các nước châu Á.
Tác giả bài viết trên Jerusalem Post cho rằng, mức tăng trưởng 5% mà Chính phủ Việt Nam đặt ra trong năm 2020 là rất ấn tượng nếu xét trong bức tranh kinh tế của châu Á. Nếu đạt được mục tiêu, Việt Nam sẽ bảo vệ được vị thế là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, cũng như là quốc gia đầu tiên trong khu vực vượt qua được đại dịch Covid-19.
Ông Leo Giosuè dẫn nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, các nền tảng kinh tế vững mạnh sẽ cho phép Việt Nam tăng trưởng trở lại trong năm 2021, nếu đại dịch được kiểm soát tốt cả ở trong nước và trên toàn cầu.
Theo vietnamnet