Theo South China Morning Post, số trường hợp tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu đã vượt mốc 80.000, phần lớn tập trung ở các nước phương Tây.

Italy vẫn đứng đầu danh sách với 17.669 ca tử vong, xếp sau lần lượt là Tây Ban Nha, Mỹ (mỗi nước hơn hơn 14.000 ca) và Pháp (10.800 trường hợp).

Một biển quảng cáo điện tử ở thủ đô London, Anh thể hiện thông điệp kêu gọi người dân ở nhà. Ảnh: AP.

Chính phủ Pháp tuyên bố sẽ kéo dài thời gian phong toả đất nước, vốn dự kiến kết thúc ngày 15/4, nhằm kiểm soát sự lây lan của virus bất chấp các số liệu tử vong và ca nhiễm cho thấy tình hình dịch bệnh có dấu hiệu khả quan hơn.

Anh cũng ghi nhận con số kỷ lục 938 người tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số người chết vì Covid-19 ở nước này lên gần 7.000 trường hợp. Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn đang phải nằm trong phòng điều trị tích cực sau khi bệnh tình trở nặng vì nhiễm virus.

Các chính phủ vẫn đang vật lộn để tìm cách cân bằng giữa việc làm sao để giữ an toàn cho cộng đồng nhưng đồng thời giảm thiểu gây thiệt hại đến kinh tế và hạn chế tỷ lệ thất nghiệp.

Tuy vậy, một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu gần như chắc chắn sẽ diễn ra, trong khi các chuyên gia y tế nhấn mạnh rằng bất kỳ sự nới lỏng sớm nào cũng có thể thúc đẩy sự bùng phát trở lại của virus corona.

Tăng trưởng thương mại toàn cầu dự kiến sẽ giảm khoảng một phần ba trong năm 2020 vì đại dịch, theo ước tính của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hôm 8/4, cảnh báo rằng những con số sẽ trở nên "xấu xí".

Người đứng đầu WTO, ông Roberto Azevedo, cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ gây ra "có thể là cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong thời kỳ của chúng ta".

Trong một diễn biến khác, các quan chức Saudi Arabia đã chính thức tuyên bố một lệnh ngừng bắn sẽ được thực hiện ở Yemen, nơi mà liên quân do Saudi Arabia lãnh đạo đang chiến đấu với lực lượng của người Houthi được Iran hậu thuẫn.

Theo Zing