Theo Sixth Tone, 10 năm trước, Li lần đầu tiên vạch ra giáo trình cho khóa học "Giới tính và Truyền thông". Đây là một môn tự chọn, bất kỳ sinh viên nào cũng có thể đăng ký, bất kể lĩnh vực chuyên ngành của họ.

Lần đầu giảng dạy, những học viên trong lớp của Li gần như không lên tiếng. Tên của các học giả quan trọng ở Trung Quốc cũng như nước ngoài, chẳng hạn như nhà nữ quyền Pháp Simone de Beauvoir hay nhà tình dục học, xã hội học Li Yinhe, đều không được biết tới.

Khi Li nói về hoàn cảnh hiện tại của những người đồng tính và chuyển giới tại Trung Quốc, tất cả sinh viên đều tròn mắt sửng sốt.

Các học viên cho biết, vì chỉ tập trung ôn luyện kiến thức cho kỳ thi đại học, họ không có nhiều hiểu biết về giới LGBT. Một số sinh viên nói rằng giáo viên trung học cấm họ đọc bất kỳ cuốn sách nào không phục vụ cho việc thi cử.

                       Sau nhiều năm, vấn đề giới tính và tình dục ở Trung Quốc có sự phát triển, cởi mở hơn. Ảnh: China OUT.


Bởi vậy, Li càng hy vọng khóa học của cô giúp các em bù đắp thông tin quan trọng chưa được nhận ở trường trung học, giúp họ hiểu sâu hơn và chấp nhận thế giới xung quanh cũng như bản thân.

"Có rất ít sinh viên sẵn sàng trả lời câu hỏi của tôi, vì vậy tôi đề xuất họ liên hệ với mình dưới dạng ghi chú ẩn danh. Tôi sẽ thu thập các ghi chú đó vào cuối buổi học, sau đó trả lời chúng vào buổi học tiếp theo.

Nhiều sinh viên ngạc nhiên về chủ đề được bàn luận, họ nói rằng đây là lần đầu tiên nghe nhiều cách gọi về giới tính như vậy. Một số người khác thổ lộ rằng: 'Em thấy mình khác với những cô gái xung quanh, em không thích đàn ông'", Li kể.

Bước tiến sau 10 năm


Khóa học của nữ giảng viên khám phá cách thức các phương tiện truyền thông duy trì một số cấu trúc về giới. Khi dạy môn này, Li tìm cách hiểu sâu hơn về cách người trẻ nhìn nhận các vấn đề liên quan đến giới, tình dục và bình đẳng.

Ban đầu, Li tập trung giảng dạy những lý thuyết cơ bản về giới tính và tình dục. Sau đó, cô mở rộng nhiều chủ đề hơn, bao gồm nữ quyền và văn hóa đồng tính.

Những năm gần đây, Li thấy ngày càng nhiều sinh viên thẳng thắn và thoải mái khi bàn về vấn đề giới và tình dục trong lớp, một phần do họ quen hơn với các cộng đồng LGBT trực tuyến.

Trước đây, Li là người khai sáng, còn bây giờ, nhiều sinh viên nhiệt tình giơ tay phát biểu để phân tích cho cô những vấn đề liên quan đến chủ đề này.

Trong một lớp học vào năm 2020, Li đã yêu cầu các sinh viên đứng lên bục giảng nói lên quan điểm của họ về giới tính. Một nam sinh nhân cơ hội đó đã tuyên bố: "Đúng, em là một người đồng tính. Hồi trung học em đã có bạn trai".

Khác với 10 năm trước, lần này, không sinh viên nào trong lớp cảm thấy sốc. Thay vào đó, họ dành cho người bạn của mình những tràng pháo tay khích lệ và nụ cười tán thưởng khiến Li cảm thấy hạnh phúc.

         Nhiều sinh viên thừa nhận phải lên đại học họ mới lần đầu tiên được tiếp cận với vấn đề giới tính. Ảnh: CNN.


Một lần khác, một nữ sinh đến gặp nữ giảng viên sau giờ học và trò chuyện về hoàn cảnh của chính cô. Nữ sinh nói rằng cô ấy biết mình khác với những người khác, và đã thích con gái từ khi còn là một đứa trẻ.

Khi lên đại học, cô tìm được một người bạn gái qua diễn đàn dành cho những người đồng tính nữ. Sau khi tốt nghiệp, cả hai dọn về ở chung và chăm sóc nhau.

“Chúng tôi cũng có quan hệ tình dục, nhưng đều cảm thấy rằng làm cho nhau thoải mái là điều quan trọng nhất. Là hai cô gái trong một mối quan hệ, chúng tôi chỉ nghĩ rằng con gái là con gái. Chúng tôi không bắt chước các vai trò giới tính nam - nữ truyền thống và chúng tôi không cần ai phải cố tình đóng vai 'người đàn ông'", nữ sinh nói với Li.

Rào cản xã hội


Ngày nay, trong các trường đại học ở Trung Quốc, sinh viên ngày càng có xu hướng hiểu biết và khoan dung với những người thuộc cộng đồng LGBT.

"Tuy nhiên, thái độ thoải mái của sinh viên không nhất thiết phản ánh điều đó trong xã hội rộng hơn. Ngay cả trong khuôn viên trường, các vấn đề LGBT đã trở thành một chủ đề ngày càng trở nên gay gắt trong những tháng gần đây.

Ngoài khuôn viên trường, những cuộc thảo luận thậm chí còn căng thẳng hơn. Trường hợp của nữ sinh nói trên, dù có mối quan hệ rất tốt với bạn gái nhưng em vẫn không dám về ra mắt gia đình", Li nói.

Nữ sinh đồng tính trên tâm sự với Li rằng chưa bao giờ cảm thấy xu hướng tình dục của mình là vấn đề, nhưng rõ ràng thái độ của xã hội đối với cộng đồng LGBT còn sự kỳ thị và thực tế họ chưa được chấp nhận rộng rãi trong xã hội Trung Quốc.

                                            Cộng đồng LGBT chưa thực sự được công nhận rộng rãi trong xã hội Trung Quốc.


Một sinh viên khác, là người chuyển giới nam, thường công khai thường trang điểm đậm, mặc váy ngắn và đi giày cao gót trong khuôn viên trường được các bạn học của mình biết đến và yêu mến.

Tại bữa tiệc tốt nghiệp của lớp vào năm 2020, anh ấy đã mặc một chiếc váy dạ hội và biểu diễn cho khán giả. Trên sân khấu, anh nghẹn ngào bày tỏ lòng biết ơn đến nhà trường, đặc biệt là các thầy cô giáo và bạn học của mình.

Sau buổi biểu diễn, nam sinh nói với Li rằng muốn làm việc ở một thành phố lớn: “Tôi đến từ Triều Sán. Đó là một nơi rất bảo thủ và hầu như không có người như tôi. Nhiều người trong cộng đồng LGBT mà tôi biết đều đã chạy trốn đến các thành phố lớn, cố gắng tìm kiếm cảm giác thân thuộc trong tuyệt vọng".

Sau đó, anh đã chuyển đến Thượng Hải và tìm được công việc bán đồ trang điểm, nghề yêu thích và rất phù hợp với anh.

Ngoài áp lực gia đình và xã hội, một vấn đề khác là cách phương tiện truyền thông đang định hình thái độ của sinh viên ngày nay.

Các trang như "Baihe" và "danmei", cũng như các diễn đàn có liên quan đến giới tính và tình dục đã cung cấp cho những người thuộc cộng đồng LGBT một nơi ẩn náu.

"Đây tất nhiên là một điều tốt. Tuy nhiên, cảm giác chấp nhận và xác nhận lẫn nhau mà các trang web này tạo ra, thật không may, lại không phải là sự phản ánh trung thực về cách mọi thứ hoạt động trong xã hội Trung Quốc.

Một mặt, các cộng đồng này củng cố sự hiểu biết của người LGBT về các vấn đề và bản sắc riêng của họ. Mặt khác, chúng khiến họ trở nên xa lạ hơn với thế giới thực. Điều quan trọng vẫn là học sinh có cơ hội được giáo dục nghiêm túc hơn về những vấn đề này trong một môi trường học tập trực tiếp và cởi mở", Li nói.

Thật không may, thuộc một phần của việc giảm tổng thể số lượng các môn học tự chọn mở được cung cấp tại trường đại học của mình, lớp “Giới tính và Truyền thông” của Li đã bị cắt bỏ vào cuối năm học trước.

"Tôi rất tiếc rằng sẽ không còn có thể đối thoại với học sinh về những vấn đề này, ít nhất là trong lớp học, và tôi đã đánh mất cơ hội này trong quá trình phát triển ý tưởng và nhận thức của học sinh Trung Quốc về giới. Nhưng tôi cũng biết rằng sự phát triển này vẫn sẽ tiếp tục, dù có hoặc không có tôi".

Theo Zing