Chiang Rai là một trong những tỉnh đẹp nhất Thái Lan, với nhiều ngọn đồi nhấp nhô, những khu rừng, trại nuôi voi và nông sản có chất lượng hàng đầu. Điểm cực bắc của nó là hợp lưu sông Mekong hùng vĩ, chảy xuống từ Trung Quốc.
Các khách sạn tại đây thường thu hút những người thích đi bộ đường dài, ngắm voi và thưởng ngoạn phong cảnh. Dù vậy, tuần trước, lượng người đặt phòng vẫn ít ỏi. Thứ cản trở khách du lịch không phải Covid-19 mà là khói bụi vào mùa khô hàng năm làm mờ đi khung cảnh tuyệt đẹp.
"Cứ như thể bạn đang nhai không khí vậy", một cặp vợ chồng du khách cho biết.
Trong ít nhất 15 năm qua, tỉnh Chiang Mai lân cận Chiang Rai, trải qua nhiều ngày có chỉ số PM2.5 cao nhất thế giới. Khác với nhiều nước châu Á, cuộc khủng hoảng ở miền bắc Thái Lan không phải do nhà máy. Vấn đề xuất phát từ hoạt động đốt rừng và phụ phẩm nông nghiệp. Tỷ lệ ung thư phổi vì thế cũng tăng vọt. Năm ngoái, chất lượng không khí thậm chí tồi tệ hơn khi có tranh chấp liên quan đến việc cố ý đốt phá rừng quốc gia.
Theo khuyến nghị của WHO, ngưỡng an toàn của bụi mịn PM2.5 trung bình hàng năm là 10 µg/m3. Song chưa đến 8% dân số thế giới được hưởng bầu không khí sạch đến vậy. Châu Á là khu vực có chất lượng không khí thấp nhất. Theo xếp hạng của công ty công nghệ IQAir vào năm ngoái, 148 thành phố ô nhiễm nhất đều nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nghiên cứu trên tạp chí tim mạch Cardiovascular Research chỉ ra rằng số người tử vong vì ô nhiễm không khí trên toàn cầu năm 2015 là 8,8 triệu, trong đó gần 6,5 triệu người sống tại châu Á. Để so sánh, kể từ năm 2019 đến năm 2021, Covid-19 giết chết 3 triệu người trên thế giới và khoảng 300.000 người trong khu vực châu Á.
Khi đại dịch leo thang, ô nhiễm không khí bị lãng quên. Các nguồn công quỹ lớn được chuyển hướng để kiểm soát sự lây lan của Covid-19.
"Vì ô nhiễm không khí là vấn đề kinh điển ở châu Á, nhiều người - bao gồm chính trị gia - quyết định sống chung với nó như một cái giá thiết yếu của sự phát triển", Kakuko Nagatani-Yoshida , điều phối viên khu vực của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, nhận định.
Các cơ quan y tế đã lên tiếng cảnh báo về chất lượng không khí của châu Á nhiều năm liền. Năm 2015, mạng xã hội Trung Quốc nổi lên làn sóng ca thán về "bầu không khí tận thế". Tình hình dần được cải thiện sau khi Bắc Kinh có biện pháp nghiêm ngặt hơn. Khi đó, Ấn Độ và Pakistan dần thay thế nước này, trở thành những khu vực có mức độ ô nhiễm tồi tệ nhất khu vực.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng phát biểu: "Không ai, dù giàu hay nghèo, có thể thoát khỏi ô nhiễm không khí. Đây là tình trạng khẩn cấp, thầm lặng về sức khỏe cộng đồng".
Ô nhiễm không còn là vấn đề của riêng đô thị. Trong vài năm qua, nó trở nên tồi tệ hơn ở cả những đô thị loại hai. Nghiên cứu y học cho thấy ảnh hưởng đến sức khỏe của tình trạng này nghiêm trọng hơn nhiều so với tưởng tượng, đặc biệt là đối với trẻ em, người già và phụ nữ có thai.
Nagatani-Yoshida, thành viên Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), cho biết một trong những lý do khiến châu Á bị ảnh hưởng nhiều là mật độ dân số cao. Ba trên bốn quốc gia đông dân nhất trên thế giới nằm ở châu Á, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Tổng dân cư của ba nước là 3,1 tỷ người, chiếm khoảng 39% dân số thế giới.
Indonesia chịu tình trạng ô nhiễm do hoạt động đốt rừng để dọn đất. Theo báo cáo của tổ chức môi trường Greenpeace, 7 trên 10 nước thành viên ASEAN bị ảnh hưởng bởi khói mù do hỏa hoạn tại Indonesia. Báo cáo dựa trên hai thập kỷ nghiên cứu của tổ chức cho thấy khói mù "gây ra các vấn đề về sức khỏe trên diện rộng bao gồm bệnh phổi và tim mạch".
Các nhà khoa học tại Đại học Harvard và Đại học Columbia ước tính tình trạng khói mù năm 2015 dẫn đến khoảng 100.000 ca tử vong sớm ở Indonesia, Malaysia và Singapore.
Tổ chức môi trường Hòa bình Xanh dẫn nghiên cứu khác cho thấy trẻ em ở thành phố Sumatra và Kalimantan tiếp xúc khói mù khi còn nhỏ có điểm số thấp hơn trong các bài kiểm tra nhận thức, tăng trưởng thể chất cũng chậm hơn.
Tình hình một lần nữa trở nên nghiêm trọng vào năm 2019. Ước tính khoảng 1,6 triệu ha rừng ở Indonesia bị cháy, ít nhất 900.000 người gặp vấn đề về hô hấp.
Tại Ấn Độ, tình hình nghiêm trọng không kém. Đây là nơi có 22 trong số 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Nồng độ PM2.5 trung bình hàng năm của Delhi là 84,1 µg/m3, cao hơn Bắc Kinh, Seoul, Paris và London. Theo nghiên cứu chung của tổ chức Hòa bình Xanh và IQAir, ô nhiễm không khí đã cướp đi sinh mạng của khoảng 54.000 người vào đầu năm 2020, gây thiệt hại kinh tế là 8,1 tỷ USD.
Ô nhiễm không khí luôn là cuộc chiến kéo dài của chính phủ châu Á. Trở lại Chiang Mai, nhà hoạt động môi trường Pim Kemasingki cho biết bà đã đấu tranh vì vấn đề này suốt 15 năm.
"Tôi đã nói chuyện với quan chức Bangkok, họ nói đây không phải việc của chính quyền đương nhiệm. Họ bảo hậu quả thực sự phải 30 năm nữa mới xảy ra. Nhưng chúng ta cần động thái quyết định của những người có quyền lực. Hiện chúng ta có nhiều nhà hoạt động, họ có tiếng nói nhưng không có quyền lực".
Song vẫn có tia hy vọng le lói khi nhận thức của cộng đồng với môi trường ngày càng tăng. Tháng này, Ủy ban Môi trường Quốc gia tuyên bố khu vực phía bắc Thái Lan, bao gồm các tỉnh Chiang Mai, Chiang Rai, Lamphun và Mae Hong Son, là khu vực kiểm soát được ô nhiễm.
Theo vnexpress