Nữ thẩm phán Amy Coney Barrett - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng thông tấn AFP, bà Barrett nhận được 12 phiếu thuận và 0 phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu ngày 22-10 tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ. Ủy ban này có tổng cộng 22 thượng nghị sĩ, bao gồm ứng viên phó tổng thống của Đảng Dân chủ, bà Kamala Harris.

Tất cả 10 thượng nghị sĩ Dân chủ trong ủy ban đã tẩy chay cuộc bỏ phiếu bằng hình thức vắng mặt. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản được phe Cộng hòa đẩy tiến trình phê chuẩn bà Barrett ra phiên bỏ phiếu toàn Thượng viện Mỹ.

Ứng viên được Tổng thống Trump đề cử được dự báo sẽ tiếp tục dễ dàng vượt qua phiên bỏ phiếu cuối cùng do Đảng Cộng hòa đang kiểm soát 52 trong tổng số 100 ghế tại Thượng viện. Dự kiến phiên bỏ phiếu sẽ diễn ra vào ngày 26-10 tới.

Trong trường hợp bất lợi hơn khi chỉ giành được đúng 50 phiếu tại Thượng viện, phiếu bầu của Phó tổng thống Mỹ Mike Pence - người cũng đồng thời là chủ tịch Thượng viện - sẽ giúp bà Barrett bước chân vào Tòa án Tối cao Mỹ.

Tòa án Tối cao Mỹ có vai trò quan trọng trong đời sống thường nhật lẫn chính trường Mỹ. Tổng thống Trump đã từng ám chỉ có khả năng cuộc bầu cử tổng thống năm nay sẽ phải nhờ tới tòa tối cao phân xử.

Việc thẩm phán kỳ cựu Ruth Bader Ginsburg qua đời hồi tháng 9 đã khiến cơ quan này bị khuyết mất một vị trí và chỉ còn lại 8 thẩm phán - vốn không đạt yêu cầu để biểu quyết những vụ việc nghiêm trọng như kết quả bầu cử Mỹ (nếu có).

Trước tình hình này, phe Cộng hòa của ông Trump đã đẩy nhanh tiến trình bổ sung ghế bị khuyết và bà Barrett, một nữ thẩm phán có tư tưởng bảo thủ như phe Cộng hòa, đã được lựa chọn.

Như nhiều tờ báo Mỹ đã phân tích việc bà Barrett gia nhập Tòa án tối cao Mỹ sẽ nâng số thẩm phán bảo thủ tại cơ quan này lên 6 người, gấp đôi số thẩm phán có tư tưởng tự do.

Cán cân 6-3 có thể ảnh hưởng tới một loạt các vấn đề đang gây tranh cãi trong xã hội Mỹ, từ quyền phá thai đến Tu chính án thứ hai (quyền sở hữu súng đạn), chương trình chăm sóc sức khỏe Obamacare,...

Các đảng viên Dân chủ rất tức giận, cho rằng kể cả khi ông Trump có thể thua cuộc bầu cử, ông vẫn để lại di sản tư pháp kéo dài hàng thập kỷ do nhiệm kỳ của thẩm phán tòa tối cao là trọn đời.

Sự phẫn nộ còn bởi vì họ tin rằng việc đề cử bà Barrett thay thế bà Ginsburg là một sự mỉa mai, sỉ nhục. Nữ thẩm phán quá cố là một trong những biểu tượng nữ quyền của nước Mỹ và có quan điểm gần với Đảng Dân chủ.

Theo tuoitre