Cầu ba cẳng ở kênh Hàng Bàng (quận 6, TP.HCM) nay không còn nữa - Ảnh tư liệu
“KTS danh tiếng nhất thế kỷ 20 là Le Corbusier có một câu nói đại ý rằng diện mạo của một TP có tuổi đời lâu năm giống như một khuôn mặt người, mà đã là khuôn mặt người lớn tuổi thì không thể không có nếp nhăn, có vết nám, thậm chí là cả những vết sẹo, nhưng đó mới là khuôn mặt người, nếu không có chúng thì là khuôn mặt của manơcanh, bóng mịn, vô hồn. Những di sản văn hóa - lịch sử - kiến trúc chính là những nếp nhăn của khuôn mặt TP. TS Nguyễn Minh Hòa |
Một đặc điểm nổi trội của di sản văn hóa là giá trị sử dụng, "nếu không có giá trị sử dụng, di sản chỉ là di vật hoặc kỷ vật, mang giá trị lịch sử của di tích, mà khó phát huy các giá trị về văn hóa". Giới chuyên môn về đô thị và di sản vừa gặp nhau tại hội thảo khoa học Di sản đô thị ở TP.HCM trong quá trình hiện đại hóa: Bảo tồn để phát triển bền vững để "góp thêm một tiếng nói" về hướng đi cho công cuộc phát triển đô thị song hành với bảo tồn di sản.
Hội thảo được ba đơn vị: khoa sử Trường đại học Khoa học, xã hội và nhân văn TP.HCM, Bảo tàng TP.HCM và Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa TP.HCM cùng phối hợp tổ chức sáng 18-10 tại TP.HCM, thu hút hơn 50 tham luận.
Tình trạng xâm lấn di tích
TS Trần Ngọc Khánh lưu ý mọi người phân biệt hai khái niệm di sản và di tích. Theo ông, "di sản là tất cả các sản nghiệp con người thời trước để lại cho con cháu đời sau. Di sản, vì vậy, mang ý nghĩa nhân văn, tích chứa nhiều tiềm lực của đời sống, nên được gọi là di sản văn hóa".
Một đặc điểm nổi trội của di sản văn hóa là giá trị sử dụng, "nếu không có giá trị sử dụng, di sản chỉ là di vật hoặc kỷ vật, mang giá trị lịch sử của di tích, mà khó phát huy các giá trị về văn hóa" - TS Trần Ngọc Khánh nhấn mạnh.
Và trong khi TS Khánh nhắc lại khái niệm di sản đô thị xuất hiện lần đầu tiên bởi tác giả G. Giovannoni (1873-1943) trong một bài báo từ năm 1913, TS Phan Đình Nham đưa ra một câu hỏi gây bối rối: "Cả nước có 27 di sản văn hóa, trong khi đó vì sao TP.HCM chưa có một di sản văn hóa nào?".
Thoát khỏi các vấn đề lý thuyết, ThS Nguyễn Mậu Hùng đến từ Đại học Huế lên tiếng cảnh báo về tình trạng "xâm lấn và chiếm dụng ngang nhiên" di tích lịch sử ở nhiều đô thị cả nước, trong khi đó tình trạng di sản bị xâm hại cũng không phải hiếm.
Những cái tên tại TP.HCM như chùa Giác Lâm, chùa Phụng Sơn, lò gốm Hưng Lợi được ông dẫn ra để minh chứng rằng nếu không cải thiện được tình trạng xâm lấn di tích và xâm hại di sản thì câu chuyện về bảo tồn và phát triển sao cho bền vững còn xa vời lắm.
Cần thông tin về di sản bị phá hủy ở ngay công trình mới
TS Nguyễn Minh Hòa "gây choáng" hội thảo khi đưa ra một danh sách gồm 18 công trình đã biến mất trong quá trình chúng ta xây dựng và phát triển TP.HCM.
Có thể kể ra những cái tên quen thuộc một thời: địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại khu vực Ba Son và ụ tàu, cầu sắt trong Thảo cầm viên, cầu Ba Cẳng độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á trên kênh Hàng Bàng (quận 6), tháp quan sát phòng cháy chữa cháy đầu tiên của TP ở khuôn viên Sở Cảnh sát PCCC, trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất, công viên Chi Lăng, quán cà phê Givral, thương xá Tax, Nhà đèn Chợ Quán, cầu Nhị Thiên Đường, vòng xoay Quách Thị Trang cùng tượng Trần Nguyên Hãn...
Và ông Hòa đề xuất cách làm của các nước, khi xây dựng phát triển đô thị nếu vì bất khả kháng phải chấp nhận đánh đổi di sản để đem lại "lợi ích lâu dài và lớn gấp nhiều lần" thì cũng cần làm "phụ lục" di sản bị phá hủy ở ngay tại công trình mới (bảng giới thiệu, hình ảnh, một chút hiện vật còn sót lại, mô hình thu nhỏ của công trình/di sản lúc còn tồn tại...).
Trong công tác bảo tồn và phát triển, ông Hòa cũng nêu một tình trạng tồn tại đến nay rất khó chấp nhận, là "chúng ta chưa có một danh sách và lý lịch đầy đủ về các di sản, di tích văn hóa - lịch sử - kiến trúc trên địa bàn TP.HCM".
Theo ông, không chỉ thống kê về tên gọi mà quan trọng là lý lịch của từng di sản. Phải làm bước đầu tiên đó đã, từ đó mới có thể biết tường tận về di sản, và như vậy mới có thể tính đến chuyện bảo tồn để phát triển bền vững.
Phong tặng thay vì xin cho
Ông Hòa cũng mạnh dạn đề nghị "không nhất thiết phải có đơn xin được xếp hạng di sản văn hóa của cộng đồng hoặc cá nhân nắm giữ di sản" như quy định lâu nay.
Thay vào đó, "nếu thấy di sản đó thực sự có giá trị thì cơ quan chức năng phong hạng (như thế giới vẫn làm) để làm tăng giá trị đối với uy tín của một TP và cho du lịch, còn công trình đó có là di sản hay không khi sửa chữa, cải tạo vẫn phải tuân theo Luật xây dựng".
Nhưng các câu chuyện bảo tồn di sản đô thị đều tập trung lại nơi chính quyền và nhà đầu tư - hai nhân tố "đang có vai trò quyết định" bên cạnh hai nhân tố khác là cộng đồng và các nhà chuyên môn, theo nhận định của TS Nguyễn Thị Hậu.
Từ phía ban tổ chức, ông Trương Kim Quân, giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa TP.HCM, chia sẻ rằng nhiệm vụ đặt ra bây giờ là "cân bằng được tốc độ đô thị hóa với vấn đề giữ gìn những di sản đã có".
Củ Chi: thu hút khách để di tích được "sống" Tại buổi giám sát về công tác bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị ngày 18-10 của HĐND TP.HCM, đại diện UBND huyện Củ Chi cho biết huyện có nhiều khó khăn về nguồn kinh phí để sửa chữa, bảo tồn, duy tu các di tích. Địa bàn huyện Củ Chi hiện có một di tích quốc gia đặc biệt (là địa đạo Củ Chi) và bốn di tích cấp TP. Có di tích xuống cấp lâu năm, công tác duy tu sửa chữa gặp khó khăn do thủ tục kéo dài và khó tìm đơn vị có chuyên môn. Tại buổi giám sát, ông Trương Trung Kiên - trưởng Ban đô thị, HĐND TP.HCM - lưu ý UBND huyện Củ Chi trong việc thiết kế xây dựng các công trình trong khu di tích. Theo đó, các công trình này cần được thiết kế theo hướng mở kết hợp với các chức năng sinh hoạt cộng đồng để thu hút được nhiều du khách và cả người dân địa phương đến với di tích. "Về lâu dài việc này hỗ trợ bảo tồn di tích bền vững, vừa tạo nguồn thu xã hội hóa để tu bổ trở lại di tích. Còn ngược lại, di tích giống như nhà không có người ở" - ông Kiên ví von. D.N.HÀ |
Theo tuoitre