Du khách và người dân Nhật Bản trên đường phố Tokyo - Ảnh: CORY SCHADT

Bà Shoko Sasaki, lãnh đạo của ISA, cho biết việc củng cố các biện pháp an ninh là nhằm ngăn nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố trong thời gian tổ chức Thế vận hội Olympic.

"Trong thời gian diễn ra Thế vận hội Olympic và Paralympic, số lượng du khách sẽ cao hơn bình thường, và chúng tôi muốn đảm bảo an toàn cho những người đến Nhật một cách hợp pháp" - tờ Japan Times ngày 29-12 dẫn lời bà Sasaki nói.

ISA, trước 4-2019 là Cục Di trú Nhật Bản, có chức năng và trách nhiệm quản lý quá trình kiểm soát visa và hỗ trợ định cư.

Theo bà Sasaki, du khách hiện đã có thể sử dụng thiết bị quét vân tay được lắp đặt tại 18 sân bay lớn của Nhật Bản, như Tokyo và Narita, nhằm giảm tải và tăng tốc các quy trình thông quan.

Sáu sân bay, gồm sân bay Haneda, cũng đã sử dụng hệ thống nhận diện gương mặt để nhận diện các công dân Nhật Bản trở về và những du khách rời nước này.

Bà Sasaki hi vọng những công nghệ mới sẽ giúp phát hiện những người nhập cảnh trái phép, và chặn các đối tượng nguy hiểm đặt chân đến Nhật Bản.

Ngoài ra, việc siết chặt an ninh cũng nhằm ngăn việc lợi dụng hệ thống cấp quy chế tị nạn.

Năm 2010, số người xin tị nạn vào Nhật Bản tăng mạnh, sau khi nước này cho phép cấp giấy phép lao động cho những người xin tị nạn đã chờ xét duyệt hơn sáu tháng. Nhưng chính quyền bắt đầu siết chặt quy trình từ 2018, và chỉ có 42/10.493 người nộp đơn được cấp quy chế tị nạn.

Vài năm trở lại đây, Nhật Bản cũng tăng cường kiểm soát người nhập cư bất hợp pháp. Nước này trục xuất hơn 16.269 người nhập cư ở quá hạn thị thực và có các vi phạm khác trong năm 2018, và đến tháng 6-2019 đã giam giữ 1.253 người tại các trung tâm nhập cư toàn quốc.

Một thực tập sinh Việt Nam làm việc tại tỉnh Ibaraki, Nhật Bản - Ảnh: KYODO

2020 cũng là năm Nhật Bản đẩy mạnh tiếp nhận lao động nhập cư.

Nhật Bản hôm từ 4-2019 đã công bố hệ thống thị thực mới với hi vọng thu hút 345.000 người nhập cư có tay nghề để giải quyết vấn đề thiếu lao động đang ở mức độ đáng lo ngại tại nước này. Kế hoạch dường như không mấy khả quan khi tính đến 13-12, chi mới có 1.732 người được cấp giấy phép lao động.

Bà Sasaki cho biết chương trình sẽ được thúc đẩy trở lại trong 2020 và dự kiến có khoảng 10.000 người nước ngoài tham gia các cuộc kiểm tra kỹ năng để làm việc tại Nhật Bản. Ngoài ra, ISA cũng đã soạn 170 biện pháp hỗ trợ cho lao động nước ngoài hợp pháp. 


Theo dulich.tuoitre